Bạn trẻ hào hứng khi nghe chia sẻ của các thành viên đoàn phim 'Cây táo nở hoa'
Talkshow 'Chuyện người kể chuyện: Gặp gỡ đoàn làm phim Cây táo nở hoa' vừa được tổ chức tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM), với sự góp mặt của Đạo diễn Võ Thạch Thảo, Nhà sản xuất Trần Thu Hiền, Biên kịch Lê Thị Tuyết Lan, cùng sự tham gia của nhiều sinh viên yêu thích phim ảnh.
Tại buổi talkshow, các khách mời đã kể về kỷ niệm trong quá trình làm phim Cây táo nở hoa, Gạo nếp gạo tẻ, cùng với những khó khăn mà đoàn làm phim đã trải qua. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên được nghe các diễn giả chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện một bộ phim truyền hình.
Theo Nhà sản xuất Trần Thu Hiền, thời gian quay bộ phim Cây táo nở hoa rơi vào lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chính vì thế, ê kíp làm phim đã gặp rất nhiều khó khăn về địa điểm quay, sức khỏe nhân viên… Dẫn tới, trong suốt một tháng, đoàn phải tạm ngưng công việc. Ngoài ra, quy trình hậu kỳ và khâu kịch bản cũng phải thực hiện rất gấp rút vì phải vừa dựng vừa phát sóng.
Để chuyển thể tác phẩm nước ngoài, biên kịch Lê Thị Tuyết Lan kể lại, cô cùng các thành viên đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Bởi, trong bản gốc của Hàn Quốc, những nét văn hóa đặc trưng của nước họ rất khó để chuyển hóa sang thành nước mình. Khoảng thời gian đầu, nhóm biên kịch của bộ phim mất gần một tháng để hoàn thành hai tập phim.
Xuyên suốt buổi talkshow, các khách mời đã nhận được những câu hỏi từ khán giả. Trong đó, đa phần các khán giả trẻ rất quan tâm đến vấn đề “đầu voi đuôi chuột” của phim truyền hình Việt Nam hiện nay. Lý giải về điều này, Đạo diễn Võ Thạch Thảo cho rằng nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ việc kiến thức nền chưa đủ vững. Hiện nay, các cơ sở đào tạo vẫn còn rất hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tư duy của nhiều người làm về lĩnh vực phim ảnh tại Việt Nam.
Tiến sĩ Hồ Khánh Vân đặt ra vấn đề rằng “Liệu có thể đưa phim Việt Nam ra thế giới được không?”. Đạo diễn Võ Thạch Thảo nhận xét, phim Việt đang bị thiếu những kịch bản gốc đủ tốt để có thể đáp ứng thị trường trong nước và nước ngoài. Nguồn diễn viên đủ thực lực cũng còn hạn chế và chưa có nhiều sự đột phá. Những nét văn hóa bản địa chưa được triển khai đủ chặt chẽ để có thể tạo được sức hút cho người nước ngoài muốn biết về Việt Nam. Từ đó, nữ đạo diễn đưa ra hướng giải quyết đó là, các nhà làm phim cần tận dụng tối đa những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền tại Việt Nam.
Sau khi tham gia buổi talkshow, các bạn sinh viên đã có được nhiều kinh nghiệm cũng như góc nhìn đa chiều về lĩnh vực Điện ảnh - Truyền hình. Ngọc Khánh (năm thứ hai, khoa Công tác xã hội) nhận xét, phim truyền hình những năm gần đây có sự đầu tư nhiều hơn về nội dung và đa dạng về hình thức. Khánh cũng cho biết bản thân rất thích xem những bộ phim truyền hình về tình cảm gia đình nhờ nội dung tạo được sự đồng cảm cho người xem.
Trúc Ly và Duy Bình (năm thứ hai, khoa Văn học) cho rằng phim truyền hình Việt Nam đang ngày càng phát triển và được nhiều bạn trẻ đón nhận. Diễn xuất của các diễn viên cùng với nội dung gần gũi, hấp dẫn chính là yếu tố giúp thu hút khán giả ở mọi độ tuổi.