Bạn trẻ hiểu hơn về 'Truyện Kiều' qua lời kể và tranh ảnh
Không chọn đến những địa điểm vui chơi giải trí vào cuối tuần, nhiều bạn trẻ đã tham gia tọa đàm '150 năm Kim Vân Kiều muôn mặt' để hiểu hơn về một tác phẩm lớn của dân tộc.
Ngày 5/7 tại Sân khấu A, Đường sách TP. HCM đã diễn ra buổi tọa đàm "150 năm Kim Vân Kiều muôn mặt", mở ra một không gian trò chuyện thân tình giữa các khách mời: Nhà sưu tập Dư Thanh Khiêm; Nhà nghiên cứu, TS Bùi Trân Phượng; TS Quách Thu Nguyệt – Nguyên Giám đốc NXB Trẻ, cùng những độc giả yêu thích Truyện Kiều.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ triển lãm "150 năm hành trình truyện Kiều chữ quốc ngữ", diễn ra từ ngày 4 đến 6/7/ 2025 tại Đường sách TP. HCM. Sự kiện ra đời nhằm đánh dấu cột mốc đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển chữ quốc ngữ, cùng với việc xuất hiện ấn bản Truyện Kiều in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên vào năm 1875.

Bạn trẻ tham quan triển lãm "150 năm hành trình Truyện Kiều chữ quốc ngữ".
Tại sự kiện, nhiều bạn trẻ hào hứng đặt câu hỏi, bộc bạch những suy nghĩ, cảm xúc của mình về đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều. Những lời chia sẻ xen lẫn tiếng cười không những giúp gắn kết nhiều thế hệ khác nhau cùng yêu thích Truyện Kiều, mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ bạn đọc trẻ, từ đó gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc nói chung và Truyện Kiều nói riêng.

Bạn trẻ lưu lại khoảnh khắc bên những tác phẩm trong triển lãm.
La Hỷ Tiên (22 tuổi, năm thứ tư, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Mình học được rất nhiều điều sau buổi hôm nay. Đây là lần đầu tiên mình được nghe về bói Kiều, được biết đến cuốn lịch Kiều mà cô Phượng chia sẻ. Bên cạnh đó, những chia sẻ từ thầy Khương về cách gìn giữ và bảo tồn các ấn bản Truyện Kiều cũng mở ra cho mình nhiều góc nhìn mới".

Ba vị khách mời (từ trái sang phải): Nhà sưu tập Dư Thanh Khiêm; TS Quách Thu Nguyệt – Nguyên Giám đốc NXB Trẻ; Nhà nghiên cứu, TS Bùi Trân Phượng.
Thân Thị Thảo Ngân (năm thứ ba, trường ĐH Ngân hàng TP. HCM) nhắn nhủ: “Mình nghĩ, nhiều bạn trẻ hiện nay khi nhìn vàoTruyện Kiều, với số lượng câu chữ khá đồ sộ, sẽ cảm thấy quá tải, rồi từ đó không có hứng thú để đọc hết. Nhưng nếu mình tiếp cận tác phẩm với một tâm thế khác, không phải là đi tìm những giá trị rập khuôn có sẵn, mà là để tìm thấy chính mình trong tác phẩm và tự đúc kết những giá trị riêng, thì có lẽ sẽ thấy việc đọc Kiều thú vị hơn nhiều".

Bạn trẻ dùng điện thoại ghi hình để có thể nghe lại bài giảng.

Một bạn trẻ chăm chú ghi chép lại lời chia sẻ của các khách mời.
Một hoạt động đặc biệt trong tọa đàm là người tham gia được trải nghiệm bói Kiều - một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo trong dân gian Việt Nam, dùng những câu thơ Kiều để mô tả tâm trạng, cảm xúc của người xem.
Bên cạnh đó, người tham gia cũng tỏ ra thích thú trước triển lãm "150 năm hành trình Truyện Kiều quốc ngữ". Những sáng tác minh họa hiện đại, bản in mỹ thuật và các ấn bản quý hiếm từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX thu hút sự tò mò của nhiều bạn trẻ.

TS Bùi Trân Phượng: "Thế hệ trẻ là thế hệ tiếp nối để gìn giữ Truyện Kiều".
Vừa ngắm nhìn các tác phẩm, Nguyễn Lộc (18 tuổi, năm thứ nhất, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Vì nhiều lúc, mình chưa hiểu hết được nội dung trong tác phẩm nên phải tra cứu trên mạng để hiểu nghĩa từng từ. Trong khi đó, thông qua hình ảnh, mình dễ hình dung hơn về câu chuyện, nhân vật và cảm xúc mà tác phẩm muốn truyền tải".