Bản tin trưa 22/7: Đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu cho các xã, phường sau sáp nhập; Chứng khoán dự báo tăng tiếp tuần này
Tin tức nổi bật trưa 22/7: Thủ tướng yêu cầu hạn chế người dân ra đường khi bão số 3 đổ bộ; Đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu cho các xã, phường sau sáp nhập tại TP.HCM và Hà Nội; Cầu Nhơn Trạch sắp hoàn thành nhưng gặp khó trong kết nối với đường Vành đai 3 TP.HCM; Giá vàng tiếp tục tăng mạnh, SJC vượt 121 triệu đồng/lượng; Chứng khoán dự báo tăng tiếp tuần này... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Thủ tướng yêu cầu hạn chế người dân ra đường khi bão số 3 đổ bộ
Ngày 20/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành và địa phương từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc chủ động ứng phó bão số 3 (Wipha), hiện cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 407km, sức gió cấp 10, giật cấp 12.
Thủ tướng nhấn mạnh: bão mạnh, di chuyển nhanh, ảnh hưởng từ chiều tối 21/7 tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây gió mạnh, mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập lụt. Yêu cầu các địa phương kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời điểm bão và dông lốc xảy ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Các tỉnh ven biển cần khẩn trương kêu gọi tàu thuyền tránh bão, sơ tán dân khỏi lồng bè, chòi canh, vùng nguy hiểm. Chủ động rà soát các khu dân cư, tổ chức sơ tán khỏi nơi không an toàn.
Thủ tướng giao các bộ thành lập đoàn công tác hỗ trợ địa phương ứng phó với bão; yêu cầu chuẩn bị nhân lực, vật tư theo phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và duy trì hoạt động thông suốt.
Đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu cho các xã, phường sau sáp nhập tại TP.HCM và Hà Nội
Bộ Nội vụ vừa trình dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng mới đối với người lao động làm việc theo hợp đồng, áp dụng từ ngày 1/1/2026 sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Mức đề xuất tăng từ 250.000 đến 350.000 đồng/tháng. Cụ thể, vùng I là 5,31 triệu đồng, vùng II là 4,73 triệu đồng, vùng III là 4,14 triệu đồng và vùng IV là 3,7 triệu đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu theo giờ cũng được điều chỉnh: vùng I là 25.500 đồng/giờ, vùng II là 22.700 đồng/giờ, vùng III là 20.000 đồng/giờ và vùng IV là 17.800 đồng/giờ.

Danh mục địa bàn áp dụng mức lương mới được cập nhật theo mô hình đơn vị hành chính mới sau sáp nhập. TP.HCM và Hà Nội có hàng loạt phường, xã thuộc vùng I do mật độ dân cư cao, tập trung nhiều hoạt động kinh tế, dịch vụ, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp.
Tại TP.HCM, vùng I bao gồm các phường trung tâm, khu vực TP Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, và nhiều xã thuộc các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè. Tại Hà Nội, vùng I trải dài từ các quận nội thành đến các huyện ngoại thành có phát triển mạnh như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn...
Vùng II và III gồm các địa bàn còn lại, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực.
Chính phủ yêu cầu công khai diện tích tự nhiên các xã mới trước ngày 30/9
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1569, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, xác định chính xác diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp và gửi báo cáo về Bộ Nội vụ trước ngày 30-8. Việc đo đạc, xác định ranh giới hành chính phải được hoàn tất trước ngày 30/9.

Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, trình Chính phủ thông qua và công bố công khai số liệu diện tích tự nhiên cấp xã trước ngày 30/9. Hồ sơ, bản đồ địa giới các cấp phải được gửi về Bộ Nội vụ và Bộ NN-MT để thẩm định, nghiệm thu trước ngày 31/12/2026.
Trường hợp số liệu mới khác với nghị quyết hiện hành, các bộ ngành, địa phương phải đề xuất Chính phủ điều chỉnh và công bố lại theo đúng quy định pháp luật.
Cầu Nhơn Trạch sắp hoàn thành nhưng gặp khó trong kết nối với đường Vành đai 3 TP.HCM
Theo Bộ Xây dựng, cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) đã hoàn thành hơn 99%, đường dẫn đạt 94% và toàn bộ công trình dự kiến đưa vào khai thác từ ngày 19/8/2025. Tuy nhiên, hiện công trình đang gặp khó khăn trong việc kết nối hiệu quả với các hạng mục thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị phối hợp đẩy nhanh tiến độ các hạng mục kết nối thuộc dự án thành phần 1 (địa phận TP.HCM) và thành phần 3 (Đồng Nai) như cầu nhánh, đường dẫn, nút giao, hệ thống chiếu sáng, an toàn giao thông...

