Hội nghị APEC: AI định hình tương lai thương mại toàn cầu
Tại phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC, đại diện các quốc gia đã nêu quan điểm về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Chiều 15/5, tại Jeju (Hàn Quốc), trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (MRT) với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững: Kết nối, Đổi mới, Thịnh vượng”, đại diện của các tổ chức thế giới, quốc gia đã nêu quan điểm theo chủ đề “Trí tuệ nhân tạo cho thương mại”.

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (MRT) thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
AI là động lực tăng trưởng mới cho thương mại toàn cầu
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh tiềm năng to lớn của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc định hình lại hoạt động thương mại toàn cầu. Theo bà, AI không chỉ giúp tăng tốc chuỗi cung ứng và tối ưu hóa logistics, mà còn có thể đóng góp thêm vào tổng tăng trưởng thương mại toàn cầu nếu được ứng dụng rộng rãi và có trách nhiệm.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WTO cũng đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng nếu thế giới không hành động kịp thời để thu hẹp khoảng cách số.
“Chúng ta có thể đang chứng kiến một sự chia rẽ kỹ thuật số mới, khi các quốc gia phát triển vươn lên nhờ AI, trong khi các quốc gia đang phát triển bị tụt lại vì thiếu công nghệ, hạ tầng và kỹ năng”, Tổng Giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala thông tin.
Đồng thời, bà Ngozi Okonjo-Iweala kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC ưu tiên đầu tư vào đào tạo nhân lực, mở rộng tiếp cận hạ tầng kỹ thuật số và xây dựng khung pháp lý minh bạch, an toàn, hướng tới phát triển AI một cách có trách nhiệm và bao trùm.
“Nếu được định hướng đúng, AI có thể giúp chúng ta tạo ra một thương mại toàn cầu công bằng hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn”, bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh.
Tận dụng AI để nâng cao vị thế
Tiếp nối phiên thảo luận, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Datuk Seri Tengku Zafrul Abdul Aziz cho biết, quốc gia này đã tăng cường nỗ lực để hoàn tất đàm phán về Hiệp định Khung Kinh tế số ASEAN (DEFA), nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số.
Đại diện của Malaysia cũng nhấn mạnh rằng các nền kinh tế APEC không nên bỏ qua những lĩnh vực chưa được khai phá của AI, đặc biệt khi đổi mới số diễn ra nhanh chóng và việc áp dụng AI ngày càng nhiều khiến các quốc gia phải đối mặt với rủi ro lớn hơn.
“APEC cần cảnh giác trước các vấn đề đạo đức và quy định, cũng như những gián đoạn công nghệ phát sinh. Chúng ta cần xây dựng các khuôn khổ tăng cường quản trị dữ liệu để đảm bảo dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới an toàn, tăng cường an ninh mạng và tiến tới xây dựng các tiêu chuẩn AI có thể tương tác, thúc đẩy sự hội nhập của các doanh nghiệp trong khu vực”, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia thông tin.
Đại diện của Malaysia cũng cho rằng, các nước thành viên cần bảo đảm rằng lợi ích từ AI được phân bổ một cách công bằng, nhấn mạnh rằng việc đảm bảo khả năng chi trả và tiếp cận các công cụ thương mại tích hợp AI cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên là ưu tiên khu vực.
Ông Tengku Zafrul chỉ ra rằng sự hội tụ giữa trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi chuỗi cung ứng không chỉ là một cơ hội công nghệ mà còn là một yêu cầu chiến lược để xây dựng khả năng chống chịu, tính bền vững và năng lực cạnh tranh trong khu vực.
“Tiềm năng và lợi ích của AI là vô hạn. Tôi kêu gọi các cuộc thảo luận về AI trở thành một phần thường xuyên trong APEC và khuyến khích các quan chức tiếp tục tìm kiếm một lộ trình khả thi cho mục tiêu này”, ông Tengku Zafrul phát biểu.
AI đã đi vào thực tiễn quản lý thương mại
Từ góc nhìn thực tiễn, ông Algernon Yau, đại diện Cục Thương mại và Phát triển Kinh tế Hồng Kông (Trung Quốc) chia sẻ kinh nghiệm triển khai trí tuệ nhân tạo trong hệ thống hải quan và quản lý thương mại tại đặc khu này. Theo ông Algernon Yau, Hồng Kông (Trung Quốc) tích cực đón nhận sức mạnh chuyển đổi của AI trong lĩnh vực thương mại. Ví dụ, các công nghệ tiên tiến như công cụ hỗ trợ bởi AI đã được áp dụng để kiểm soát việc thực thi hiệu quả hơn, đồng thời đơn giản hóa quy trình thông quan hải quan.
Điển hình, hệ thống thương mại một cửa “Trade Single Window” sẽ được đưa vào vận hành như một công cụ đánh giá rủi ro hàng hóa có tính tự động cao nhờ AI, giúp đẩy nhanh tiến trình thông quan, dự kiến triển khai trong năm tới. Cục Hải quan và Tiêu thuế của Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đang hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, cho phép sử dụng hệ thống dữ liệu tiên tiến tích hợp công nghệ AI mới nhất.
Tuy nhiên, giống như mọi đổi mới công nghệ khác, bên cạnh việc tận dụng các cơ hội và lợi ích, điều quan trọng là phải bảo đảm sự phát triển của AI mang tính đạo đức, có trách nhiệm. Vì vậy, Hồng Kông (Trung Quốc) đã áp dụng cách tiếp cận quản lý khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhằm xây dựng một khung quản trị cân bằng, phục vụ cho tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái AI.
