Bản tin Năng lượng Quốc tế 23/12: Giới hạn giá khí sẽ dẫn đến ít LNG hơn cho EU
PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về các lĩnh vực năng lượng thế giới.
1. Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 78,11 USD/thùng - tăng 0,8%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 81,50 USD/thùng - tăng 0,64 %.
Giá dầu tăng liên tiếp và đạt mức cao nhất trong hơn hai tuần qua, trong bối cảnh dự trữ dầu thô, dầu sưởi và nhiên liệu máy bay của Mỹ ngày càng khan hiếm ngay khi một cơn bão mùa đông cường độ mạnh tấn công nước này.
2. Giá trung bình của một gallon xăng tại Mỹ đã giảm vào ngày 22/12 trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, với mức giá hiện rẻ hơn 19 cent cho mỗi gallon so với thời điểm này năm ngoái.
Theo dữ liệu của EIA, mức trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng đã giảm 4 cent trong tuần này xuống còn 3,101 USD, mặc dù nhu cầu đối với nhiên liệu này đã tăng vào tuần trước từ 8,26 triệu thùng/ngày lên 8,71 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số nhu cầu đó vẫn thấp hơn 300.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
3. Việc phương Tây áp giá trần đối với các lô hàng dầu thô của Nga bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/12, nhưng giá trần đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga như xăng và dầu diesel phải tới ngày 5/2/2023 mới có hiệu lực. Nhà chức trách Mỹ hiện nói rằng sẽ có ân hạn khoảng thời gian cho các lô hàng đó để họ đến đích trước khi vi phạm lệnh trừng phạt.
Đối với các lô hàng sản phẩm dầu của Nga, miễn là được bốc hàng trước ngày 5/2 và dỡ hàng tại cảng đích đã khai báo trước ngày 1/4, sẽ không bị áp trần giá.
4. Theo tính toán của Reuters, xuất khẩu hỗn hợp dầu thô Urals hàng đầu của Nga từ các cảng biển Baltic có thể sẽ giảm xuống khoảng 5 triệu tấn trong tháng này từ mức 6 triệu tấn trong tháng 11, do lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ của Nga và giá trần của phương Tây.
Giới quan sát dự đoán nó có thể giảm xuống mức thấp nhất là 4,7 triệu tấn.
Các thương nhân nói với Reuters rằng Nga đang gặp khó khăn trong việc chuyển hướng hoàn toàn xuất khẩu Urals từ châu Âu sang các thị trường khác như Trung Quốc và Ấn Độ, và cũng gặp khó trong việc tìm đủ tàu phù hợp.
5. Sau nhiều tháng đàm phán, EU cuối cùng đã đồng thuận để thiết lập mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên để bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị tăng giá quá mức và hạn chế áp lực lạm phát cũng như thiệt hại đối với các nền kinh tế châu Âu.
Tuy nhiên, giới hạn giá có thể hạn chế khả năng của châu Âu trong việc tiếp tục thu hút phần lớn nguồn cung LNG giao ngay trên toàn cầu, các nhà phân tích cho biết.