'Bạn tốt' hiếm hoi của cả Tổng thống Putin và ông Zelensky

Do duy trì quan hệ tích cực với cả Kyiv và Moscow, Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng có thể làm trung gian hòa giải, giúp sớm đạt được giải pháp cho chiến sự ở Ukraine.

Trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước được kỳ vọng có thể đóng vai trò trung gian, hòa giải xung đột giữa hai bên.

Hôm 6/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Erdogan kêu gọi Moscow ngừng bắn ngay lập tực, tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo cũng như mở đường cho một giải pháp chính trị.

 Thường dân Ukraine chật vật di tản tránh xa vùng chiến sự. Ảnh: AP.

Thường dân Ukraine chật vật di tản tránh xa vùng chiến sự. Ảnh: AP.

Quan hệ tốt với cả hai bên

Dù không chia sẻ đường biên giới trên bộ, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng về mặt địa lý đối với Nga và Ukraine. Cả ba nước quây quần bên bờ Biển Đen, tuyến hàng hải quan trọng cho hoạt động kinh tế, quân sự của cả Moscow và Kyiv.

"Về địa lý, lịch sử, và xa hơn nữa về mặt thực tiễn là lợi ích kinh tế, an ninh, quốc phòng, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng với những gì đang diễn ra giữa Nga và Ukraine", Alper Coskun, cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Azerbaijan, nhận định, theo Al Jazeera.

Nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã có quan hệ hợp tác sâu sắc với ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Từ 2019, Ankara là nguồn cung cấp thiết bị bay không người lái Bayraktar TB2 cho chính phủ Kyiv.

Quân đội Ukraine sử dụng thiết bị bay do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trong cuộc chiến với phiến quân ly khai thân Nga tại vùng Donbas ở miền Đông.

Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự chống Ukraine, Ankara đã ký thỏa thuận bán thêm nhiều thiết bị bay cho chính phủ Kyiv, đồng thời cam kết hỗ trợ Ukraine sản xuất thiết bị này.

 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tiếp đón Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Kyiv đầu tháng 2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tiếp đón Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Kyiv đầu tháng 2. Ảnh: Reuters.

Tháng 9/2021, nhà sản xuất thiết bị bay Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ ký một thỏa thuận xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị bay TB2 tại một địa điểm gần Kyiv.

Tới tháng 12/2021, giới chức Ukraine cho hay sẽ tham gia liên doanh sản xuất thiết bị bay Anka cùng với Tập đoàn Công nghiệp Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine sẽ chịu trách nhiệm chế tạo động cơ cho máy bay.

Trong chuyến thăm Kyiv đầu tháng 2 của Tổng thống Erdogan, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do kỳ vọng giúp tăng 30% tổng kim ngạch thương mại song phương, lên mức 10 tỷ USD/năm.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng xây dựng được quan hệ hợp tác tích cực với Nga. Ankara và Moscow tiến hành nhiều hoạt động quân sự chung trên chiến trường Syria.

Hai bên cũng làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội chính phủ Syria với lực lượng vũ trang người Kurd cũng như các nhóm nổi dậy do Iran và Saudi Arabia hậu thuẫn.

Ở Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ủng hộ các lực lượng đối lập nhau. Tuy nhiên, hai bên đang hợp tác tìm kiếm giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột giữa các phe phái.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng duy trì quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau. Hàng năm, Thổ Nhĩ Kỳ thu lợi lớn từ ngoại tệ mà du khách Nga mang lại. Ankara cũng là khách hàng tiêu thụ khí tự nhiên từ Nga.

Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên hiếm hoi của NATO từ chối tham gia trừng phạt Nga, trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và phương Tây liên tục xấu đi từ 2014 đến nay.

 Tổng thống Erdogan gặp Tổng thống Putin hồi năm 2021 ở Sochi. Hai ông thường khẳng định là bạn bè của nhau. Ảnh: Tass.

Tổng thống Erdogan gặp Tổng thống Putin hồi năm 2021 ở Sochi. Hai ông thường khẳng định là bạn bè của nhau. Ảnh: Tass.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò thiết yếu về mặt địa lý. Từ Biển Đen, tuyến đường hàng hải duy nhất đi ra vùng biển quốc tế tại Địa Trung Hải là eo biển Bosphorus và Dardanelles.

