Bạn trẻ lao đao với hội chứng suy nghĩ quá mức

Overthinking (hay suy nghĩ quá mức) là tình trạng phổ biến trong giới trẻ, đặc trưng bởi việc dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về những vấn đề trong quá khứ hoặc tương lai theo một cách tiêu cực. Overthinking có thể dẫn đến lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người trẻ.

Khi overthinking là “con sâu” ăn mòn tâm hồn

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, Nguyễn Minh Hằng (22 tuổi, Hà Nội) tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, thực tế lại không như những gì cô nàng mong đợi. Việc chưa tìm được công việc ổn định, trong khi bạn bè đồng trang lứa đã có những bước tiến đáng kể trong sự nghiệp khiến Hằng không khỏi lo lắng và tự ti.

Áp lực từ gia đình, bạn bè, xã hội là chất xúc tác làm Hằng cảm thấy mình phải đạt được những thành công nhất định trong thời gian ngắn. Hằng thường xuyên trốn tránh các hoạt động xã hội, dành nhiều thời gian cho việc suy nghĩ về những điều tiêu cực.

Minh Hằng đang trải qua một quãng thời gian khó khăn vì overthinking.

Minh Hằng đang trải qua một quãng thời gian khó khăn vì overthinking.

"Mình đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn chưa thành công. Mỗi khi nhìn thấy bạn bè đạt được những thành tựu, mình lại cảm thấy vô cùng chán nản và lo sợ cho tương lai của bản thân”, Hằng chia sẻ.

Cô nàng có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực trong cuộc sống. Hằng thường xuyên tự hỏi: "Mình sẽ làm sao nếu...", "Liệu mình có thể...", và rồi tự đưa ra những câu trả lời với viễn cảnh đầy bi quan. Hằng lo lắng về việc thất bại trong công việc, tình cảm,... Cảm giác bất an ấy như một bóng ma tâm lý luôn rình rập, khiến cô gái trẻ không thể tận hưởng hiện tại.

Cũng giống như Hằng, Ngọc Hà (22 tuổi, Hà Nội) đang trải qua quãng thời gian thường xuyên suy nghĩ quá nhiều. Hà chia sẻ rằng việc cô nàng hay "overthinking" bắt nguồn từ trí tưởng tượng phong phú và tâm lý chưa thực sự vững vàng. Ví dụ, khi người thân không trả lời tin nhắn, Hà thường lo lắng và tự vẽ ra những kịch bản tiêu cực có thể xảy ra. Cảm giác bồn chồn, bất an lúc đó khiến cô nàng rất mệt mỏi.

Tương tự trong công việc, khi bị sếp khiển trách, Hà lại càng suy nghĩ nhiều hơn và cảm thấy tiêu cực, cho rằng bản thân mình vô dụng, kém cỏi.

Ngọc Hà cho biết việc overthinking khiến cô nàng bị lấy đi nhiều niềm vui trong hiện tại.

Ngọc Hà cho biết việc overthinking khiến cô nàng bị lấy đi nhiều niềm vui trong hiện tại.

“Cảm giác như có hàng triệu suy nghĩ cứ quẩn quanh trong đầu khiến mình thật sự mệt mỏi. Việc lo lắng quá mức về những điều chưa chắc xảy ra đã lấy đi nhiều niềm vui trong hiện tại. Mình cảm thấy như đang tự trói buộc bản thân vào một vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ tiêu cực, và điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn khiến những người xung quanh cảm thấy không thoải mái", Hà bộc bạch.

Suy nghĩ quá nhiều về những chuyện vụn vặt và nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng là hình ảnh của Trần Minh Tuấn (21 tuổi, Nghệ An). Đặc biệt, kể từ khi yêu xa, Tuấn thường xuyên cảm thấy lo lắng thái quá về những thay đổi nhỏ nhất của người yêu. Chỉ một tin nhắn chưa được hồi đáp hoặc một biểu cảm hơi khác thường của "nửa kia” cũng đủ khiến Tuấn cảm thấy bất an. Chàng trai luôn sợ rằng bạn gái sẽ phản bội hoặc bỏ rơi mình. Những suy nghĩ tiêu cực ám ảnh Tuấn đến mức nhiều đêm anh chàng không thể chợp mắt.

