Ban vẫn nở ở vùng đất 'Ngã ba biên'

Tự hào là những người bảo vệ an ninh biên giới trên mảnh đất cực Tây của Tổ quốc, đoạn ngã ba biên giới giáp với Trung Quốc và Lào, những năm qua, các chiến sĩ 'quân hàm xanh' ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên luôn làm tốt công tác phối hợp với người dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới và phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù số hộ nghèo còn chiếm tới hơn 60%, song mảnh đất miền đất cực Tây này đang từng bước chuyển mình hứa hẹn trở thành 'điểm sáng' về kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng, an ninh ở vùng đất 'Ngã ba biên'.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn trước lúc chia tay

Sau một ngày tặng quà tại trường Tiểu học và khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho hơn 200 đồng bào dân tộc tại xã Leng Su Sìn, chúng tôi đến thăm các chiến sĩ quân hàm xanh Đồn Biên phòng Leng Su Sìn. Đón đoàn, Thượng úy Phạm Văn Đông kể những câu chuyện dài về mảnh đất thép Điện Biên và hành trình bảo vệ sự bình yên nơi phên dậu của Tổ quốc.

Đồn Biên phòng Leng Su Sìn tọa lạc trên một khu đất cao hướng ra quốc lộ, sát cạnh là Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ. Những dãy ban đang đua nhau nở những chùm hoa trắng muốt từ đài tưởng niệm lên đến tận sân đồn, tạo nên vẻ đẹp thanh khiết, bình yên và thơ mộng. Tiếp xúc với các chiến sĩ, được nghe kể nhiều câu chuyện về sự hy sinh, vất vả của các chiến sĩ quân hàm xanh, mới thấm thía, đằng sau sự bình yên và thơ mộng ấy là những con người luôn thức xuyên đêm, là mồ hôi và cả máu trong những “cuộc chiến thời bình” khi phá án.

Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên dài 25km tiếp giáp với Lào, những năm qua, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn luôn làm tốt công tác an ninh trật tự nơi biên giới. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, người dân đã cung cấp nhiều nguồn tin giá trị, góp phần phá nhiều vụ án nguy hiểm. Trong đấu tranh với tội phạm, họ cương nghị là thế, nhưng khi kể về “chính mình”, chợt giọng nói của các anh chợt trầm lại.

Theo Trung tá Phan Ngọc Toản, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn: Cả năm có một tháng phép về thăm nhà, mọi người thay phiên nhau sao cho hợp lý. Những năm vừa rồi Covid-19, nhiều chiến sĩ suốt mấy năm chưa được về thăm quê. Trung tá Toản trải lòng: “Có chiến sĩ vợ ở quê “vượt cạn” một mình, khi con biết gọi bố mà vẫn chưa một lần được nhìn mặt. Những lúc nhớ vợ, thương con chỉ biết động viên từ xa. Rồi những khi phá án, anh em phải “mưa dầm, cơm vắt” cả tuần trời lạnh lẽo ngoài biên. Thương các chiến sĩ lắm, nhưng cũng rất tự hào vì đây là nhiệm vụ thiêng liêng Tổ quốc trao cho mình!”.

Cẩn thận xếp từng hộp thuốc vào tủ ngăn nắp và đúng chủng loại, Thiếu tá Nguyễn Đức Diện, quân y đồn như nói với chính mình: “Cơ số thuốc này đoàn vừa tặng rất cần thiết với đồng bào. Ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, các chiến sĩ còn thay nhau giúp bà con làm nương rẫy và dạy họ cách trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, địa bàn rộng, chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với y tế xã trong việc chăm lo sức khỏe cho bà con đồng bào các dân tộc”. Trầm ngâm một hồi, Trung tá Trịnh Thế Gia, Phó Đồn trưởng chia sẻ: “Xa nhà, chúng tôi càng thấm thía tình quân dân cá nước. Anh em luôn lăn lộn, gắn bó mật thiết với dân, luôn lấy dân làm điểm tựa để giữa gìn chủ quyền, an ninh biên giới theo đúng phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Sáng sớm, sương bay lảng bảng. Những hàng hoa ban thấp thoáng sau những đám sương mù bạc. Cung đường từ Leng Su Sìn dẫn lên A Pa Chải dài 30km khá dễ đi, đèo dốc uốn lượn quanh co, mềm mại, bên đường, những thửa ruộng bậc thang lúa đang thì con gái. Những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc trên các sườn núi, ẩn hiện sau những tán cây rừng, khiến cung đường trở nên ngắn lại.

Đoàn công tác chụp ảnh bên cột mốc số 0

Con đường mòn 9km từ A Pa Chải lên mốc số 0 xuyên qua trùng điệp rừng già, có đoạn được đổ bê tông nhỏ như sợi chỉ, ngoằn ngoèo gấp khúc bên vách núi cheo leo. Nhiều đoạn bị sạt, xóc nổ đom đóm mắt. Dốc dựng đứng, trơn trượt, không may lạc tay lái là có thể lao thẳng xuống vực, nếu không cũng đâm vào vách núi. Ngồi sau xe, thầy Đoàn Công Trường, giáo viên Trường Tiểu học xã Nhân Nghĩa (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) mặt tái nhợt bởi những pha xử lý hết sức chuyên nghiệp của Thượng úy Biên phòng Nguyễn Văn Thắng. Theo thầy Hoàng Văn Triều, giáo viên Trường Tiểu học Leng Su Sìn: Cách đây chục năm trước, để lên được đỉnh cao thiêng liêng này phải đi bộ băng rừng leo núi mất cả ngày. Giờ đây, đi được thế này cũng là sự thay đổi rất lớn đối với vùng đất cực Tây.

