Ban tổ chức COMEUP 2022 chia sẻ về những kế hoạch cho tương lai
COMEUP 2022, sự kiện khởi nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, vừa kết thúc thành công tốt đẹp. Nhân dịp này ông Josh Choi, Giám đốc điều hành sự kiện COMEUP, đã chia sẻ về những kế hoạch mới trong tương lai.
COMEUP 2022, sự kiện khởi nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, vừa kết thúc thành công tốt đẹp. Nhân dịp này ông Josh Choi, Giám đốc điều hành sự kiện COMEUP, đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với VietnamPlus và các hãng truyền thông quốc tế về những kế hoạch mới trong tương lai.
- Xin ông có thể cho biết COMEUP 2022 đã đạt được những mục tiêu nào tính tới thời điểm này?
Ông Josh Choi: Vài tuần qua chúng tôi khá bận rộn với hoạt động quản lý, phải xử lý nhiều công việc, lên các kế hoạch. Nhưng chúng tôi rất vui vì đã có thể đón một lượng khách tham gia nhiều hơn dự kiến.
Điều này rất đặc biệt khi tuần trước vừa diễn ra thảm kịch dẫm đạp đau lòng ở khu Itaewon tại Seoul và thời gian ngay sau đó là quốc tang. Chính quyền không muốn quảng bá bất kỳ sự kiện hay lễ hội nào trong dịp này để thể hiện sự cảm thông và chia buồn với gia đình các nạn nhân.
Do biến cố này nên chúng tôi đã không thể quảng bá cho COMEUP một cách tích cực trên truyền thông xã hội hay qua các kênh quảng cáo khác. Nhưng như các bạn có thể thấy, vẫn có rất đông các vị khách tới đây. Tôi rất vui khi có rất nhiều người quan tâm tới sự kiện này.Tôi nghĩ rằng rất nhiều người muốn tham gia sự kiện trực tiếp, bởi có lẽ họ đã mệt mỏi với các sự kiện trực tuyến. Có lẽ đây là một phần lý do vì sao nhiều người đến đây.
Dĩ nhiên vẫn còn một số vấn đề nhỏ trong sự kiện như chúng tôi không có đủ lượng phiên dịch viên trong trung tâm báo chí nên một số người nước ngoài đã phàn nàn, một số người phải đợi ghi danh lâu nên họ nói hệ thống của chúng tôi không hoạt động... Điều này là bởi chúng tôi có một đội ngũ nhân sự nhỏ và không có nhiều thời gian để chuẩn bị cho sự kiện một cách hoàn hảo. Và sự cố nhỏ thì luôn xảy ra trong mọi sự kiện.
Nhưng ngoài những điều đó thì tôi khá hài lòng về số lượng khách tham quan cũng như việc sự kiện được đưa tin rộng rãi trên truyền thông.
- Ông có thể nêu ra một số mục tiêu cụ thể của COMEUP tiếp theo? Liệu ông có kế hoạch tổ chức một sự kiện lớn gấp 2 hoặc gấp 3 quy mô hiện nay?
Ông Josh Choi: COMEUP được bắt đầu từ năm 2019. Đó là sự kiện lớn đầu tiên của cộng đồng khởi nghiệp Hàn Quốc nên rất nhiều người đã tham dự. Năm 2020, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, chúng tôi buộc phải chuyển toàn bộ sự kiện sang hình thức trực tuyến. Vì vậy, rất khó để so sánh sự kiện của năm 2020 với 2019.
Năm ngoái, do dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng tới cả xã hội nên COMEUP đã phải hạn chế lượng khách tham gia theo quy định. Tình hình nói chung rất khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn đã đón từ 15.000-20.000 khách tham quan. Nhưng năm nay là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức sự kiện trực tiếp trở lại. Tôi chưa kiểm tra lại hết, nhưng chỉ riêng con số khách tham quan đã cao hơn rất nhiều năm ngoái.
Năm tới chúng tôi muốn sự kiện này trở nên hấp dẫn với mọi startup hải ngoại và họ sẽ tới tham gia. Mục tiêu của chúng tôi là đón 30.000 khách tham quan.
- Tôi có nghe nói ông không muốn COMEUP chỉ là một sự kiện mà còn muốn biến nó thành một hiệp hội chuyên về startup. Liệu ông có muốn đưa COMEUP tới CES 2023 và mở rộng hoạt động sang các nước khác ngoài Hàn Quốc?
Ông Josh Choi: Đó (CES) là một gợi ý hay mà chúng tôi muốn khám phá. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ muốn có một sự hiện diện quốc tế tại các sự kiện lớn trên thế giới, tùy thuộc vào lợi ích của các bên liên quan.
