Bản tin sáng 16/5: Việt Nam tích cực thúc đẩy đàm phán thương mại với Mỹ
Tin tức nổi bật chiều sáng 16/5: Việt Nam tích cực thúc đẩy đàm phán thương mại với Mỹ; Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ vành đai 3; TP.HCM đề xuất phương án sắp xếp 15 sở sau khi sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn Tân Thành Đô và nhóm cổ đông liên quan thoái toàn bộ vốn khỏi Saigon Bus; Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Không thể lập quỹ cho vay không thế chấp; Vingroup đề xuất đầu tư đường sắt đi Cần Giờ bằng vốn tư nhân... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ vành đai 3
Chiều 15/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được thị sát dự án vành đai 3 qua huyện Củ Chi, yêu cầu Ban Quản lý dự án giao thông (Ban Giao thông) báo cáo rõ nguyên nhân chậm tiến độ, không được vòng vo. Dù tiến độ phần cầu cơ bản đảm bảo, phần đường vẫn chậm do thiếu hụt cát, mới chỉ có 1,5/5 triệu m³ được vận chuyển về.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khảo sát dự án vành đai 3 TP.HCM chiều 15/5 . Ảnh: Châu Tuấn
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Giao thông cam kết tăng tốc gấp 10 lần, nhưng thừa nhận nhà thầu chưa chủ động mua cát do giá cao và việc khai thác tại các mỏ miền Tây còn chậm. Chủ tịch Nguyễn Văn Được yêu cầu làm rõ trách nhiệm cụ thể, xử lý các nhà thầu kém hiệu quả, đồng thời đề nghị lập tổ công tác đặc biệt do Sở Xây dựng phụ trách để giám sát tiến độ và chất lượng.
Các nhà thầu kiến nghị TP.HCM hỗ trợ “luồng xanh” vận chuyển cát, cấp nhận diện sà lan và hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Ông Được yêu cầu báo cáo nguyên nhân chậm cụ thể ngay trong tuần, đảm bảo toàn tuyến thông xe kỹ thuật vào 31/12 như chỉ đạo của Thủ tướng.
TP.HCM đề xuất phương án sắp xếp 15 sở sau khi sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu
UBND TP.HCM đã hoàn thiện dự thảo sắp xếp các cơ quan chuyên môn sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành TP.HCM mới rộng 6.772 km², dân số hơn 13,7 triệu người.

Theo phương án, 15 sở ngành sẽ được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, sáp nhập những đơn vị có chức năng tương đồng. Trong đó, Sở Xây dựng có quy mô lớn nhất với 23 phòng chuyên môn và 12 đơn vị sự nghiệp, do tiếp nhận chức năng từ các sở liên quan.
Trung tâm hành chính của TP.HCM mới sẽ bao gồm trụ sở tại quận 1, TP.HCM cùng hai cơ sở tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhân sự lãnh đạo sau sáp nhập sẽ được lựa chọn dựa trên tiêu chuẩn và thực tiễn, có thể từ ngoài cơ quan sáp nhập. Việc sắp xếp nhân sự, cấp phó và biên chế sẽ thực hiện lộ trình tinh giản trong 5 năm, đảm bảo không vượt quá tổng số hiện tại trước khi sáp nhập.
Tập đoàn Tân Thành Đô và nhóm cổ đông liên quan thoái toàn bộ vốn khỏi Saigon Bus
Tập đoàn Tân Thành Đô cùng hai cổ đông cá nhân liên quan là ông Phạm Anh Hưng và ông Nguyễn Văn Thành vừa đăng ký bán toàn bộ gần 28 triệu cổ phiếu BSG, tương đương hơn 46% vốn Công ty CP Xe khách Sài Gòn (Saigon Bus), chấm dứt vai trò cổ đông lớn sau hơn tám năm gắn bó. Các giao dịch sẽ diễn ra từ 16/5 - 13/6 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Tân Thành Đô từng là cổ đông chiến lược từ năm 2016, thời điểm Saigon Bus cổ phần hóa. Việc thoái vốn diễn ra trong bối cảnh Saigon Bus gặp nhiều khó khăn: lỗ lũy kế, phương tiện xuống cấp, cạnh tranh gay gắt từ xe cá nhân và dịch vụ công nghệ.
Mặc dù đặt kế hoạch doanh thu năm 2025 đạt 562 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 16 tỷ đồng, nhưng triển vọng mở rộng vẫn bị hạn chế. Hiện Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn vẫn là cổ đông lớn nhất với 49% vốn. Ngay sau thông tin thoái vốn, cổ phiếu BSG giảm mạnh, xuống 12.500 đồng/cổ phiếu trong phiên 15/5.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Không thể lập quỹ cho vay không thế chấp
Chiều 15/5, tại phiên thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: việc lập quỹ cho doanh nghiệp vay không tài sản thế chấp là "chắc chắn thất bại". Ông cho rằng, trong điều kiện ngân hàng có tài sản đảm bảo còn khó thu hồi vốn, thì một quỹ vay không thế chấp sẽ không khả thi. Thay vào đó, cần xây dựng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư công nghệ cao...

