Bản tin Năng lượng xanh: Châu Âu đang phải nỗ lực để đạt mục tiêu điện gió ngoài khơi

Hôm thứ Năm (24/10), khi trình bày các khuyến nghị cho Ủy ban châu Âu mới, các nhà lãnh đạo ngành điện gió và nhà lập pháp cho biết Châu Âu đang tụt hậu so với các mục tiêu đầy tham vọng của mình về năng lượng gió ngoài khơi, bị cản trở do chi phí tăng cao, thủ tục hành chính rườm rà và các chính sách không đầy đủ.

Châu Âu đang phải nỗ lực để đạt mục tiêu điện gió ngoài khơi

Ngành công nghiệp điện gió đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua bằng cách giảm chi phí công nghệ và xây dựng các tua-bin lớn hơn. Nhưng việc tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án đã trở thành một thách thức vì chi phí xây dựng các công viên gió trên biển ngày càng tăng đã làm giảm biên lợi nhuận cho cả nhà sản xuất và nhà phát triển tua-bin.

Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho biết: "Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn đang vật lộn để đạt được mục tiêu năm 2030".

Hôm thứ Năm 24/10, Đan Mạch đã tổ chức một cuộc họp tại cảng Odense để thảo luận về cách hiện thực hóa tầm nhìn chính trị về việc biến Biển Bắc thành một trung tâm năng lượng xanh sẽ giúp EU đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng.

Năm ngoái, các quốc gia Biển Bắc đã cam kết xây dựng 120 gigawatt (GW) điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và ít nhất 300 GW vào năm 2050, tương đương với khoảng 20.000 tua-bin gió ngoài khơi. Con số này cao hơn so với 35 GW được lắp đặt trên toàn châu Âu hiện nay.

Vestas, nhà sản xuất tua-bin gió lớn nhất thế giới, cho biết châu Âu đang không đạt được tham vọng của mình do thời gian xử lý giấy phép kéo dài và thiết kế đấu giá sai sót.

Giám đốc điều hành Henrik Andersen nói với Reuters tại Odense, nơi các tháp tua-bin khổng lồ, cánh quạt và các bộ phận khác được đưa ra biển: "Bạn biết đấy, các tua-bin được đưa ra từ đây sẽ không được đưa đến Biển Bắc. Chúng sẽ được đưa đến những nơi khác trên thế giới như Nhật Bản và Đài Loan".

Úc và Anh hợp tác hỗ trợ công nghệ năng lượng sạch

Hôm thứ Sáu (25/10), các nhà lãnh đạo của Úc và Anh đã công bố rằng họ có kế hoạch hợp tác để tăng cường triển khai và sử dụng các công nghệ năng lượng tái tạo như hydro xanh, gió ngoài khơi và các hình thức năng lượng tái tạo khác để giúp khử cacbon trên thế giới.

Trong một thông cáo báo chí chung, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 sẽ tạo ra việc làm mới cho cả hai quốc gia và củng cố cơ sở công nghiệp của họ. Trong tuyên bố của mình, họ không nêu rõ số tiền sẽ cam kết cho năng lượng sạch.

Sau cuộc gặp Thủ tướng Anh tại Cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia Khối thịnh vượng chung ở Apia (Samoa), Thủ tướng Albanese cho biết: "Quan hệ đối tác này sẽ được xây dựng dựa trên sự hợp tác lâu dài của chúng ta về hành động khí hậu quốc tế cũng như dựa trên cam kết chung của chúng ta về việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050". Hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ hỗ trợ sáu dự án khử cacbon trong công nghiệp.

Cuộc họp Khối thịnh vượng chung đã bắt đầu vào tuần này. Biến đổi khí hậu là một chủ đề chính trong các cuộc thảo luận, vì hơn một nửa số thành viên Khối thịnh vượng chung là các quốc gia nhỏ và nhiều quốc gia là các quốc đảo thấp có nguy cơ mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Cơ quan môi trường Hà Lan cảnh báo về sự chậm trễ của dự án điện gió Biển Bắc

Hôm thứ Năm (24/10), Cơ quan đánh giá môi trường PBL của Hà Lan cảnh báo sự chậm trễ trong việc triển khai điện gió ngoài khơi của Hà Lan đã dẫn đến lượng khí thải nhà kính tăng cao hơn và dự kiến sẽ còn nhiều hơn nữa.

Việc mở rộng nhanh chóng các tua-bin gió ở Biển Bắc là nền tảng của chính sách môi trường của Hà Lan, với công ty lưới điện TenneT có kế hoạch chi hơn 100 tỷ Euro (108 tỷ USD) để hỗ trợ.

Tháng 4/2024, Chính phủ Hà Lan đã hoãn kế hoạch tăng công suất từ 4,7 gigawatt (GW) hiện tại lên 21GW vào cuối năm 2032 thay vì năm 2030, với lý do là chi phí, khó khăn trong chuỗi cung ứng và "thách thức trong việc ra quyết định kịp thời".

PBL cho biết sự chậm trễ này đang dẫn đến việc sản xuất nhiều điện hơn từ nhiên liệu hóa thạch. Dự báo về lượng khí thải năm 2030 của Hà Lan "đặc biệt phụ thuộc vào tốc độ thực hiện các dự án điện gió trên biển", cơ quan này cho biết.

Chính phủ Hà Lan cho biết họ có "tham vọng" tăng thêm công suất điện gió ngoài khơi lên 50GW vào năm 2040, nhưng cơ quan này lưu ý rằng không gian cho họ không được dành riêng và không chắc chắn mục tiêu năm 2032 sẽ đạt được.

"Vẫn chưa rõ liệu các khoản đầu tư bổ sung vào năng lượng gió trên biển có được thực hiện hay không", cơ quan này cho biết, đồng thời nêu ra viễn cảnh lợi nhuận sẽ giảm khi giá giảm trong giờ cao điểm sản xuất điện gió. "Nếu các nhà sản xuất không thể kiếm được lợi nhuận từ khoản đầu tư vì lý do đó, họ có thể sẽ không đầu tư", cơ quan này cho biết.

Vào tháng 6, Chính phủ Hà Lan đã đấu giá thành công 4GW giấy phép điện gió ngoài khơi, mặc dù lợi nhuận thấp hơn so với các vòng trước và Eneco đã rút khỏi cuộc đấu thầu, với lý do tình hình kinh doanh đang xấu đi.

Đầu tháng Mười, Cơ quan quản lý thị trường ACM cho biết họ đang lập kế hoạch áp dụng biểu thuế đối với các nhà sản xuất, bao gồm cả các nhà khai thác điện gió ngoài khơi, để cung cấp điện cho lưới điện. Các nhà sản xuất điện cho biết điều này sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư./.

Thanh Bình

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-chau-au-dang-phai-no-luc-de-dat-muc-tieu-dien-gio-ngoai-khoi-719663.html