Bên trong căn phòng 'đáng sợ' nhất của Apple
Cơ sở của Apple tại Ireland gồm phòng thử nghiệm tin cậy, nơi các thiết bị của hãng bị đưa vào các thử thách khắc nghiệt nhằm đảm bảo độ bền sản phẩm trước khi bán ra thị trường.

Không phải trụ sở chính to lớn tại Cupertino (Mỹ), quy trình thử nghiệm độ bền thiết bị Apple diễn ra trong một tòa nhà ở Cork (Ireland). Văn phòng được thành lập năm 1980, hiện có khoảng 6.000 nhân viên và cũng là trụ sở của Táo khuyết tại châu Âu. Ảnh: DailyMail.

Đây là nơi đặt phòng thử nghiệm tin cậy (Reliability Testing Lab), một trong những giai đoạn quan trọng để đảm bảo độ bền sản phẩm trước khi được Apple giới thiệu cho công chúng. Ảnh: Wallpaper*.

Cơ sở này được thiết kế để mô phỏng nhiều tình huống mà thiết bị Apple có thể trải qua trong suốt vòng đời sử dụng. Các sản phẩm được thử nghiệm với hàng chục tình huống như va đập, nhiệt độ khắc nghiệt, rung lắc, độ ẩm, bức xạ và tiếp xúc hóa chất. Ảnh: DailyMail.

Phần lớn quy trình thử nghiệm được thiết kế dựa trên “Longevity by Design”, chiến lược của Apple với mục tiêu thiết kế sản phẩm bền bỉ, dễ sửa chữa hơn, sử dụng vật liệu tái chế thân thiện môi trường. Các kỹ sư kết hợp khoa học vật liệu, kỹ thuật phần cứng và mô phỏng môi trường để dự đoán độ bền của thiết bị trong đời thực. Ảnh: Wallpaper*.

Ví dụ, iPhone được thả xuống gỗ, nhựa đường và đá granite. Đây là những bề mặt mà người dùng thường tiếp cận, kết quả thu được giúp các kỹ sư cải thiện độ bền, ngăn ngừa hỏng hóc có thể xảy ra khi sử dụng hàng ngày. Ảnh: Wallpaper*.

Máy tính iMac được đưa vào buồng tăng nhiệt độ lên 65 độ C và độ ẩm cao, sau đó hạ xuống -20 độ C xen kẽ luồng khí nóng. Điều này nhằm mô phỏng sự thay đổi nhiệt độ khi vận chuyển bằng máy bay, trước khi máy tính được sử dụng tại đất nước nhiều nắng. Ảnh: Apple.

Máy dội nước muối lên iMac để mô phỏng điều kiện sử dụng trên bãi biển. Ảnh: Apple.

Sử dụng loại bụi mịn nhất để mô phỏng cát sa mạc, cỗ máy này thổi bụi liên tục vào iMac để kiểm tra độ chịu đựng của cổng kết nối. Ảnh: Apple.

Tom Marieb, Phó chủ tịch bộ phận toàn vẹn sản phẩm – kỹ thuật phần cứng tại Apple, cho biết phần lớn quy trình thử nghiệm được thiết kế nội bộ, thay vì chỉ dựa vào tiêu chuẩn thông thường. “Bất cứ nơi nào bạn nghĩ rằng sẽ mang thiết bị đến, chúng tôi biết và thử nghiệm nó”, Marieb nhấn mạnh. Ảnh: Wallpaper*.

Một số máy móc dành riêng cho các hành động tưởng chừng đơn giản nhưng rất quan trọng theo thời gian, chẳng hạn như cắm/rút cáp sạc liên tục, hoặc mô phỏng ngón tay dính mồ hôi chạm lên màn hình. Ảnh: Wallpaper*.

Theo DailyMail, cơ sở thử nghiệm của Apple còn trang bị robot ấn vào phích cắm điện từ nhiều góc độ, trong khi robot khác sử dụng miếng vải thấm nước để mô phỏng da người, chạm liên tục lên màn hình. Ảnh: Wallpaper*.

Nếu thiết bị gặp lỗi trong quá trình thử nghiệm, các kỹ sư sẽ đưa vào phòng bức xạ để kiểm tra bằng tia X, hoặc chụp CT nếu cần hình ảnh 3D chi tiết hơn. Ảnh: Wallpaper*.

Kỹ sư thậm chí sử dụng kính hiển vi điện tử với độ phân giải 5 nm, có thể thấy đến lát cắt tấm wafer trên chip xử lý. Những thiết bị này giúp xác định lỗi phần cứng mà mắt thường không thể nhìn thấy. Ảnh: Apple.

Tiếp theo là thử nghiệm vận chuyển và giao hàng, bao gồm rung lắc, thả thiết bị trong hộp và trên tấm pallet. Ảnh: Wallpaper*.

Cơ sở thử nghiệm này cũng trang bị robot Daisy, có thể tháo rời 2,4 triệu iPhone mỗi năm cho giai đoạn tái chế. Đây là một phần trong chiến lược bảo vệ môi trường của Apple, bằng cách sử dụng iPhone cũ để tái chế vật liệu. Ảnh: Wallpaper*.

Vẫn còn hàng trăm triệu iPhone trên 5 năm tuổi được sử dụng trên toàn cầu. Đại diện Apple thừa nhận đa phần người dùng nâng cấp vì tính năng mới chứ không phải do cần thiết. Táo khuyết muốn đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định dù mới mua hay đã sử dụng 1.000 ngày. Theo quan điểm của Apple, thiết bị đắt tiền phải mang đến giá trị cao cấp trong nhiều năm. Ảnh: Wallpaper*.
Nguồn Znews: https://znews.vn/co-so-bi-mat-cua-apple-post1551704.html