Tuấn đã thử nhiều cách để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ tiêu cực: "Mình đã thử đi du lịch, chơi thể thao và tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng. Mình nghĩ rằng khi bận rộn, mình sẽ không còn thời gian để suy nghĩ vẩn vơ nữa". Tuy nhiên, những cách làm này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời. Ngay sau khi kết thúc các hoạt động đó, Tuấn lại nhanh chóng bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực, khiến chàng trai 21 tuổi luôn cảm thấy mệt mỏi và bất an.

Câu chuyện của Hằng, Hà và Tuấn không phải là trường hợp cá biệt. Thực tế, tình trạng suy nghĩ quá nhiều đang trở thành một vấn đề phổ biến ở giới trẻ. Một nghiên cứu tại Đại học Michigan cho thấy, hơn 70% người trẻ tuổi từ 25 đến 35 tuổi thường xuyên bị ám ảnh bởi những suy nghĩ tiêu cực. Điều đáng ngạc nhiên là con số này lại giảm đi đáng kể ở nhóm người lớn tuổi, cho thấy đây thực sự là một vấn đề của thế hệ trẻ.

Cần hiểu rõ về overthinking

Chia sẻ về tình trạng suy nghĩ quá nhiều (overthinking) ngày càng phổ biến ở giới trẻ, chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn cho rằng áp lực từ xã hội và công việc đang là một trong những nguyên nhân chính. Cuộc sống hiện đại với những kỳ vọng cao về học tập, sự nghiệp khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy căng thẳng và áp lực. Thêm vào đó, việc thiếu đi những kỹ năng quản lý căng thẳng khiến nhiều người trẻ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực.

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn cho biết những người thường xuyên overthinking có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như rối loạn lo âu và trầm cảm.

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn cho biết những người thường xuyên overthinking có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như rối loạn lo âu và trầm cảm.

Bà cho biết, tình trạng suy nghĩ quá nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây ra nhiều vấn đề về thể chất. Những người thường xuyên overthinking có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như rối loạn lo âu và trầm cảm do cảm giác bất lực, thất vọng và căng thẳng kéo dài. Điều này dẫn đến việc giảm hiệu suất làm việc và học tập, khó ngủ, suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập như đi bộ, chạy bộ, yoga, rất có lợi cho những người hay suy nghĩ quá nhiều. Ngoài ra, việc tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý cũng là một giải pháp hiệu quả. Các chuyên gia sẽ cung cấp những phương pháp và kỹ năng cần thiết để giúp chúng ta quản lý cảm xúc và suy nghĩ một cách lành mạnh hơn.

Để vượt qua tình trạng suy nghĩ quá nhiều, chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích nghi với cuộc sống hiện tại. Mỗi người cần học cách cân bằng các mục tiêu, chấp nhận thử thách và rèn luyện tư duy tích cực. Bên cạnh đó, việc chăm sóc bản thân thông qua các hoạt động như tập thể dục, ngủ đủ giấc và tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý cũng rất quan trọng.

Chuyên gia chia sẻ: "Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập như đi bộ, chạy bộ, yoga, rất có lợi cho những người hay suy nghĩ quá nhiều. Ngoài ra, việc tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý cũng là một giải pháp hiệu quả. Các chuyên gia sẽ cung cấp những phương pháp và kỹ năng cần thiết để giúp chúng ta quản lý cảm xúc và suy nghĩ một cách lành mạnh hơn”.

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn chia sẻ 6 phương pháp hiệu quả để giảm thiểu và quản lý tình trạng overthinking trong cuộc sống hàng ngày của giới trẻ:

1. Thực hành thiền và yoga: Giúp giảm căng thẳng và tăng cường khả năng tập trung.

2. Viết nhật ký: Ghi lại suy nghĩ giúp giải tỏa tâm trí và dễ dàng phân tích vấn đề hơn.

3. Tham gia hoạt động thể thao: Tập luyện thể thao giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

4. Học kỹ năng quản lý thời gian: Giúp sắp xếp công việc hợp lý và giảm cảm giác bị áp lực.

5. Tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia: Nếu cảm thấy khó khăn, nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

6. Thiết lập giới hạn cho việc sử dụng mạng xã hội: Giảm thời gian dành cho mạng xã hội để tránh áp lực so sánh và tăng cường kết nối thực tế.

Ảnh: NVCC

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ban-tre-lao-dao-voi-hoi-chung-suy-nghi-qua-muc-post1662086.tpo