Bạn trẻ làm Bảo tàng số về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ
Nhóm bạn trẻ Hà Nội triển khai dự án 'Hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ' tạo ra bảo tàng số tái hiện sống động hành trình lịch sử của Bác từ khi rời bến Nhà Rồng năm 1911 đến khi tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), 114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2025) và chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5), HUB Network công bố kết quả khóa học HUB GenAI Future Founders 2025. HUB GenAI Future Founders 2025 trang bị cho các tài năng trẻ kiến thức chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo tạo sinh GenAI và kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo.
Tham gia khóa học, mỗi học viên được cấp học bổng trị giá 5.000 USD như sự ghi nhận cho nỗ lực và thành tựu. Được biết, 50 học viên hoàn thành khóa học với 26 dự án khởi nghiệp với nguyên mẫu sẵn sàng (MVP).
Trong đó, “Hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ” của nhóm học viên Trần Quang Hưng, Nguyễn Tuấn Đạt và Hà Huy Hoàng là dự án nổi bật, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh - GenAI mang ý nghĩa lịch sử và giá trị công nghệ vượt trội.
“Hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ” là một website GenAI được xây dựng chỉ trong ba ngày với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ GenAI. Đây là một bảo tàng số tái hiện hành trình lịch sử của Bác Hồ từ khi rời bến Nhà Rồng năm 1911 đến khi tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc.
Anh Trần Quang Hưng - Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, Trưởng nhóm dự án cho biết, ý tưởng xây dựng website xuất phát từ mong muốn tạo ra một không gian trực tuyến giúp thế hệ trẻ hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về hành trình lịch sử của Bác Hồ. Dù không phải dân chuyên phát triển phần mềm, nhóm đã tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để hoàn thành dự án chỉ trong 3 ngày.

Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi chặt chẽ diễn biến trận đánh các cứ điểm địch ở Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới (16/9/1950).
“Chúng tôi muốn tạo một bảo tàng số, nơi mọi người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, có thể “sống lại” những khoảnh khắc lịch sử, cảm nhận niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn đối với Bác Hồ. Với sự hỗ trợ của AI, chúng tôi đã biến ý tưởng này thành hiện thực chỉ trong ba ngày, dù không ai trong nhóm có kinh nghiệm lập trình web trước đó,” anh Hưng nói.
Chia sẻ về quá trình triển khai dự án, anh Hưng cho biết, nhóm đã sử dụng công cụ AI DeepResearch của Google để tổng hợp kho tư liệu đồ sộ về tiểu sử, quê quán, câu chuyện lịch sử, và phát ngôn nổi tiếng của Bác Hồ. Từ các nguồn thông tin phân tán, AI đã cung cấp một tập dữ liệu chính xác, gần như không cần chỉnh sửa, chỉ cần sắp xếp theo bố cục phù hợp.
Không có kinh nghiệm lập trình web nên nhóm đã phác thảo ý tưởng về nội dung, bố cục và trải nghiệm người dùng, sau đó sử dụng Lovable, một nền tảng xây dựng website tích hợp AI và các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Qua nhiều lần thử nghiệm, nhóm tạo ra một giao diện trực quan, thân thiện và giàu tính tương tác.
Website ra mắt và được đánh giá như một bảo tàng số vô cùng sống động. Ai cũng có thể truy cập để xem và hình dung tổng thể hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ, mang đến rất nhiều cảm xúc.