Bản tin Năng lượng xanh: Năng lượng tái tạo có thể không đạt được mục tiêu tăng gấp ba của LHQ - IEA

Theo báo cáo gần đây nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới sẽ không đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc (LHQ) là tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, mặc dù nhiều quốc gia dự kiến sẽ đạt hoặc vượt qua các mục tiêu quốc gia của họ.

Năng lượng tái tạo có thể không đạt được mục tiêu tăng gấp ba của Liên hợp quốc - IEA

Báo cáo có tên là Năng lượng tái tạo 2024, cho biết rằng thế giới sẽ triển khai hơn 5,5TW năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030, gấp ba lần so với mức tăng từ năm 2017 đến năm 2023 và tương đương với công suất điện hiện tại của Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và EU cộng lại.

Tổng cộng 70 quốc gia chiếm 80% công suất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ dẫn đầu xu hướng này và dự kiến sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu năng lượng tái tạo quốc gia của họ.

Tổng Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh hơn so với mục tiêu mà các Chính phủ quốc gia có thể đặt ra. Điều này chủ yếu được thúc đẩy không chỉ nhờ những nỗ lực nhằm giảm phát thải hoặc tăng cường an ninh năng lượng – mà ngày càng tăng vì năng lượng tái tạo hiện nay cung cấp lựa chọn rẻ nhất để xây dựng các nhà máy điện mới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới”.

Tuy nhiên, điều này sẽ không đủ để đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc đặt ra tại COP28 năm ngoái. Theo IEA, để đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc, cần phải nâng cấp 25 triệu km lưới điện, để tốc độ triển khai năng lượng tái tạo phù hợp với tốc độ tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện và xây dựng 1,5TW lưu trữ năng lượng.

Điện mặt trời PV dự kiến sẽ chiếm 80% công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 và điện gió sẽ tăng gấp đôi tốc độ mở rộng hiện tại.

Theo công ty mẹ của Power Technology, GlobalData, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức và Ấn Độ là bốn quốc gia dẫn đầu về sản xuất điện mặt trời và điện gió trên toàn cầu. Tháng trước, IEA đã công bố một báo cáo tuyên bố rằng việc tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng gấp đôi tỷ lệ hiệu quả năng lượng sẽ cắt giảm mười tỷ tấn khí thải nhà kính toàn cầu.

IEA cho rằng năng lượng tái tạo sẽ không đạt được mục tiêu tăng gấp ba của Liên hợp quốc mặc dù đã đạt được các mục tiêu quốc gia.

Kế hoạch khí hậu mới của Hy Lạp đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng hơn

Theo một kế hoạch năng lượng và khí hậu đã được sửa đổi được trình bày vào thứ Sáu (11/10), Hy Lạp đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng hơn để mở rộng năng lượng mặt trời và gió nhằm cắt giảm khí thải nhà kính vào năm 2030.

Athens sẽ đặt mục tiêu đạt 82% thị phần năng lượng tái tạo trong sản xuất điện vào năm 2030 so với mục tiêu 66% trong kế hoạch trước đó năm 2019, theo kế hoạch sẽ được đệ trình lên Ủy ban châu Âu để phê duyệt.

Các kế hoạch năng lượng và khí hậu quốc gia của các quốc gia thành viên EU nêu chi tiết về đóng góp của họ vào mục tiêu chung của EU, là cắt giảm khí thải nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030, và đưa ra lộ trình cho các khoản đầu tư của ngành năng lượng.

Với nguồn nắng dồi dào, quốc gia Địa Trung Hải này đã tăng gấp đôi sản lượng năng lượng tái tạo kể từ năm 2014, với các nhà máy điện mặt trời và điện gió mới và đã đóng cửa hầu hết các nhà máy điện than.