Đại diện Hồng Kông (Trung Quốc) thông tin cách đây vài tuần, “Hướng dẫn kỹ thuật và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh” đã được ban hành, nhằm cung cấp hướng dẫn thực tiễn cho các nhà phát triển công nghệ, đơn vị cung cấp dịch vụ và người dùng trong việc ứng dụng AI tạo sinh. Bên cạnh đó, Hồng Kông (Trung Qốc) cũng có kế hoạch sửa đổi luật pháp để tăng cường hệ thống bảo hộ bản quyền, phù hợp với sự phát triển công nghệ AI.
“Chúng tôi nhận thấy, AI được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, trong đó thương mại chỉ là một phần. Chúng tôi cũng rất chú ý đến các cuộc thảo luận quốc tế đang diễn ra về phát triển AI, bao gồm việc xây dựng các quy định và cơ chế quản lý. Dù vậy, chúng tôi tin rằng còn nhiều tiềm năng hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên trong việc ứng dụng AI vào thương mại, đặc biệt là trong các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và quy trình hải quan trong khuôn khổ APEC”, ông Algernon Yau thông tin.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tính thời sự của chủ đề Phiên 1.
Bộ trưởng cho biết, trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 của Việt Nam, AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên thảo luận thứ nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC MRT
Chia sẻ quan điểm về AI và thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin:
Thứ nhất, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những cơ hội cho thương mại, cả trực tiếp và gián tiếp
Về tác động trực tiếp, AI có thể được ứng dụng để giảm chi phí thương mại liên quan đến hậu cần, quản lý chuỗi cung ứng, hỗ trợ tự động hóa và hợp lý hóa quy trình thông quan và kiểm soát biên giới, dự báo rủi ro…
Thương mại điện tử sẽ hiệu quả hơn với AI bởi nhờ khắc phục được rào cản ngôn ngữ và giảm thiểu chi phí tìm kiếm và khớp lệnh. Tất cả những điều này sẽ góp phần giảm chi phí, từ đó giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường toàn cầu hiệu quả hơn và tham gia sâu hơn vào thương mại quốc tế. Với ý nghĩa đó, Việt Nam hoan nghênh Sáng kiến AI APEC với tầm nhìn “Xây dựng tương lai bền vững với AI: Tăng trưởng kinh tế sáng tạo trên toàn châu Á - Thái Bình Dương”.
Về tác động gián tiếp, AI thúc đẩy nhu cầu và thương mại các sản phẩm liên quan đến công nghệ.
Việc đào tạo và ứng dụng AI làm tăng nhu cầu đối với các hàng hóa bổ sung liên quan đến cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin, dịch vụ máy tính và viễn thông, công cụ phát triển chuyên biệt và thư viện phần mềm.
Nhiều hàng hóa và dịch vụ AI (như vật liệu bán dẫn, điện thoại thông minh) này được cung cấp bởi một số ít nền kinh tế, do vậy, thương mại quốc tế đóng vai trò là kênh chính thúc đẩy sự phát triển AI trong khu vực và thế giới.
Xa hơn nữa ở thượng nguồn (upstream) chuỗi giá trị, các hoạt động khai thác, chế biến kim loại - khoáng sản quan trọng là đầu vào cần thiết để sản xuất hàng hóa liên quan đến AI sẽ trở nên sôi động hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của chủ nhà Hàn Quốc và ủng hộ bắt đầu thảo luận về khả năng thành lập Diễn đàn Tiêu chuẩn AI trong APEC, từ đó góp phần xây dựng một khuôn khổ quản trị AI toàn cầu thống nhất
Thứ hai, bên cạnh những cơ hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, các nền kinh tế APEC phải cân nhắc và giải quyết những rủi ro, thách thức để đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều có thể hưởng lợi đầy đủ từ việc ứng dụng AI trong thương mại.
Về mặt pháp lý, bản chất tiến hóa của AI khiến có đôi khi các quy định trong nước khó bắt kịp thực tiễn, đặc biệt là các quy định chuyên ngành về sở hữu trí tuệ và dữ liệu...
Về hợp tác quốc tế, số lượng ngày càng tăng các sáng kiến hợp tác song phương và khu vực về quản trị AI, nhiều sáng kiến tập trung vào các ưu tiên khác nhau, làm tăng nguy cơ tạo ra cách tiếp cận rời rạc hoặc trùng lắp trong hoạt động.
Các ưu tiên chính sách trong nước khác nhau, việc thiếu một tiêu chuẩn chung về AI đã gây ra sự phân mảnh quy định pháp lý ngày càng tăng liên quan đến AI.
Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của chủ nhà Hàn Quốc và ủng hộ bắt đầu thảo luận về khả năng thành lập Diễn đàn Tiêu chuẩn AI trong APEC, từ đó góp phần xây dựng một khuôn khổ quản trị AI toàn cầu thống nhất.
Tại phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo cho thương mại”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Đoàn công tác của Việt Nam là diễn giả thứ 3 phát biểu trong Phiên thảo luận sau Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo - Iweala và Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tính thời sự của chủ đề Phiên 1. Bộ trưởng cho biết, trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 của Việt Nam, AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Trần Đình
Apec.org, Malaymail, Info.gov.hk