Bạn trẻ sôi nổi nói về đề thi Ngữ Văn ở Quảng Nam 'sự thấu hiểu của con cái với cha mẹ'
Đề thi HSG Ngữ văn cấp tỉnh ở Quảng Nam mới đây đã thu hút sự quan tâm chú ý khi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về 'sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ'. Sau khi được lan truyền trên mạng, nhiều phụ huynh và nhiều bạn trẻ đã chia sẻ quan điểm và góc nhìn về vấn đề này.
Cụ thể, kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh Quảng Nam diễn ra ngày 19/4 vừa qua đã thu hút đông đảo sự chú ý của cộng đồng mạng với câu thoại "Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố" trong bộ phim Reply 1988 và trích dẫn trong bài viết của nhà báo Trần Thu Hà: "Mẹ tuy nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính bản thân mình nữa".
Với đề bài có tính mở và giúp thí sinh tự do sáng tạo bày tỏ quan điểm, đề thi học sinh giỏi Ngữ văn của tỉnh Quảng Nam đã nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh toàn quốc. Trên khắp các diễn đàn mạng, nhiều cư dân mạng sôi nổi bày tỏ ý kiến, quan điểm.
Bạn Trang Le viết: "Người con là một cá thể, một thế giới riêng biệt không ai giống ai, nên nói lần đầu làm bố của con cũng đúng, đó là sự tôn trọng với con cái của mình. Ngoài đời thực sẽ không ngắn gọn và thể hiện rõ cảm xúc như trong phim, nên tình cảm phải cần thời gian mới thấu. Thử hỏi, ai làm cha mẹ mà chưa từng la mắng hay tức giận con mình, thử hỏi ai làm con mà chưa từng thấy bất công, giận hờn mẹ cha.
Thông điệp mà đề bài muốn gửi gắm ở đây là lòng bao dung và yêu thương trong gia đình, đặc biệt là con đối với cha mẹ, lâu nay chúng ta chỉ quen với hi sinh của ba mẹ với con cái mà quên mất phần ngược lại, cha mẹ cũng cần con cái yêu thương, bao dung".
Bạn Nguyễn Jasmin cho rằng: "Bố lần đầu tiên làm bố nhưng con cũng mới lần đầu làm con. Bố đã từng làm con nhưng con thì chưa từng làm bố. Bởi vậy trước khi làm bố mẹ thì hãy tìm hiểu kiến thức, trang bị cho mình những thứ cần thiết rồi hẵng sinh con chứ. Mong người làm bố mẹ có thể nhẫn nại để hiểu con mình hơn, hiểu được hạnh phúc thực sự mà các con muốn là gì. Và mong rằng các con cũng sẽ thấu hiểu cho bố mẹ, tất cả cũng vì yêu con lo cho tương lai của con. Thi thoảng hãy ngồi xuống nhâm nhi tách trà tâm sự cùng nhau, lắng nghe và thấu hiểu mới có thể bền chặt".
Mở rộng quan điểm, bạn Trang Thuy bình luận: "Vấn đề ở đây chính là ba mẹ đã từng ở tuổi con nhưng lại là thời đại trước, thời gian tạo ra những thay đổi rất lớn, dẫn đến những áp lực của con cái khác với ba mẹ ngày xưa. Và dù là con cái hay ba mẹ thì đều là người, đều có tư duy, việc chúng ta cần làm là bỏ đi định kiến, tìm phương thức thích hợp để giao tiếp, nói chuyện với con. Việc bỏ đi tư tưởng rằng: 'ba mẹ đã từng làm con thì làm sao không hiểu con mình nghĩ gì' để ngồi lại nói chuyện với con chính là cho con cơ hội để hiểu hơn về ba mẹ cũng như cho chính bậc làm ba mẹ cơ hội để hiểu hơn về con. Về đề văn, mình thấy đó như là một cơ hội để những người làm con có thể tìm hiểu về khó khăn của bậc cha mẹ. Và dù nó là sự thấu hiểu không đầy đủ do thiếu trải nghiệm thì cũng là góc nhìn của con. Chúng ta đặt vị trí mình là người khác để thấu hiểu hơn về nhau".
Trong đó, một số bạn khác lại bày tỏ ý kiến trái chiều về đề thi này:
Bạn Vũ Ngọc Thiện thẳng thắn: "Những người thấy đề văn hay đa số là những người trẻ đang làm cha mẹ rồi, và đọc đề văn họ thấy thật thấm cho nỗi lòng của chính mình. Cha mẹ đều lớn lên từ vị trí người con nên sẽ hiểu con, còn con trẻ chưa từng làm cha mẹ sẽ khó hiểu vị trí cha mẹ."
"Chỉ lấy 1 câu thoại của bộ phim thì làm sao thí sinh có thể phân tích được khi muốn hiểu câu nói đã phải xem qua ít nhất 10 tập. Mà câu đó nghe thì cảm động nhưng so với hoàn cảnh nhân vật thì không cảm động chút nào. Và với góc độ là người con đã có gia đình và chưa thì cảm nhận đã khác rồi. Tuy nhiên cả 2 ví dụ đều thiên về hướng người đọc phải làm cha làm mẹ mới thấu hiểu được cha mẹ. Lúc mình còn nhỏ sao mình biết được tầm tuổi mẹ lập gia đình, có con nó khó khăn đến mức nào, đau đẻ chăm con mệt ra sao. Có cảm nhận thì là thấu hiểu nỗi lòng cha mẹ chăm sóc nuôi dạy mình khi mình đã có nhận thức. Còn để thấu hiểu về hành trình làm cha mẹ thì học sinh cấp 3 sao đã làm cha mẹ đâu mà biết ngọn ngành. Nếu lấy ví dụ trong đề bài để cảm nhận thì mình nghĩ lập gia đình rồi mới thực sự thấu hiểu còn không cũng là tưởng tượng rồi qua lời kể viết nên", bạn Trương Hà Phương Anh chia sẻ.