Bản tin quân sự 12/1: Mỹ cần 50 năm để chặn tên lửa siêu vượt âm Oreshnik

Bản tin quân sự 12/1: Mỹ cần 50 năm để chặn Oreshnik, đó là nhận định của nhiều chuyên chuyên gia quân sự Nga khi dòng tên lửa này có tính năng vượt trội.

Mỹ cần 50 năm để phát triển vũ khí có thể ngăn chặn tên lửa siêu vượt âm Oreshnik; Thụy Điển mua xe tăng Leopard-2A8 là nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.

Mỹ cần 50 năm để phát triển vũ khí có thể ngăn chặn tên lửa siêu vượt âm Oreshnik

Chuyên gia quân sự, Phó giáo sư Khoa Phân tích chính trị và tâm lý xã hội, Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov, Oleg Glazunov cho biết, Mỹ sẽ phải mất ít nhất 50 năm để tạo ra một hệ thống phòng không có khả năng chống lại tên lửa Oreshnik.

Trong cuộc trò chuyện với Lenta.ru, ông nói về triển vọng của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, chuyên gia Oleg Glazunov đánh giá: “Có lẽ phải mất 50 năm nữa. Thực tế là hệ thống phòng không của Mỹ đã lỗi thời từ lâu. Nó không còn khả năng chứa các tên lửa thế hệ hiện đại, không chỉ Oreshnik mà nhiều tên lửa khác. Chúng tôi có điều gì đó để trả lời. Chúng tôi đã đi trước Mỹ về công nghệ tên lửa và hệ thống phòng không trong 50 năm”.

Các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tỏ ra vô dụng trước Oreshnik. Ảnh: Defense News

Các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tỏ ra vô dụng trước Oreshnik. Ảnh: Defense News

Về vấn đề này, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, tướng Herbert McMaster cho biết, sẽ phải mất ít nhất 15 năm để tạo ra một hệ thống phòng không có thể đánh chặn Oreshnik. Theo đó, hiện phương Tây không có biện pháp bảo vệ nào trước tên lửa đạn đạo này. Những kết luận như vậy được đưa ra sau khi nghiên cứu các đặc tính kỹ thuật của loại vũ khí này và kết quả của cuộc tấn công đầu tiên trong lịch sử bằng tên lửa Oreshnik vào một nhà máy ở vùng Dnepropetrovsk của Ukraine.

Oreshnik có thể được phát triển dựa trên RS-26 Rubezh vốn cùng là sản phẩm của Viện Kỹ thuật Nhiệt Moscow vào những năm 2000. Đánh giá dựa trên các video ghi lại các cuộc tấn công vào Dnepropetrovsk, MRBM Oreshnik cũng được trang bị nhiều đầu đạn MIRV để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau. Cùng với đó, Oreshnik cũng được ứng dụng các công nghệ siêu vượt âm tiên tiến được Nga thử nghiệm và ứng dụng trên nhiều loại vũ khí đạn đạo như thiết bị lượn Avangard.

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng, hiện tại không có cách nào để đối phó với tên lửa Oreshnik. Nhà lãnh đạo nước Nga tiết lộ, MRBM mới tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10, tương đương 2,5-3 km/giây.

Thụy Điển mua xe tăng Leopard-2A8 theo tiêu chuẩn sửa đổi nội địa

Thụy Điển vừa ký hợp đồng với Tập đoàn KMW của Đức để mua 44 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2A8 mới trị giá 1,47 tỷ Euro và nâng cấp 66 chiếc Leopard-2A5 (Strv 122) hiện có trong biên chế với giá trị 435 triệu Euro.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Johnson cho biết: “Đây là một khoản đầu tư hoàn toàn cần thiết”.

Xe tăng Leopard-2A8 mới sẽ nhận được ký hiệu chính thức của quân đội Thụy Điển là Stridsvagn 123B (Strv 123B), và xe tăng Strv 122 hiện đại hóa sẽ nhận được ký hiệu Stridsvagn 123A (Strv 123A). Việc giao xe tăng Strv 123A hiện đại hóa sẽ được thực hiện từ năm 2027 đến năm 2030 và xe tăng Strv 123B (Leopard 2A8) mới - từ năm 2028 đến năm 2031. Mọi công việc sẽ được thực hiện tại cơ sở của nhà cung cấp.

Xe tăng Strv 122 của Thụy Điển. Ảnh: Getty

Xe tăng Strv 122 của Thụy Điển. Ảnh: Getty

Trước đó vào tháng 10/2023, Thụy Điển đã trao cho KMW hợp đồng đầu tiên trị giá 3,5 tỷ SEK (314 triệu USD) để hiện đại hóa 44 xe tăng Strv 122 đầu tiên của quân đội Thụy Điển lên cấp Strv 123A, giao hàng từ năm 2026. Vì vậy, hiện nay, theo hai hợp đồng này, tất cả 110 xe tăng Strv 122 hiện có của quân đội Thụy Điển phải được hiện đại hóa.

Việc nâng cấp xe tăng Strv 122 lên ngang tầm Strv 123A phải bao gồm việc thay thế gần như toàn bộ linh kiện điện tử của xe tăng, đưa hệ thống này lên mức “tương ứng với những chiếc Leopard-2 hiện đại khác”.

Từ năm 1996 đến năm 2002, quân đội Thụy Điển đã nhận được 120 xe tăng Leopard-2S (Strv 122A), thực chất là sự kết hợp giữa Leopard-2A5 và Leopard-2A6 sửa đổi, nhưng vẫn giữ lại pháo 120mm Caliber 44. Những chiếc xe tăng này có nhiều cải tiến phù hợp với yêu cầu của Thụy Điển, bao gồm tăng cường khả năng bảo vệ cho nóc tháp pháo và thân xe. 29 chiếc xe tăng Leopard-2S đầu tiên được KMW ở Đức chế tạo cho quân đội Thụy Điển, 91 chiếc còn lại được chế tạo ở Thụy Điển theo giấy phép nhượng quyền công nghệ.

Sau khi tiếp nhận xe tăng Leopard 2A8, Thụy Điển sẽ gia nhập nhóm các quốc gia mua loại xe tăng này, dẫn đầu là Đức. Đến nay, ngoài Đức, các hợp đồng mua xe tăng Leopard-2A8 cũng đã được ký kết bởi Hà Lan, Na Uy , Cộng hòa Séc và Litva. ngoài ra, Croatia cũng đã ký một biên bản ghi nhớ sơ bộ. Vào tháng 5/2023, cơ quan mua sắm quốc phòng Đức đã ký hợp đồng khung với KMW (nay là KNDS Deutschland) để mua 123 xe tăng Leopard-2A8 cho quân đội Đức với hợp đồng trị giá 525,6 triệu Euro để giao 18 xe tăng đầu tiên vào năm 2025.

Kim Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-tin-quan-su-121-my-can-50-nam-de-chan-ten-lua-sieu-vuot-am-oreshnik-369211.html