Dĩ nhiên CES là một trong những sự kiện có quy mô lớn nhất thế giới trong thế giới điện tử công nghệ, cũng như startup nên chúng tôi cũng muốn tham dự. Thực tế chúng tôi đang tìm hiểu và có thể sẽ xem xét khả năng tiến hành một dạng hợp tác nào đó tại các sự kiện quốc tế lớn, kiểu như CES.
Giả dụ như CES có quan tâm tới thị trường Hàn Quốc thì thay vì tới đó, chúng tôi sẽ mời họ tới đây và tạo ra một sự kiện CES ở địa phương dành cho startup chẳng hạn. Sẽ có rất nhiều ý tưởng có thể được triển khai. Bản thân CES hiện khá quan tâm tới cộng đồng startup Hàn Quốc nên tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt. Tại sao lại không thử hợp tác với họ?
Nhưng về hình thức tổ chức một sự kiện hợp tác thì chúng tôi vẫn cần suy nghĩ thêm. Ví dụ chúng tôi sẽ tham gia CES như một gian hàng, hoặc một phiên thảo luận hợp tác làm ăn. Chắc chắn chúng tôi sẽ xem xét các khả năng hợp tác.
- COMEUP có gì khác biệt so với các sự kiện khởi nghiệp khác tại Hàn Quốc, thưa ông?
Ông Josh Choi: Có khá nhiều sự kiện liên quan tới startup ở Hàn Quốc. Trong tháng 5, 6 có một sự kiện mang tên NextDrive. Trong tháng 9 có sự kiện TryEverything. COMEUP của chúng tôi cũng là một sự kiện lớn về startup.
Về cơ bản, các sự kiện startup đều có format khá giống nhau, với những buổi giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm hợp tác làm ăn... Nhưng điểm độc đáo của chúng tôi nằm ở những điểm sau.
Năm ngoái COMEUP là sự kiện của chính phủ Hàn Quốc, một sáng kiến của chính quyền. Chính quyền đổ vốn và thành lập một ủy ban điều hành. Do đó là sự kiện của chính phủ nên cũng có nhiều nhân vật VIP tham dự và phát biểu.
Nhưng năm nay, sự kiện đã lần đầu được chuyển cho lĩnh vực tư nhân. Chúng tôi thật sự muốn biến COMEUP thành sự kiện mà startup trở thành trung tâm. Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là khiến COMEUP trở thành sự kiện được startup lãnh đạo nhiều nhất. Điều này có nghĩa tại COMEUP, mọi nhân vật chính trên sân khấu đều là startup.
Thay vì mời những diễn giả nổi tiếng để nói về tương lai, viễn cảnh của cộng đồng, chúng tôi mời các startup để lắng nghe những câu chuyện ít người biết đến của họ, cả thành công và thất bại. Chúng tôi sẵn sàng phô ra mọi loại câu chuyện, cả ngọt ngào lẫn cay đắng.Tôi nghĩ đây là điểm khác biệt hoàn toàn so với các sự kiện khác.
Thứ hai, nếu nhìn vào chương trình hoạt động của COMEUP 2022, các bạn có thể thấy chúng tôi dám đưa ra ra các câu hỏi rất táo bạo và thẳng thắn trong những nội dung thảo luận, như thị trường Hàn Quốc còn phù hợp cho startup không? Người ta vẫn nói rằng Hàn Quốc rất cởi mở với startup, nhưng một người nước ngoài muốn thành lập startup ở Hàn Quốc có dễ không? Những giới hạn nào khiến startup Hàn Quốc khó trở thành doanh nghiệp toàn cầu? Vì sao các nhà đầu tư không hứng thú với startup nữa?
Chúng tôi cũng đưa ra các câu hỏi, như startup Hàn Quốc có cởi mở với thị trường nước ngoài không? Nếu không thì chúng tôi phải làm gì, chính quyền của chúng tôi phải thay đổi gì, cần sửa đổi gì trong chính sách visa, nhập cư... Làm sao để sống sót trong môi trường startup, những câu chuyện khó khăn và đau đớn nhất khi điều hành công ty khởi nghiệp là gì?
Những vấn đề này thường không được thảo luận trong các sự kiện khác. Người ta thường nói về các ngành nghề tương lai mà startup nên làm, về những triển vọng tích cực mà không có sự hỏi đáp liên quan tới những vấn đề khó. Đây là một trong những điểm cốt lõi khiến chúng tôi khác với các sự kiện startup còn lại.
- Ông có kế hoạch gì để biến COMEUP thành sự kiện quy mô toàn cầu?
Ông Josh Choi: Cho tới sự kiện COMEUP năm ngoái, chúng tôi cơ bản không có diễn giả là người nước ngoài. Không ai cả. Dịch COVID-19 có thể làm một số diễn ra không thể tới Hàn Quốc, nhưng họ cũng không tham gia phát biểu trực tuyến.
