Bàn về các giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường ở Nghệ An
Bạo lực học đường là một trong những vấn đề 'nóng' trong thời gian gần đây. Tại phiên chất vấn, Giám đốc sở GD&ĐTđưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường.
Chiều 6/7, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tiếp tục với phiên chất vấn về thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo thống kê của ngành giáo dục, trong 3 năm gần đây đã xảy ra 137 sự việc bạo lực học đường. Cụ thể năm 2021 có 41 vụ (trong đó có 13 vụ bạo lực trong trường học và 28 vụ bạo lực ngoài trường học; năm 2022 xảy ra 4 vụ (trong đo 28 vụ trong nhà trường, 17 vụ ngoài nhà trường; trong 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 51 vụ ( trong đó có 12 vụ trong nhà trường và 39 vụ ngoài nhà trường) chủ yếu là các hành vi xô xát của học sinh. Trong đó, có một số vụ việc bạo lực xảy ra ngoài nhà trường có quay lại clip đưa lên mạng gây bức xúc.
Theo đại biểu Hồ Văn Đàm (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), thực trạng bạo lực trong lứa tuổi học đường đáng báo động, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của trẻ mà còn đe dọa đến an toàn, an ninh trường học. Đại biểu Đàm lo lắng khi xuất hiện tình trạng "bạo lực trắng" như tẩy chay, gây áp lực tâm lý và bạo lực trên không gian mạng có dấu hiệu gia tăng về số vụ cũng như mức độ. Đại biểu Đàm đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ thực trạng này ở Nghệ An và giải pháp để ngăn chặn?
Đại biểu Nguyễn Công Văn (huyện Nghi Lộc) nêu hiện tượng: “Trên lớp thì trò không sợ thầy, không kính thầy; ra đường người già sợ trẻ nhỏ; về nhà cha, mẹ nịnh con cái”. Giám đốc Sở GD&ĐT đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Trong khi đó, đại biểu Chu Đức Thái (huyện Diễn Châu) nêu câu hỏi liên quan đến hành vi ứng xử không đúng của một số học sinh và phụ huynh. Vấn đề này liêu làm giảm tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo?
Về vấn đề đại biểu Hồ Văn Đàm nêu, ông Thái Văn Thành, Giám đốc sở GD&ĐT thừa nhận thực trạng trên. Ông Thành cho biết, thời gian qua, mặc dù Bộ GD&ĐT chưa có chương trình, nhưng ngành giáo dục Nghệ An đã chủ động đưa nội dung giáo dục về kỹ năng giao tiếp, hành vi ứng xử trên môi trường mạng cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ngoài ra, các nhà trường, ngành tăng cường thực hiện các mô hình giáo dục, thành lập các tổ tư vấn tâm lý học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, từ đó, trang bị cho học sinh những kỹ năng sống, giá trị sống và các hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường.
Về vấn đề đại biểu Nguyễn Công Văn nêu, Giám đốc sở GD&ĐT thừa nhận có biểu hiện này trong xã hội, nhưng không phổ biến, không phải có ở tất cả các nhà trường mà chỉ có một số trường, địa phương trong cả nước.
Ngành đã có nhiều chương trình để hạn chế tối đa các biểu hiện trên. Đối với học sinh khi có các hành vi ứng xử chưa chuẩn mực đối với nhà giáo thì tổ chức các hoạt động giáo dục tích cực từ tổ tư vấn tâm lý trong các nhà trường và tổ chức Đoàn, Đội, Hội trong nhà trường; đường dây “nóng”; hòm thư “điều em muốn nói”… để các em học sinh phản ánh những mong muốn hoặc tố giác những biểu hiện xúc phạm đối với các thầy, cô giáo. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức… để tạo dựng các môi trường giáo dục trong và ngoài nhà trường…
Đối với cha mẹ học sinh, trong thời gian tới sẽ tăng cường việc cung cấp kiến thức giáo dục nhằm thống nhất phương pháp, biện pháp giáo dục; cung cấp, chia sẻ thông tin khi phát hiện những biểu hiện của học sinh; thống nhất theo dõi, đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh.
Trả lời câu hỏi chất vấn của Chu Đức Thái, Giám đốc sở GD&ĐT cho biết, quan điểm của ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đặt ra đối với đội ngũ giáo viên là phải giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm và lòng yêu thương; nếu giáo viên thực sự giáo dục học sinh bằng tất cả tình yêu thương thì các cháu học sinh và cha mẹ học sinh sẽ rất quý trọng và biết ơn giáo viên; khi đó, nếu trong ứng xử có biểu hiện nóng tính thì học sinh và cha mẹ học sinh cũng dễ dàng bỏ qua; ngược lại, nếu giáo viên không quan tâm giáo dục học sinh, dạy cho hết nhiệm vụ, khi “động vào” các cháu thì dễ bức xúc, nảy sinh mâu thuẫn.
Nói về công tác phòng chống bạo lực học đường, ông Thành nhấn mạnh, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; thực hiện hiệu quả mô hình “Công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học” để kịp thời phát hiện, tư vấn, hỗ trợ, ngăn ngừa BLHĐ; nhân rộng mô hình “Trường học hạnh phúc”; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị- xã hội, để hiện tốt các giải pháp chăm sóc, giáo dục trẻ giáo dục học sinh, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường.
Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn; chủ động nắm bắt tình hình, đối tượng gây bạo lực học đường và có nguy cơ gây bạo lực (kể cả trực tiếp và trên không gian mạng) để có biện pháp giáo dục, răn đe,…