Bản tin quân sự 10/1: Trung Quốc có máy bay tương lai
Bản tin quân sự 10/1: Trung Quốc có thêm máy bay chiến đấu tương lai khi các hình ảnh tại Thẩm Dương cho thấy một mẫu máy bay chiến đấu không đuôi, 2 động cơ.
Mỹ trang bị tên lửa diệt hạm tàng hình trên máy bay F-15X; xuất hiện thêm nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ mới tại Trung Quốc… là các nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Xuất hiện thêm nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ mới tại Trung Quốc
Một chiếc máy bay chưa xác định có thể là nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc đã được phát hiện thông qua ảnh vệ tinh. Những hình ảnh về chiếc máy bay này được trang The War Zone đăng tải.
Máy bay mới được xuất hiện tại một nhà máy thuộc Tập đoàn chế tạo hàng không Thẩm Dương. Bức ảnh tương ứng được chụp vào ngày 1/1/2025. Chiếc máy bay có chiều dài khoảng 15m, được chế tạo theo thiết kế không có cánh đuôi. Máy bay có kết cấu khi động học hình kim cương và có 2 động cơ phản lực.
The War Zone viết: “Phương tiện đặc biệt được phát hiện ở Thẩm Dương vào ngày 1/1 có thể là một ý tưởng khác về máy bay chiến đấu chiến thuật có người lái thế hệ tiếp theo thuộc hạng trung so với các mẫu hạng nặng mà chúng tôi thấy gần đây hoặc một máy bay chiến đấu không người lái”.
Vào tháng 12/2024, chuyến bay đầu tiên của một loại máy bay chiến đấu thế hệ mới có thể là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc đã được ghi lại. Máy bay được chế tạo theo thiết kế khí động "không có đuôi" và kích thước của nó tương đương với kích thước của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20S.
Mỹ trang bị tên lửa diệt hạm tàng hình trên máy bay F-15X
Theo trang tin quân sự Defense News, máy bay chiến đấu F-15E và F-15EX của Không quân Mỹ sẽ được trang bị tên lửa hành trình diệt hạm tàng hình AGM-158C LRASM (tên lửa chống hạm tầm xa).
“Kho vũ khí của máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle và F-15EX Eagle II của Không quân Mỹ có vẻ sẽ được bổ sung tên lửa AGM-158C LRASM. Máy bay F-15E và EX được trang bị LRASM sẽ tăng cường đáng kể khả năng của không quân trong nhiệm vụ đối hạm. Điều này có thể tỏ ra đặc biệt có giá trị trong bất kỳ cuộc chiến quy mô lớn nào trong tương lai ở Thái Bình Dương”, ấn phẩm Defense News đăng tải.
Bộ Tư lệnh Phòng không Hải quân Mỹ đã công bố hợp đồng với Lockheed Martin để tích hợp phiên bản C-1 của LRASM vào kho vũ khí trên máy bay chiến đấu F-15. Hiện tại, tên lửa mới chỉ có thể được mang trên máy bay tấn công F/A-18E/F Super Hornet và máy bay ném bom B-1B Lancer. Các chuyên gia cũng đang nghiên cứu điều chỉnh LRASM để phóng từ máy bay tuần tra P-8 Poseidon và một số biến thể của máy bay tàng hình F-35.
Khả năng tải trọng tăng lên của F-15 sẽ cho phép nó mang được nhiều LRASM trong mỗi chuyến bay. Trước đây, Không quân đã thử nghiệm lắp đặt 5 tên lửa JASSM có trọng lượng và kích thước tương tự trên một chiếc F-15E.
LRASM được cho là có khả năng sống sót cao nhờ thiết kế tàng hình và khả năng tự động thay đổi đường bay khi phát hiện hệ thống phòng không của đối phương.
Vào tháng 9/2024, Lầu Năm Góc lần đầu tiên công bố hình ảnh máy bay chiến đấu F-35 với tên lửa chống hạm LRASM mới. Máy bay đã được thử nghiệm với cấu hình mang tên lửa gắn bên ngoài thân.
Quân đội Nga đưa vào trang bị robot chiến đấu đa dụng mới
Tập đoàn Rostec đã bàn giao lô máy bay không người lái có bánh lốp Depesha cho Lực lượng Vũ trang Nga.
“Công ty mẹ High Precision Complexes của chúng tôi đã gửi một lô máy bay không người lái Depesha cho quân đội. Đây là những nền tảng được điều khiển từ xa đa chức năng trên khung gầm có bánh xe”, Rostec thông báo.
Thiết kế của các phương tiện mà quân đội Nga tiếp nhận là khung gầm đa dụng cho phép lắp đặt các loại trang bị phù hợp cho nhiều nhiệm vụ khác nhau. Đặc biệt, Depesha có thể nhanh chóng vận chuyển tới 200kg hàng hóa ra tiền tuyến hoặc đảm bảo việc sơ tán những người bị thương về hậu phương nhanh chóng và hiệu quả. Nền tảng không người lái với hệ thống treo độc lập có tính cơ động cao.
Rostec cũng nhấn mạnh Depesha có khả năng bao quát khoảng cách xa. Tổ hợp phần mềm và phần cứng Prometheus cung cấp các yếu tố robot hóa tự động một phần hoạt động của Depesha.
Giám đốc công nghiệp vũ khí, đạn dược và hóa chất đặc biệt tại Rostec, Bekhan Ozdoev nhấn mạnh rằng, các giải pháp do tập đoàn phát triển có thể biến bất kỳ phương tiện chiến đấu nào, kể cả xe tăng hoặc pháo tự hành thành robot.
Tháng 12/2024, Rostec đã trình diễn khả năng cơ động của nền tảng robot Depesha và Caracal. Những chiếc xe di chuyển trên địa hình gồ ghề và vượt qua những chướng ngại vật nhỏ.