Theo Hiệp ước Montreux ký năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền quản lý hai eo biển chiến lược nói trên trong thời gian xảy ra chiến tranh. Hiệp ước cho phép Thổ Nhĩ Kỳ giới hạn hoạt động của tàu chiến nước ngoài, thậm chí đóng cửa hai eo biển này, khi chiến tranh nổ ra.

Hôm 28/2, đáp lại lời kêu gọi từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm tất cả tàu chiến các nước đi qua hai eo biển Bosphorus và Dardanelles.

Thế khó của Thổ Nhĩ Kỳ

Có nhiều lý do khiến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khiến Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng. Lý do lớn nhất là bởi lợi ích của Ankara bị đe dọa, theo Sabah.

Sinan Ulgen, cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hiện là giám đốc tổ chức nghiên cứu chính sách Center for Economics and Foreign Policy Studies, nhận định Ankara không muốn bị đẩy vào thế phải chọn phe giữa Nga và Ukraine.

"Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tốt với Nga trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt tại Syria, nơi Ankara cần Moscow giúp kiểm soát tránh leo thang xung đột", ông Ulgen nói.

Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn duy trì quan hệ với Ukraine, đối tác tiềm năng trong các hợp tác về công nghiệp quốc phòng.

Thổ Nhĩ Kỳ có đường bờ biển dài nhìn ra Biển Đen, phía bên kia là những khu vực chiến sự đang ác liệt như Mariupol, Odessa cũng như căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga là Sevastopol. Hiện nay, một lượng lớn tàu chiến Nga đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu tại Biển Đen.

Mọi bất ổn ở Biển Đen đều đe dọa hòa bình, ổn định cho hàng loạt thành phố ở phía Tây và phía Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có trung tâm thương mại lớn nhất cả nước là Istanbul, và thành phố cảng lớn nhất Biển Đen là Samsun.

 Hàng trăm thường dân Ukraine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Nga.

Hàng trăm thường dân Ukraine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Nga.

Một yếu tố khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ nóng lòng chấm dứt xung đột ở Ukraine là lo ngại chiến sự leo thang sang các nước thành viên NATO khác như Ba Lan hay các nước Baltic.

Bởi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, một khi chiến tranh giữa Nga và NATO nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa vụ trực tiếp tham chiến, điều Ankara chắc chắn muốn tránh.

Những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm nhiều cách để thúc đẩy vai trò cường quốc khu vực của mình. Ankara là một trong những bên tích cực nhất can dự vào chiến trường Syria, hậu thuẫn cho các nhóm nổi dậy ở miền Bắc nước này.

Trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng, nhờ đó giúp Azerbaijan giành được thắng lợi quân sự.

Nếu hóa giải thành công cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay, ngoài việc loại bỏ các đe dọa về an ninh, kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể thúc đẩy hơn nữa uy tín chính trị và ảnh hưởng của mình trên vũ đài quốc tế.

Trong chuyến thăm Kyiv hôm 3/2, Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng vai trò trung gian, hòa giải giữa Kyiv và Moscow. Ý tưởng này được cả Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ủng hộ.

Tuy vậy, chiến sự đã nổ ra trước khi các nỗ lực hòa giải kịp bắt đầu.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin ngày 6/3, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh Nga và Ukraine cần lập tức ngừng bắn, thiết lập hành lang nhân đạo và ký kết một thỏa thuận hòa bình.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các cuộc đàm phán sẽ khó mang lại kết quả khi giao tranh còn tiếp diễn.

Tuy vậy, Tổng thống Putin đã bác bỏ đề nghị của ông Erdogan. Ông Putin tuyên bố sẽ chỉ ngừng bắn khi quân đội Ukraine buông vũ khí đầu hàng và NATO đáp ứng các yêu sách về an ninh của Moscow.

Nga tung video Su-34 tấn công bằng vũ khí chính xác cao Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/3 công bố đoạn video cho thấy máy bay tiêm kích bom Su-34 của nước này tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine bằng vũ khí với độ chính xác cao.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ban-tot-hiem-hoi-cua-ca-tong-thong-putin-va-ong-zelensky-post1300678.html