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: N.AN
Liên quan thanh kiểm tra, ông Phớc đề nghị không cứng nhắc quy định "kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm" với tất cả ngành nghề, nhất là các lĩnh vực liên quan an toàn, sức khỏe và phòng chống gian lận. Ông kiến nghị trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết theo đặc thù từng ngành, tránh kiểm tra chồng chéo.
Bên cạnh đó, ông lưu ý chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cần làm rõ đối tượng thụ hưởng để đảm bảo công bằng giữa các thành phần kinh tế. Các ý kiến tại tổ đều thống nhất cần đảm bảo minh bạch, hiệu quả và đồng bộ trong cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.
Vingroup đề xuất đầu tư đường sắt đi Cần Giờ bằng vốn tư nhân
Tập đoàn Vingroup vừa gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, dài khoảng 48,7 km. Dự án do Công ty CP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed, thuộc hệ sinh thái Vingroup thực hiện bằng hình thức đầu tư trực tiếp, sử dụng hoàn toàn vốn tư nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước.

VinSpeed có nhiệm vụ đầu tư, vận hành và sản xuất các phương tiện, thiết bị đường sắt, với mục tiêu góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
UBND TP.HCM đã chấp thuận để Vingroup tự bỏ kinh phí nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án theo phương thức PPP. Nhà đầu tư chịu toàn bộ rủi ro nếu hồ sơ không được phê duyệt hoặc quá thời hạn 12 tháng mà chưa hoàn thành. Thành phố khẳng định việc chấp thuận nghiên cứu không đồng nghĩa chỉ định Vingroup là nhà đầu tư thực hiện. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu công khai theo đúng quy định pháp luật.
Tạm dừng một số ứng dụng thuế điện tử từ 23/5 đến 15/6 để chuyển đổi trung tâm dữ liệu
Cục Thuế vừa thông báo tạm dừng hoạt động một số ứng dụng thuế điện tử trong thời gian từ ngày 23/5 đến 15/6 nhằm phục vụ việc chuyển đổi trung tâm dữ liệu chính sang địa điểm mới. Các hệ thống bị ảnh hưởng gồm: ứng dụng hóa đơn điện tử, dịch vụ thuế điện tử và trục truyền tin.
Cụ thể, ứng dụng hóa đơn điện tử sẽ tạm ngưng từ 0h đến 4h ngày 24/5 và ngày 14/6. Ứng dụng dịch vụ thuế điện tử và trục truyền tin sẽ dừng từ 18 giờ ngày 23/5 đến 16 giờ ngày 25/5, và tiếp tục tạm ngưng từ 18 giờ ngày 13/6 đến 16 giờ ngày 15/6.

