Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Liên Hợp Quốc nên cho phép sử dụng vũ lực để ngăn chặn Israel
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nên khuyến nghị sử dụng vũ lực, phù hợp với nghị quyết đã thông qua vào năm 1950, nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza và Li-băng.
Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã lên án chiến dịch của Israel tại Dải Gaza nhằm vào nhóm chiến binh Hamas, cũng như các cuộc tấn công của Israel tại Li-băng nhằm vào phong trào Hezbollah.
Phát biểu hôm 30/9 sau cuộc họp nội các tại Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết: "Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nên nhanh chóng thực hiện thẩm quyền khuyến nghị sử dụng vũ lực, như nội dung nghị quyết Đoàn kết vì Hòa bình năm 1950, nếu Hội đồng Bảo an không thể thể hiện quyết tâm".
Nghị quyết nêu rõ, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể can thiệp nếu sự bất đồng giữa năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an khiến họ không thể duy trì hòa bình quốc tế.
Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc có thể đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý, chẳng hạn như cho phép sử dụng vũ lực và áp đặt lệnh trừng phạt.
Gần một triệu thường dân Li-băng đã phải di dời do các cuộc tấn công của Israel, ông Erdogan cho biết. Theo chính quyền Li-băng, chỉ trong hơn một tuần, ít nhất 1.300 người đã thiệt mạng.
"Đứng lên vì Palestine và Li-băng có nghĩa là đứng lên vì nhân loại, vì hòa bình, vì văn hóa chung sống của các tín ngưỡng khác nhau", lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Tổng thống Erdogan cho biết, ông rất buồn khi thấy các quốc gia Hồi giáo không có lập trường quyết liệt hơn đối với Israel. Ông thúc giục các nước này thực hiện những biện pháp kinh tế, ngoại giao và chính trị nhằm vào Israel, để gây sức ép buộc Israel phải chấp nhận lệnh ngừng bắn.
"Vì hòa bình của người dân trong khu vực, từ người Hồi giáo đến người Do Thái và người Thiên chúa giáo, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế và thế giới Hồi giáo cùng chung tay", ông Erdogan nói, cho biết thêm rằng các cuộc tấn công của Israel cũng sẽ nhắm vào các quốc gia Hồi giáo nếu họ không bị ngăn chặn sớm.
Sau khi xung đột ở Trung Đông bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ đã dừng mọi hoạt động thương mại với Israel, và tuyên bố sẽ tiếp tục cho đến khi dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza được khôi phục hoàn toàn. Ankara cũng tham gia vụ kiện của Nam Phi nhằm vào Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế, cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng đối với người Palestine ở Dải Gaza.