Bản tin Năng lượng Quốc tế 16/1: Giá dầu có thể duy trì ở mức hiện tại trong năm nay
PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về các lĩnh vực năng lượng thế giới.
1. Tính đến đầu giờ sáng nay 16/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 72,32 USD/thùng - giảm 0,5%, trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 78,03 USD/thùng - giảm 0,15%.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm nhẹ chưa đến 20 cent do tác động hạn chế của cuộc xung đột ở Trung Đông đối với sản lượng dầu thô đã thúc đẩy hoạt động chốt lời.
2. Các nhà phân tích cho biết nếu không có leo thang địa chính trị lớn ở Trung Đông, giá dầu có thể sẽ duy trì ở mức hiện tại trong năm nay, do công suất dự phòng thoải mái tại các nhà khai thác OPEC+ và triển vọng cung cầu phần lớn cân bằng.
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn nhằm vào hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ và các cuộc tấn công của Mỹ - Anh vào các mục tiêu quân sự ở Yemen để đáp trả đã khiến giá dầu Brent nhanh chóng chạm mốc 80 USD/thùng vào cuối tuần trước, nhưng giá nhanh chóng giảm trở lại.
3. Sau khi nhà máy lọc dầu Lukoil của Nga ở Nizhny Novgorod bị ngừng khẩn cấp hôm 12/1, Reuters đưa tin Moscow đang dự tính cấm xuất khẩu xăng khi các nhà chức trách thảo luận các cách để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt thị trường trong nước.
Nhà máy lọc dầu NORSI ở Nizhny Novgorod là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất nước, và sự cố chưa xác định mới đây là sự cố thứ ba kể từ đầu năm mới. Theo Reuters, việc nhà máy ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến hàng nghìn tấn mỗi ngày đối với hai sự cố riêng biệt trong tuần đầu tiên của tháng 1.
4. Một giám đốc điều hành ngành xi măng nói với hãng thông tấn ILNA của Iran rằng việc tiêu thụ dầu nhiên liệu nặng chất lượng thấp của Iran đã tăng vọt trong những tháng gần đây trong bối cảnh thiếu khí đốt tự nhiên vào mùa đông.
Ali-Akbar Alvandian, thư ký của Hiệp hội Người sử dụng lao động ngành xi măng ở Iran cho hay, do các nhà máy xi măng ở nước Cộng hòa Hồi giáo đã giảm đáng kể mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên nên giờ đây họ chủ yếu dựa vào loại dầu nhiên liệu nặng (dầu mazut) gây ô nhiễm hơn nhiều, làm nguyên liệu cho sản xuất.
5. Nhà máy lọc dầu Dangote ở Nigeria, nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Phi, đã chính thức hoạt động, Aliko Dangote, người giàu nhất Châu Phi, cho biết vào cuối tuần vừa qua, đánh dấu việc khởi động nhà máy lọc dầu sau nhiều năm trì hoãn.
Nhà máy lọc dầu này có thể tiếp nhận 2.900 xe tải mỗi ngày tại các cổng xếp hàng dành cho loại xe này. Các sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dangote sẽ tuân thủ các thông số kỹ thuật Euro V.