Trong thời gian từ 24/5 đến 13/6, các ứng dụng này sẽ hoạt động trên trung tâm dữ liệu dự phòng với hiệu suất khoảng 70% so với hệ thống chính.
Người nộp thuế sẽ không thể sử dụng các dịch vụ như eTax, iCanhan, eTax Mobile, Cổng thông tin thương mại điện tử, các cổng dịch vụ công quốc gia và địa phương trong thời gian hệ thống tạm ngưng. Đây là lần thứ hai trong năm Cục Thuế thực hiện chuyển đổi hệ thống quy mô lớn.
Công an TP.HCM hướng dẫn người dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua VNeID
Chiều 15/5, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội, Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM đã hướng dẫn chi tiết cách tham gia góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID.

Công an TP.HCM đã phối hợp sản xuất video hướng dẫn nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận. Theo đó, người dân cần cài đặt hoặc cập nhật ứng dụng VNeID, đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử, sau đó truy cập mục "Lấy ý kiến dự thảo Hiến pháp" trên giao diện chính của ứng dụng.
Tại đây, người dân có thể nghiên cứu các tài liệu liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, soạn thảo ý kiến và gửi trực tiếp qua ứng dụng. Công an TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng. Việc góp ý qua VNeID góp phần tăng tính minh bạch, hiện đại và thuận tiện trong công tác tham vấn chính sách.
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng tác phẩm nghệ thuật đặc biệt cho Khu di tích Kim Liên
Chiều 15/5, trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng tác phẩm điêu khắc ánh sáng “Việt Nam - những trang sử vàng” cho Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư trao tặng tác phẩm điêu khắc ánh sáng 'Việt Nam - những trang sử vàng' cho Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Thành Cường
Tác phẩm mang hình dáng một cuốn sách lịch sử, khắc họa chân lý bất hủ của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do.” Kích thước đặc biệt của tác phẩm thể hiện ý nghĩa sâu sắc: chiều rộng 1.945mm tượng trưng cho năm 1945 - mốc son lập quốc; chiều cao 2.025mm hướng tới năm 2025 - kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất và 135 năm ngày sinh Bác Hồ; 79 trang sách tượng trưng cho 79 năm Bác sống trọn vì dân, vì nước.
Ba biểu tượng chủ đạo là chim lạc, rồng và hoa sen, đại diện cho chiều sâu văn hóa, lịch sử và tinh thần thanh cao của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm sẽ được trưng bày lâu dài tại Khu di tích Kim Liên, tạo điểm nhấn văn hóa đặc biệt, góp phần lan tỏa giá trị lịch sử và tư tưởng Hồ Chí Minh tới đông đảo nhân dân và du khách.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Thủ tướng Thái Lan, thúc đẩy hợp tác song phương
Chiều 15/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội kiến Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhân dịp bà sang thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 4.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước. Ông đề xuất hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như kinh tế số, năng lượng xanh, nông nghiệp công nghệ cao và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại như RCEP để hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 25 tỷ USD vào năm 2030.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: TTXVN
Đánh giá cao mối quan hệ giữa Quốc hội hai nước tại các diễn đàn quốc tế như AIPA và IPU, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng hợp tác nghị viện đóng vai trò quan trọng trong củng cố quan hệ song phương và góp phần vào ổn định khu vực.
Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế họp Nội các chung và mong muốn tăng cường giao lưu nghị viện, giao lưu nhân dân và hợp tác du lịch. Nhân dịp này, bà mời Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sớm thăm Thái Lan.
Việt Nam tích cực thúc đẩy đàm phán thương mại với Mỹ
Tại họp báo thường kỳ chiều 15/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam đang chủ động, tích cực thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư cân bằng và bền vững với Hoa Kỳ, trên cơ sở hiệu quả, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Hiện hai nước đang triển khai các cuộc đàm phán liên quan chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Thông tin chi tiết về quá trình đàm phán sẽ được cập nhật khi phù hợp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trong họp báo ngày 15/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết từ ngày 7/5, Việt Nam chính thức khởi động đàm phán thuế đối ứng với Mỹ. Việt Nam nằm trong nhóm 6 quốc gia được Mỹ ưu tiên đàm phán, cùng Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia.
Thủ tướng đã thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các vấn đề phía Mỹ quan tâm, tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ phù hợp nhu cầu trong nước để hướng tới cân bằng thương mại lâu dài.