Bản tin trưa 18/4: TP.HCM trao giải cuộc thi 'Chạm đến tương lai cùng Metro' và phát động đợt cao điểm truyền thông 30/4
Tin tức đáng chú ý trưa 18/4: TP.HCM trao giải cuộc thi 'Chạm đến tương lai cùng Metro' và phát động đợt cao điểm truyền thông 30/4; Kiều hối chuyển về TP.HCM trong quý I/2025 đạt hơn 2,4 tỷ USD; TP.HCM chuẩn bị xây đường trên cao kết nối trung tâm và khu Nam; TP.HCM dự kiến thu hồi hơn 230ha đất để triển khai 10 dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; TP.HCM đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất để tinh giản biên chế sau sắp xếp tổ chức.
TP.HCM trao giải cuộc thi “Chạm đến tương lai cùng Metro” và phát động đợt cao điểm truyền thông 30/4
Tối 17/4, tại TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp cùng Ban Quản lý Đường sắt đô thị và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Chạm đến tương lai cùng Metro”, đồng thời phát động đợt cao điểm truyền thông nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Cuộc thi đã thu hút đông đảo bạn trẻ, nhà sáng tạo nội dung từ nhiều tỉnh thành, với hàng trăm tác phẩm tham dự bằng các hình thức phong phú như video ngắn, ảnh, bài viết, đồ họa… phản ánh sinh động hành trình xây dựng tuyến Metro và khát vọng phát triển của thành phố. Ban tổ chức đã trao 8 giải cho các tác phẩm xuất sắc và 2 giải dành cho các công ty truyền thông quản lý đa kênh (MCN) có đóng góp nổi bật.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM kêu gọi toàn xã hội, đặc biệt là giới trẻ và lực lượng sáng tạo nội dung, tích cực tham gia vào chiến dịch truyền thông cao điểm, lan tỏa những câu chuyện lịch sử, truyền cảm hứng về tinh thần dân tộc, những đổi thay to lớn của TP.HCM sau gần nửa thế kỷ, cũng như khơi dậy khát vọng vươn lên của thế hệ hôm nay vì một tương lai phát triển bền vững.
Đây là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện văn hóa - nghệ thuật trọng điểm sẽ diễn ra trong tháng 4 và 5, góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi, gắn kết cộng đồng và khẳng định vai trò tiên phong của TP.HCM trong công cuộc đổi mới đất nước.
Kiều hối chuyển về TP.HCM trong quý I/2025 đạt hơn 2,4 tỷ USD
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2, tính đến cuối tháng 3/2025, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,412 tỷ USD, bằng 25,3% tổng lượng cả năm 2024 và tăng 19,6% so với quý IV/2024. Dù thị trường tài chính toàn cầu còn nhiều biến động, nguồn kiều hối chuyển về Thành phố vẫn tăng trưởng tích cực.

Trong đó, lượng kiều hối qua các công ty chuyên trách đạt 1,757 tỷ USD và qua hệ thống ngân hàng thương mại là 655 triệu USD. Xét theo khu vực, kiều hối từ châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất với 48,7%, tăng mạnh 46,1% so với quý trước, mức tăng cao nhất trong số các khu vực.
Dù thấp hơn so với quý I/2024 (2,896 tỷ USD), kết quả quý I/2025 vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2023 và 2022. Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định, các yếu tố tích cực như chính sách tiền tệ linh hoạt, môi trường đầu tư ổn định, hệ thống dịch vụ ngân hàng - kiều hối tiện lợi… đang góp phần thúc đẩy dòng kiều hối về nước và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực này trong năm 2025.
TP.HCM chuẩn bị xây đường trên cao kết nối trung tâm và khu Nam
UBND TP.HCM vừa trình HĐND Thành phố dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên, đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh, với tổng vốn đầu tư gần 6.300 tỷ đồng. Dự án sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 22 của HĐND TP.HCM vào ngày 18/4.

Khác với các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT, cầu đường Bình Tiên được đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhờ cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98. Trong tổng vốn đầu tư, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chiếm hơn 2.878 tỷ đồng; phần xây lắp, thiết bị khoảng 2.264 tỷ đồng; còn lại là chi phí quản lý và dự phòng.
Công trình quy hoạch tuyến đường trên cao rộng 4 - 6 làn xe, giữ vai trò kết nối giao thông giữa khu vực trung tâm và phía Nam TP.HCM. Dự kiến dự án sẽ khảo sát, lập báo cáo khả thi từ quý II/2025, khởi công đầu năm 2026 và hoàn thành vào quý III/2027. Đây được kỳ vọng là một trong những dự án giao thông trọng điểm thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị TP.HCM.
TP.HCM dự kiến thu hồi hơn 230ha đất để triển khai 10 dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi HĐND TP.HCM đề xuất thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất trong năm 2025 nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia và cộng đồng. Theo đề xuất, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 231,19ha, phân bổ cho 10 dự án trên địa bàn Thành phố.

Trong số này, có 6 dự án đăng ký mới với diện tích cần thu hồi khoảng 223,15ha; các dự án này được xác định là công trình công cộng cấp thiết, có tác động trực tiếp đến hạ tầng đô thị và đời sống dân cư. Ngoài ra, có 4 dự án từng được HĐND TP.HCM thông qua nhưng đã quá thời hạn ba năm mà chưa có quyết định thu hồi đất. Nay, UBND TP.HCM đề nghị tiếp tục thu hồi để triển khai, với tổng diện tích 8,04ha.
Theo UBND TP.HCM, việc rà soát cho thấy các dự án đều đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, đủ điều kiện triển khai trong năm 2025. Việc sớm thông qua danh mục sẽ giúp các địa phương chủ động trong kế hoạch giải phóng mặt bằng, phục vụ các mục tiêu phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị và đáp ứng nhu cầu dân sinh trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Thành phố.
TP.HCM đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất để tinh giản biên chế sau sắp xếp tổ chức
UBND TP.HCM vừa ban hành đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau khi tổ chức lại bộ máy và đơn vị hành chính trong hệ thống chính trị. Theo đó, Thành phố sẽ tiến hành đánh giá năng lực, kết quả công tác thực tế của đội ngũ cán bộ trong 3 năm gần nhất làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế.

Việc đánh giá nhằm mục tiêu sàng lọc, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công trong bối cảnh tinh gọn bộ máy. Các tiêu chí đánh giá phải đảm bảo tính khoa học, công bằng, minh bạch, dân chủ và nhân văn, đồng thời phản ánh đúng hiệu quả công việc theo vị trí việc làm.
Kết quả đánh giá sẽ được sử dụng để xác định đối tượng tinh giản ngay sau khi sắp xếp hoặc để phục vụ công tác xếp loại, quy hoạch cán bộ trong từng cơ quan, đơn vị. Thành phố nhấn mạnh việc kế thừa kết quả công tác, đảm bảo sự phát triển liên tục, khách quan trong quá trình kiện toàn tổ chức và nhân sự.