Phát biểu tại một cuộc họp báo để trình bày kế hoạch, Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Hy Lạp Theodore Skylakakis cho biêt Hy Lạp đã vượt qua mục tiêu thâm nhập năng lượng tái tạo và mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính, tuy nhiên chưa giải quyết được vấn đề về cách thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra. “Ý kiến chung là chúng ta đã có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu trước khi nó xảy ra… nhưng cuộc khủng hoảng khí hậu đã ở đây, với những tác động kinh tế và tài chính to lớn”, ông nói.

Hy Lạp, vẫn đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính, đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và cháy rừng tàn khốc mà các nhà khoa học liên hệ với nhiệt độ mùa hè tăng cao. Quốc gia này đang phải vật lộn để trả tiền khắc phục thiệt hại và cải thiện cơ sở hạ tầng để chống chịu tốt hơn với nhiệt độ khắc nghiệt.

Theo kế hoạch năng lượng và khí hậu mới, Athens ước tính sẽ cần thêm khoản đầu tư trị giá 95 tỷ Euro (103,97 tỷ USD) vào năm 2030, trong đó có các chính sách giúp hàng nghìn tòa nhà tiết kiệm năng lượng, lắp đặt thêm năng lượng mặt trời và gió và xây dựng kho lưu trữ năng lượng.

Những hành động này sẽ giúp Hy Lạp cắt giảm 58,6% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 trên con đường đạt được mức trung hòa khí hậu vào năm 2050, cao hơn mức cắt giảm 43% được dự kiến trong kế hoạch năm 2019.

Masdar ký thỏa thuận với các đối tác Na Uy để khám phá các cơ hội về hydro xanh và tái tạo

Hôm Thứ Sáu (9/10), Abu Dhabi Future Energy Company PJSC – Masdar, công ty năng lượng sạch của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã ký thỏa thuận với ba công ty Na Uy nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác lâu dài với quốc gia Bắc Âu này.

Việc công bố các thỏa thuận diễn ra trong chuyến thăm chính thức Na Uy của Thái tử Abu Dhabi HH Sheikh Khaled bin Mohamed bin Zayed Al Nahyan. Trong chuyến thăm, Diễn đàn Đầu tư UAE-Na Uy đã tập hợp một phái đoàn lãnh đạo cấp cao để thảo luận về các cơ hội đầu tư song phương giữa hai quốc gia.

UAE và Na Uy có mối quan hệ song phương bền chặt, được neo giữ trong cam kết đối với quá trình chuyển đổi năng lượng. Masdar có lịch sử lâu dài về quan hệ đối tác thành công với các công ty Na Uy trong việc thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch và phát triển bền vững.

Quan hệ đối tác của Masdar với các công ty Na Uy trong các dự án năng lượng tái tạo đã kéo dài hơn một thập kỷ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Hợp tác với gã khổng lồ năng lượng Na Uy, Equinor, Masdar đã phát triển Hywind Scotland, trang trại điện gió nổi ngoài khơi đầu tiên trên thế giới, đi vào hoạt động vào năm 2017.

Thỏa thuận thứ hai, được ký kết với Aker Horizons Asset Development, sẽ đem lại các cơ hội phát triển và đầu tư chung dọc theo chuỗi giá trị 'Power-to-Green Hydrogen', hướng đến mục tiêu khử cacbon trong các lĩnh vực khó giảm thiểu. Công ty cũng đã ký một thỏa thuận với Yara để khám phá các cơ hội hợp tác và đầu tư dọc theo chuỗi giá trị 'Power-to-Green Ammonia', với hydro xanh là cốt lõi.

Masdar đang hướng đến mục tiêu danh mục năng lượng tái tạo đạt 100GW vào năm 2030, hỗ trợ mục tiêu được đặt ra trong UAE Consensus là tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào cuối thập kỷ này và hướng đến mục tiêu trở thành nhà sản xuất hydro xanh hàng đầu vào cùng năm. Công ty đã đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn hydro xanh hoặc các dẫn xuất tương đương mỗi năm tại UAE và trên toàn cầu trong vòng một thập kỷ./.

Thanh Binh

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-nang-luong-tai-tao-co-the-khong-dat-duoc-muc-tieu-tang-gap-ba-cua-lhq-iea-718991.html