Leo qua 541 bậc thang và 29 chiếu nghỉ dài gần 1.000m bằng đá hoa cương, chúng tôi đã đặt chân lên cột mốc số 0 A Pa Chải. Mốc nằm trên độ cao 1.866m, thuộc địa phận bản Tá Miếu, được hoàn thành vào ngày 5/7/2005. Toàn bộ cột mốc được làm bằng đá granit, nằm trên bệ đá hình lục giác, ngoài cùng là khối vuông với diện tích 5x5m. Cột mốc cao 2m với 3 mặt quay về 3 hướng, trên mỗi mặt là tên và Quốc huy của mỗi quốc gia. Mốc nằm trên đỉnh núi cao Khoan La San, nhìn về phía nước ta mênh mông hùng vĩ là điệp trùng của núi rừng Tây Bắc.

Thầy Hà Xuân Đức (Trường Trung học cơ sở Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) run run sờ tay vào cột mốc, ngắm từng thớ đá, nước mắt rưng rưng. Thu Trang, Nguyễn Hằng và Nguyệt Hà cầm lá cờ đỏ sao vàng vẫy tung tăng trên đỉnh cao lộng gió. Cả đoàn thi nhau chụp ảnh. Được khoác lên mình lá cờ đỏ sao vàng đứng bên cạnh cột mốc số 0, ai cũng dâng trào cảm xúc thiêng liêng, khó nói thành lời, lòng tự hào dân tộc và trân quý từng tấc đất biên cương dâng cao trong lòng mỗi thành viên trong đoàn.

Nằm ở lưng chừng núi, lối vào Đồn Biên phòng A Pa Chải là hai hàng hoa ban đang nở hoa trắng muốt đan xen vào nhau, tạo nên một vòng cây râm mát từ cổng lên tới tận sân đồn. Đồn Biên phòng A Pa Chải có nhiệm vụ quản lý 40,5km đường biên giới, tiếp giáp với Lào và Trung Quốc, trong đó có cột mốc số 0. Theo Đồn trưởng, Trung tá Đặng Văn Tuấn: Đường biên dài, địa hình phức tạp là nhiệm vụ nặng nề cho không chỉ cán bộ, chiến sĩ của đồn mà cả bà con các dân tộc tại địa phương trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh nơi phên dậu Tổ quốc.

Vùng đất cửa khẩu A Pa Chải khá bằng phẳng với những ngọn đồi thấp san sát ngay giáp đường biên. Thầy Cà Văn Tâm chia sẻ: Tiếng người Hà Nhì sống tại Sín Thầu, A Pa Chải có nghĩa là “vùng đất bằng phẳng, rộng lớn”. Dẫn chúng tôi dạo thăm một vòng lên cửa khẩu, chỉ tay về phía những ngọn đồi, Trung tá Đặng Văn Tuấn chia sẻ: “Không xa, nơi này sẽ trở thành một khu du lịch, kinh tế sầm uất với nhiều dự án sắp được xây dựng”.

Theo Trung tá Tuấn: “Bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chúng tôi còn đảm bảo công tác an ninh, trật tự để đón người dân mọi miền về thăm A Pa Chải. Những năm gần đây, đồn đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của mốc số 0. Qua đó, người dân đã đổ về chinh phục mảnh đất cực Tây thiêng liêng này ngày một đông dần. Đó là những “tín hiệu vui” trong việc phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Huyện ủy Mường Nhé đã ban hành nhiều nghị quyết để phát huy tiềm năng, thế mạnh trên vùng đất cực Tây. Đặc biệt, Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 19/5/2021 của Huyện ủy về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé sẽ hứa hẹn những đột phá trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch mà không địa phương nào có được”.

Tiếng gà gáy xé toang màn đêm yên tĩnh. Núi rừng trở sáng, những ánh bình minh đầu tiên chiếu rọi xua dần màn sương se lạnh. Miên man trong những câu chuyện dài về con người và mảnh đất cực Tây, tôi chợt bừng tỉnh để vội vàng tận hưởng hương vị nồng nàn từ sắc trắng hoa ban đang kỳ nở rộ. Nhất định tôi sẽ trở lại mảnh đất này để thấy sự bình yên và chứng kiến sự “thay da, đổi thịt”, bởi tôi tin rằng, một ngày không xa, A Pa Chải sẽ “chuyển mình”, trở thành “điểm sáng” về kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng, an ninh ở vùng đất “Ngã ba biên”.

Thanh Hội (Báo Biên phòng)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-phong-an-ninh/ban-van-no-o-vung-dat-nga-ba-bien/209173.htm