Bạn trẻ đánh thức ký ức văn hóa Hà thành
CLB Văn minh Học đường (thuộc Hội Sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) đã tổ chức chương trình 'Gánh' tại hội trường Nhân văn – Cơ sở Thủ Đức. Chương trình nhằm nhắc nhớ cho các bạn trẻ về những thứ mộc mạc chân tình của chiều sâu văn hóa và bề dày lịch sử Thủ đô ngàn năm văn hiến, cụ thể hơn là những gánh hàng rong, những tiếng rao khắc khoải.
Biểu tượng văn hóa Việt
Chương trình diễn ra với hai hoạt động chính. Hoạt động thứ nhất là Triển lãm mô hình “Nghiêng nghiêng quang gánh” diễn ra từ 9h - 19h (12/4). Triển lãm bao gồm những mô hình thu nhỏ gánh hàng rong trong cảnh sắc bốn mùa Hà Nội, cùng tiếng rao thân thương, bình dị, được tái hiện xuyên qua từng lớp giấy. Đến với không gian triển lãm, bạn trẻ được chìm đắm vào không gian mơ mộng, huyền ảo của Thủ đô thu nhỏ, mà câu lạc bộ đã kì công "gánh" từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Triển lãm kết hợp tinh tế giữa ảnh chụp, hiệu ứng âm thanh và các ký họa, phảng phất hoài niệm về một Hà Nội xưa cũ. Thông qua các tác phẩm, người xem cảm nhận sâu sắc cuộc sống thường nhật của người Hà Nội xưa, thể hiện bằng nghệ thuật sắp đặt những hộp đèn, bức tranh... kết hợp thanh âm tiếng rao nhịp nhàng của người bán hàng rong. Cùng với đó là ký ức về những con phố Thủ đô dưới tia nắng đầu tiên trong ngày, cùng các gánh hàng rau quả, kẹo bánh và đồ ăn vặt...
Hoạt động thứ hai của chương trình là talkshow “Gánh”, với sự góp mặt của diễn giả là TS Lê Thị Ngọc Điệp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) - tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học, cùng cố vấn chuyên môn PGS. TS Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). Tại chương trình, diễn giả Lê Thị Ngọc Điệp đã giới thiệu về văn hóa gánh hàng rong, giải đáp những thắc mắc về văn hóa, cũng như mang đến cho các bạn sinh viên trải nghiệm được chia sẻ về ký ức tuổi thơ thông qua hình ảnh những “đôi quang gánh”.
Theo diễn giả, ở Việt Nam tồn tại hai loại đòn gánh, một loại dùng để gánh khi kết hợp với đôi quang và đôi thúng, ngoài ra còn một loại có tên là đòn xóc. Xuyên suốt trong tiến trình lịch sử Việt Nam, hai vật dụng đơn sơ ấy vẫn song song tồn tại, tương hỗ cho nhau và trở thành một vật dụng vô cùng hữu hiệu trong hầu hết mọi công việc đời thường của người Việt cho đến tận ngày nay. Phổ biến nhất là chiếc đòn gánh làm bằng tre, điều này có rất nhiều lý do, một trong những lý do là vì vùng Đông Nam Á, với khí hậu nóng ẩm nhiệt đới chính là quê hương của các loại cây thuộc họ tre trúc. Hơn nữa, cây tre vừa có tính dẻo dai, vừa rắn chắc, lại vừa nhẹ, đây là những đặc tính ưu việt mà không phải loại cây nào cũng có.
Chia sẻ về nét văn hóa có từ lâu đời này, diễn giả Lê Thị Ngọc Điệp cho biết, gánh hàng rong có mặt trên khắp những con phố Hà Nội và trở thành nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô bởi những người nông dân khi khi bắt đầu gánh thì chỉ vì mục đích mưu sinh. Nhưng sau đó, nó lại trở thành hình ảnh quen thuộc. “Vì thế, gánh hàng rong là hình ảnh có từ lâu đời, xa xưa. Nó không chỉ có mặt ở Hà thành mà còn bắt đầu ở những đô thị khác nhau ở các miền Trung, Nam”, diễn giả Lê Thị Ngọc Điệp nói.
Mắt xích thời gian
Theo diễn giả Lê Thị Ngọc Điệp, hình ảnh của đôi quang gánh gắn với người phụ nữ thể hiện một đặc trưng tính cách, đó là sự mềm mại, dẻo dai, linh hoạt và cần cù, chịu khó. Một trong những nét đặc trưng rất rõ nét ở Việt Nam.
“Ngày ngày, người ta có thể gánh phở, gánh bánh mì, gánh tào phớ… trên đôi gióng gánh bên bộ áo bà ba, tô điểm thêm nón lá, đậm chất phụ nữ Việt Nam. Giờ đây, hình ảnh ấy trở nên rất hiếm, những chiếc xe đã thay đôi gióng gánh, những chiếc loa mini đã thay cho lời rao. Một sự hiện đại hóa đã dần thay thế nét cổ điển. Không phủ nhận, phương tiện hiện đại mang đến tiện lợi nhất định, nhưng làm sao có thể thay thế được “tâm hồn Việt”?”, diễn giả Lê Thị Ngọc Điệp nêu vấn đề.
Trong kí ức và tâm hồn của những người con Hà Nội, gánh hàng rong như một giá trị vững bền, in dấu ấn rất sâu đậm trong tâm tưởng. Sự phát triển của công nghệ, cùng với những tiến bộ thời 4.0 phần nào cũng khiến cho những gánh hàng rong không còn được phổ biến như trước. Thế nhưng, trên tất cả, văn hóa bán hàng rong vẫn rất khó bị loại bỏ hoàn toàn và thay thế, bởi nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt biết bao thế hệ từ xưa đến nay.
Đối với nhiều vị khách du lịch, văn hóa hàng rong cũng đã trở thành nét rất riêng và độc đáo nơi phố thị. Không khó để bắt gặp những hình ảnh du khách nước ngoài thích thú trong việc thưởng thức ẩm thực trên phố. Nguyễn Thị Thu Giang (năm thứ nhất, trường ĐH KHXH&NV) bày tỏ: “Dù bên cạnh những nét tích cực, hàng rong cũng còn tồn tại nhiều mặt trái cần thay đổi. Để tạo dựng văn hóa hàng rong một cách văn minh hơn thì cần có những biện pháp hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững”.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ban-tre-danh-thuc-ky-uc-van-hoa-ha-thanh-post1534484.tpo