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và kết quả kiểm tra hiện trường, nhiều hạng mục chưa đáp ứng tiến độ, ảnh hưởng đến khả năng kết nối đồng bộ khi cầu chính được đưa vào sử dụng.
Bộ Xây dựng yêu cầu TP.HCM và Đồng Nai chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan hoàn thành toàn bộ công trình kết nối trước ngày 15/8/2025 để đảm bảo kế hoạch thông xe và phát huy hiệu quả đầu tư khi sân bay Long Thành đi vào khai thác đầu năm 2026.
100 tỷ đồng “xóa” ngăn cách giữa Bình Dương cũ và TP.HCM
Ngày 20/7, tuyến đường Trục chính Đông Tây nối từ quốc lộ 1K đến quốc lộ 1A chính thức thông suốt, xóa bỏ điểm nghẽn tồn tại nhiều năm giữa Bình Dương cũ và TP.HCM tại khu vực giáp Bến xe Miền Đông mới và ga metro Suối Tiên.
Dù được hoàn thành từ cuối năm 2024, tuyến đường vẫn bị chia cắt do 50m cuối chưa được giải phóng mặt bằng vì vướng nhà xưởng, nhà dân. Đây là điểm nghẽn khiến việc kết nối giao thông giữa hai địa phương gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng khai thác hiệu quả tuyến metro Suối Tiên - Bến Thành và Bến xe Miền Đông mới.

Trục chính Đông Tây nhìn từ Bình Dương cũ tới Bến xe Miền Đông mới
Nhằm tháo gỡ nút thắt này, UBND tỉnh Bình Dương cũ đã điều chỉnh dự án, giao TP. Dĩ An cũ triển khai phần còn lại thay vì chờ vào dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội.
Đoạn cuối kết nối với quốc lộ 1A có tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, chính thức “xóa” ngăn cách lịch sử giữa Bình Dương cũ và TP.HCM.
Vietnam Airlines Group hủy hàng loạt chuyến bay do ảnh hưởng bão số 3
Do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha) tại khu vực Hong Kong (Trung Quốc), Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) thông báo điều chỉnh kế hoạch khai thác nhiều chuyến bay trong ngày 21 và 22/7 nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn.
Cụ thể, ngày 21/7, Vietnam Airlines hủy các chuyến bay giữa TP.HCM và Hải Phòng (VN1188, VN1171, VN7188, VN7189, VN7056, VN7057) cùng với các chuyến giữa TP.HCM và Côn Đảo (VN1856, VN1857). Pacific Airlines cũng hủy các chuyến BL6520, BL6521 và điều chỉnh giờ khởi hành sớm hơn với các chuyến BL6440, BL6441 để đảm bảo hạ cánh tại sân bay Cát Bi trước 12h trưa.

