Bạn trẻ chăm chút hôn nhân
Bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn trẻ đòi hỏi đôi bên chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, tài chính và biết thống nhất tầm nhìn để có thể gắn bó bền chặt từ ngày đầu, cùng tạo lập hạnh phúc
Năm 2017, Trâm Anh (quê Đắk Lắk) tạm xa quê hương sang Nhật Bản làm phiên dịch viên. Tại đây, cô gặp Kakita (39 tuổi), một luật sư người Nhật. Cả hai quyết định kết hôn sau 3 năm tìm hiểu. Khi ấy, Trâm Anh mới 23 tuổi.
Sớm nhưng không nóng vội
Biết tự lập từ nhỏ, Trâm Anh không quá khó khăn trong việc sinh sống và lập nghiệp ở một đất nước xa lạ. Việc lấy chồng lớn hơn nhiều tuổi, khác quốc tịch, với cô cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Song để giữ lửa hôn nhân luôn ấm áp khi bản thân còn "trẻ người non dạ", với cô là điều phải nghiêm túc chăm chút.
Trước khi cưới, Trâm Anh và Kakita đã nhiều lần trao đổi thẳng thắn về những mối quan tâm chung của cả hai, bao gồm thu nhập, định hướng về nơi ở trong tương lai, chuyện chi tiêu, sinh con và nuôi dạy con. Sau khi thống nhất quan điểm, cả hai thông báo cho gia đình, chuẩn bị tài chính, kiểm tra và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. "Trước khi kết hôn, tôi có thói quen quan sát bạn trai rất kỹ, xem tính cách của anh có hợp với mình hay không. Tôi cũng sẵn sàng thể hiện con người thật trước mặt anh ấy. Tuy lấy chồng khi còn khá trẻ nhưng tôi không nghĩ đó là sự nóng vội, bởi đã có chuẩn bị kỹ từ hai phía. Thời gian 3 năm hẹn hò cũng vừa đủ để tôi và chồng hiểu được con người của nhau. Đó là lý do mà từ khi yêu đến lúc về chung nhà, không có một ranh giới quá rõ ràng cho sự thay đổi tâm tính, tình cảm của cả hai vợ chồng" - Trâm Anh bộc bạch.
Nữ phiên dịch viên dành thời gian vạch ra những kế hoạch gần cũng như về lâu dài cho gia đình. Theo cô, dù kết hôn với người nước ngoài hay người Việt Nam thì sự chuẩn bị cũng cần thiết và chỉ thật sự nên tiến tới hôn nhân khi đã đạt được sự đồng thuận từ cả hai. Không ít trường hợp bạn trẻ kết hôn sớm trong sự nóng vội, không có sự tìm hiểu thấu đáo, dẫn đến một cuộc hôn nhân ngắn ngủi, thậm chí gây tổn thương. Trâm Anh và chồng xem đó là bài học cảnh tỉnh để xây dựng hạnh phúc riêng của mình.
Sẻ chia để hạnh phúc lâu bền
Nhiều bạn trẻ hiểu rằng hôn nhân là một bước ngoặt quan trọng. Sẵn sàng để bước vào đời sống hôn nhân cũng đồng nghĩa với việc biết gọt giũa "cái tôi", không chỉ sống vì mình mà còn biết yêu thương bạn đời, cùng nhau vun vén hạnh phúc.
Vừa bước sang tuổi 24, anh Lâm Minh Thành (ngụ Bình Dương) quyết định xây dựng gia đình. Dù trước đó, anh cùng bạn đời đã có 8 năm bên nhau nhưng khi bước vào hôn nhân, cả hai gặp không ít bỡ ngỡ. Thời điểm quyết định cưới, cả anh Thành và vợ đều chưa có khoản tích lũy nhiều, hai vợ chồng càng hết sức đồng lòng, cố gắng làm việc để bảo đảm kinh tế.
Trải qua 2 năm hôn nhân, đến nay anh Thành cùng vợ đã đón con gái đầu lòng. Cuộc sống hôn nhân mang đến cho anh nhiều bài học mới, anh phải nỗ lực gấp nhiều lần để vừa làm tốt trách nhiệm người chồng, vừa làm tròn vai trò của người cha. Từ khi có con, anh Thành càng thấy trân quý cuộc sống và giá trị gia đình.
"Những áp lực về chuyện nuôi dạy con và tài chính phần nào ảnh hưởng đến tình cảm của vợ chồng. Chắc chắn vợ chồng cũng có mâu thuẫn, những lúc như vậy tôi cố gắng nhẫn nại, bày tỏ góc nhìn của mình cho vợ để cả hai thấu hiểu và cùng giải quyết vấn đề" - anh Thành kể.
Đó cũng là quan điểm của anh Trần Chánh Hoàng (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM). Trước khi lập gia đình vào năm 26 tuổi, anh Hoàng đã trải qua thời gian sống chung một nhà với người bạn đời của mình. Với anh, đây cũng có thể xem là một bước quan trọng để tiến đến hôn nhân hạnh phúc. "Đó là thời điểm quyết định nếu tiến đến hôn nhân có bền vững không vì khi đó cả hai đều bộc lộ tính cách và bắt đầu tiếp cận hết mọi mặt của nhau. Không ai phù hợp ai hoàn toàn cả, cần phải bỏ cái tôi và chấp nhận thay đổi để dung hòa" - anh Hoàng giải thích.
Cũng nhờ việc lập kế hoạch và san sẻ với nhau từ sớm, hiện cuộc sống hôn nhân của gia đình anh Hoàng khá suôn sẻ. Đôi vợ chồng trẻ chăm chỉ tích cóp và tính toán hợp lý để sở hữu căn hộ riêng cho mình.
Để gắn kết dài lâu, cần có sự thống nhất không chỉ ở một thời điểm mà là cả đoạn đời về sau. Đời sống biến chuyển liên tục, khó bảo đảm luôn êm thấm, không xảy ra xung đột. Đây càng là lúc cần có sự lắng nghe, đồng điệu. Với gia đình của Trâm Anh, những lần xảy ra bất đồng quan điểm hoặc khi nửa kia gặp thử thách, sự sẻ chia và đồng cảm là "liều thuốc" để vượt qua khó khăn. Cô nói: "Qua 3 năm kết hôn, tôi thấy các yếu tố quan trọng là yêu, tin tưởng và thấu hiểu. Đó là nền tảng để hai vợ chồng cùng nhau đi đường dài". Cô gái trẻ đã tự học cách yêu gia đình, cách quan tâm, đối xử với bạn đời từ mẹ và những người đã lập gia đình xung quanh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ban-tre-cham-chut-hon-nhan-20230603202501243.htm