Năm nay khi chuyển giao quyền tổ chức, chính phủ muốn chúng tôi biến COMEUP thành sự kiện mang dáng dấp toàn cầu. Nhưng tôi không muốn COMEUP chỉ "giống như" sự kiện toàn cầu về mặt hình thức. Tôi muốn nó thực sự có quy mô toàn cầu. Nhưng rõ ràng ta không thể đạt được điều này chỉ sau một sự kiện duy nhất, mà phải có cả quá trình.
Bước đi đầu tiên của chúng tôi trong việc hiện thực hóa mục tiêu này là mời rất nhiều startup nước ngoài tham gia. Chúng tôi đã mời các doanh nghiệp từ Anh, Mỹ, Đức, Italy, khu vực Đông Nam Á, thậm chí là từ châu Phi.
Chúng tôi cũng đã nhìn thấy nhiều cơ hội để xuất khẩu hệ sinh thái khởi nghiệp của mình tới các nước đang phát triển. Tôi nghĩ chúng tôi có thể xây dựng sự hợp tác rất tốt với nhau. Bên cạnh đó, chúng tôi thấy tiềm năng hợp tác với các công ty lớn ở những nước phát triển như Mỹ và khu vực châu Âu.
Về cơ bản, năm nay chúng tôi mới thực hiện những bước đi ban đầu để xây dựng nền móng. Trong tương lai lâu dài, chúng tôi muốn có các sự kiện mang thương hiệu COMEUP ở nước ngoài, như COMEUP Tanzania chẳng hạn. Sự kiện đó sẽ gieo hạt giống startup và họ sẽ tiến hành kinh doanh rồi sẽ báo cáo lại kết quả tại COMEUP Hàn Quốc. Chỉ khi đó chúng tôi mới thực sự biến COMEUP thành sự kiện toàn cầu.
Có thể nói, năm nay chúng tôi đã tiến một bước táo bạo hướng tới mục tiêu này. Và nó rất khác biệt so với năm ngoái.
- Ông có lời nhắn nhủ nào gửi tới cộng đồng startup ở Việt Nam cũng như thế giới? Làm sao để xây dựng một cộng đồng startup mạnh như tại Hàn Quốc?
Ông Josh Choi: Xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp là điều rất quan trọng, vì cách tốt nhất để một startup có thể lớn lên là nhờ bệ phóng từ các doanh nghiệp khác. Startup có thể tham gia các chương trình thúc đẩy tăng trưởng để có lời khuyên từ những người đi trước, từ nhà đầu tư.
Nhưng câu hỏi mà các startup thật sự cần quan tâm nhất là bước tiếp theo sẽ như thế nào? Ví dụ bạn thành công trong việc gọi vốn, thì câu hỏi tiếp theo chắc chắn sẽ là phải sử dụng vốn như thế nào để có kết quả tốt nhất? Làm sao để bạn có thể trả lời câu hỏi này? Nếu có một mạng lưới các doanh nhân và doanh nghiệp ngoài kia - một cộng đồng doanh nghiệp đã tồn tại - hẳn họ sẽ đưa cho bạn những đáp án trung thực và thẳng thắn.
Tôi nghĩ ở Việt Nam hiện đã có một cộng đồng startup nhỏ. Họ sẽ cần phải có các ví dụ rõ ràng về việc tổ chức những sự kiện networking và kết nối thành công, hiệu quả. Chúng tôi là một ví dụ rõ ràng. Diễn đàn Khởi nghiệp Hàn Quốc được thành lập vào năm 2016 với chỉ 30 hoặc 40 startup cỡ nhỏ. Để cộng đồng startup lớn mạnh, các doanh nghiệp đó đã phải hợp tác với nhau. Giờ tất cả họ đều đã là các doanh nghiệp kỳ lân lớn.
Nhưng trước đó họ đều là doanh nghiệp nhỏ, với tiếng nói khó được ai chú ý. Khi hợp tác với nhau, họ đã tăng trưởng, dần lớn mạnh và thành lập các hiệp hội. Họ tổ chức các buổi training, workshop. Nhiều doanh nhân đã dành rất nhiều thời gian tình nguyện hướng dẫn cho người khác cách làm kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm thương trường. Dù rất bận rộn với hoạt động kinh doanh riêng, họ vẫn phải gặp gỡ nhau nhiều để thảo luận về các hoạt động chung cùng nhau.
Chính những điều này đã tạo ra tác động lớn, bởi sau rốt khi đã thành một cộng đồng lớn mạnh, ý kiến của họ sẽ được các cơ quan chính quyền lắng nghe và cân nhắc.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!