Ngày 22/7, các chuyến bay của Vietnam Airlines Group tại sân bay Cát Bi sẽ khởi hành sau 12h. Đồng thời, nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế khác cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền do bão.
Hãng khuyến cáo hành khách theo dõi thông tin cập nhật và mong được thông cảm do tình huống thời tiết bất khả kháng.
Giá vàng tiếp tục tăng mạnh, SJC vượt 121 triệu đồng/lượng
Sáng nay (21/7), giá vàng thế giới bật tăng ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần. Lúc 9 giờ (giờ Việt Nam), giá vàng quốc tế giao dịch ở mức 3.356 USD/ounce, tăng 6 USD so với cuối tuần. Diễn biến này đúng với dự báo trước đó của giới phân tích và nhà đầu tư do Kitco thực hiện.
Bất chấp chỉ số USD (DXY) duy trì ở mức cao 98,4 điểm, giá vàng thế giới vẫn giữ vững trên mốc tâm lý 3.300 USD/ounce nhờ lực mua bắt đáy và nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao. Theo khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), 95% trong số 73 ngân hàng trung ương được hỏi cho biết sẽ tiếp tục tăng dự trữ vàng trong năm tới, góp phần thúc đẩy đà tăng giá của kim loại quý này.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC sáng nay được niêm yết ở mức 119,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 121,2 triệu đồng/lượng (bán ra), ổn định so với cuối tuần. Giá vàng nhẫn và trang sức 99,99% cũng giao dịch quanh mức 114,2 - 116,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước hiện tương đương khoảng 106,6 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá niêm yết.
Doanh nghiệp dịch vụ phi hàng không báo lãi lớn nhờ du lịch và hàng không phục hồi
Nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch và hàng không trong mùa cao điểm hè, cùng với lượng khách quốc tế tăng cao, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phi hàng không như suất ăn, phòng chờ, vận chuyển hàng hóa đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm 2025.
Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài đạt doanh thu quý 2 hơn 201 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt gần 410 tỷ đồng, lãi ròng tăng hơn 22%, đạt 33,4 tỷ đồng. Công ty hiện do Vietnam Airlines nắm giữ hơn 60% vốn điều lệ.

Trong khi đó, Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài, chuyên vận chuyển hàng hóa, ghi nhận doanh thu hơn 520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 149 tỷ đồng, tăng trên 31% so với cùng kỳ năm 2024.
Tại phía Nam, Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) đạt doanh thu hơn 1.530 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lãi ròng 221 tỷ đồng, vượt xa mức 140 tỷ đồng cùng kỳ. Trong đó, mảng miễn thuế và phòng chờ đóng góp lớn. Sasco hiện có ACV nắm 49% vốn, còn Tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn và các bên liên quan nắm khoảng 45%.
CSGT đề nghị khắc phục ngay các bất cập trên cao tốc Hòa Liên - Túy Loan
Ngày 20/7, Trạm CSGT Hòa Nhơn phối hợp Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu tổ chức khảo sát tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (Đà Nẵng) đang thi công, qua đó phát hiện nhiều bất cập tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Qua kiểm tra, lực lượng CSGT ghi nhận nhiều vị trí tổ chức giao thông tạm chưa đảm bảo an toàn như các điểm tách - nhập làn sử dụng dải phân cách bê tông nhưng thiếu biển báo, đèn cảnh báo, dây phản quang, đặc biệt nguy hiểm vào ban đêm. Biên bản làm việc đã được lập, yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục.

Trạm CSGT Hòa Nhơn đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu khắc phục ngay các bất cập trên tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan. Ảnh: CA
Ngoài ra, hiện tượng công nhân sử dụng máy nén khí thổi bụi khiến bụi bay mù mịt, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông cũng được ghi nhận. Chủ đầu tư cam kết kiểm tra và xử lý kịp thời.
Cao tốc Hòa Liên - Túy Loan dài 11,5km, khởi công từ tháng 8/2023, dự kiến hoàn thành năm 2025 với tổng mức đầu tư gần 2.113 tỉ đồng. Dự án có quy mô giai đoạn phân kỳ gồm 4 làn xe, nền đường rộng 22m.
Chứng khoán dự báo tăng tiếp tuần này
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch tích cực, khi VN-Index tăng gần 40 điểm, đóng cửa tại 1.497 điểm, chỉ cách đỉnh lịch sử khoảng 30 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ở vùng giá cao khiến đà tăng thu hẹp trong phiên cuối tuần.
Các công ty chứng khoán như Phú Hưng, SHS, Yuanta và VCBS đều nhận định VN-Index đang trong xu hướng tăng, nhưng không tránh khỏi rung lắc do áp lực điều chỉnh kỹ thuật. Mốc 1.500 điểm được xem là ngưỡng quan trọng cần củng cố, với kháng cự tại 1.530 - 1.537 điểm và hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.450 - 1.480 điểm.

Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư trung hạn có thể giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy thêm. Tuy nhiên, với nhà đầu tư ngắn hạn, nên thận trọng, hạn chế mua đuổi, đồng thời xem xét chốt lời một phần để bảo toàn thành quả.
Những nhóm ngành được ưu tiên gồm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, công nghệ và đầu tư công, vốn hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và chính sách tài khóa mở rộng.