Bàn về đề xuất bỏ 2 tình tiết định khung của tội giết người
Nhiều tranh cãi xung quanh đề xuất bỏ các trường hợp là tình tiết định khung như giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm...
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương mới đây, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu giảm bớt hình phạt tử hình.

Quang cảnh một phiên tòa hình sự tại TAND Cấp cao tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều ý kiến đã đề xuất ý ngoài việc bỏ án tử hình ở một số tội danh thì cần rà soát để thu hẹp phạm vi các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội.
Trong đó, TS Lê Nguyên Thanh, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, nêu quan điểm: Đối với tội giết người, cân nhắc bỏ các trường hợp là tình tiết định khung tại khoản 1 Điều 123 BLHS như giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác.
"Ở đây, người phạm tội đã phải chịu hình phạt đối với những tội độc lập, vì thế không coi tội này là tình tiết định khung tăng nặng của tội kia, biết rằng quy định này có cân nhắc ý thức của người phạm tội khi thực hiện tội giết người", TS Lê Nguyên Thanh nói.
Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu các ý kiến bàn luận xung quanh quan điểm của TS Lê Nguyên Thanh:
Luật sư TRƯƠNG NGUYỄN CÔNG NHÂN, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Giữ nguyên để đảm bảo răn đe và phòng ngừa
Việc nhà làm luật quy định tình tiết định khung hình phạt này là nhằm đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người trong trường hợp liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng đã tăng lên đáng kể, cao hơn so với các trường hợp giết người thông thường khác.

LS TRƯƠNG NGUYỄN CÔNG NHÂN
Bởi người phạm tội tuy đã thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng nhưng không biết ăn năn, hối cải, nhận thức rõ lỗi lầm của mình mà lại tiếp tục thực hiện hành vi giết người hoặc người phạm tội tuy đã thực hiện hành vi giết người, tước đoạt đi quyền được sống của con người nhưng không biết ân hận, day dứt mà còn tiếp tục thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng khác. Trong trường hợp này, người phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người và tội phạm rất nghiêm trọng mà mình đã thực hiện.
Tôi ủng hộ quan điểm vẫn giữ các trường hợp quy định tại điểm e, g khoản 1 Điều 123 nêu trên là tình tiết định khung đối với tội Giết người quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS. Có như thế, mới bảo đảm tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung của pháp luật đối với người phạm tội.
Luật sư TRẦN VĂN GIỚI, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Giữ nguyên vì đã quy định phù hợp
Ở hai tình tiết định khung này việc che giấu tội phạm hoặc để thực hiện một tội phạm khác phải có mối quan hệ, liên quan mật thiết với tội giết người. Ví dụ: Giết người để cướp tài sản hoặc giết người để bịt đầu mối, tránh bị người khác phát giác.
Luật sư TRẦN VĂN GIỚI
Dù quy định là tình tiết định khung ở khoản 1 (khung hình phạt cao nhất là tử hình) nhưng tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, tội phạm khác mà tòa án sẽ quyết định mức hình phạt phù hợp. Do đó, không nhất thiết trường hợp nào khi rơi vào hai tình tiết định khung này cũng bị áp dụng mức án tử hình.
Theo tôi cần giữ nguyên tình tiết định khung này vì vẫn phù hợp.
Luật sư PHÙNG VĂN HIỆU, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương:
Cần đánh giá toàn diện các tình tiết khách quan
Theo tôi, đây là một ý kiến cần phải được nghiên cứu, đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố khác nhau của hệ thống pháp lý và mục đích của hình phạt.
Hai tình tiết định khung nêu trên không phải là những tình tiết định khung mới theo BLHS 2015 mà đã xuất hiện trong BLHS 1999 (Điều 93). So với BLHS năm 1985 (Điều 101), tình tiết định khung "giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" có sự thay đổi đáng kể so với quy định trước đó ở chỗ trước đây chỉ áp dụng khi "giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội nghiêm trọng khác” (Điều 101 BLHS 1985).
Sự thay đổi này cho thấy việc xuất hiện hai tình tiết định khung này tại Điều 123 là cần thiết và chưa xuất hiện nhiều bất cập trong quá trình thi hành BLHS và công tác xét xử các vụ án hình sự liên quan đến các tình tiết định khung này.
Theo tôi, cần thiết giữ lại hai tình tiết định khung này bởi nó mang lại một số ý nghĩa nhất định, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Tăng cường tính răn đe và phòng ngừa chung đối với tội phạm.

Luật sư PHÙNG VĂN HIỆU
Việc giữ các tình tiết định khung này có thể có tác dụng răn đe đối với những cá nhân có ý định thực hiện các tội phạm nghiêm trọng và sử dụng giết người để che giấu tội phạm. Đây là những hành vi rất nguy hiểm cho xã hội và cần phải xử nghiêm để ngăn ngừa tội phạm, duy trì sự ổn định của xã hội và đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về tính mạng đã được Hiến định.
Thứ hai: Đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và xét xử đúng mức nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Các tình tiết này phản ánh mức độ nguy hiểm cao của hành vi giết người trong một bối cảnh phạm tội phức tạp và góp phần thực hiện tốt các chính sách phòng ngừa tội phạm của quốc gia. Việc giữ lại các tình tiết này có thể giúp xét xử đúng mức độ nghiêm trọng của hành vi, không chỉ dựa trên hành vi giết người mà còn trong bối cảnh phạm tội liên quan.
Thứ ba: Đảm bảo hình phạt tương xứng ý thức và mục đích của người phạm tội
Tình tiết "giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác" thể hiện một ý thức phạm tội rất rõ ràng và mục đích xấu, có thể ảnh hưởng đến tính chất của hành vi giết người.
Việc giữ các tình tiết này sẽ giúp đảm bảo rằng người phạm tội sẽ chịu hình phạt tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Do đó, việc bỏ hay giữ lại các tình tiết định khung nêu trên phụ thuộc vào quan điểm về mục đích của hình phạt trong hệ thống pháp luật và tình hình về tội phạm liên quan tới hành vi giết người.
Hiện nay mục đích quan trọng của hình phạt vẫn là duy trì sự nghiêm khắc và răn đe đối với các hành vi phạm tội liên quan đến giết người nên theo tôi việc giữ lại các tình tiết này là hợp lý.
Tuy nhiên, khi vận dụng các tình tiết định khung này, cơ quan tố tụng cần đánh giá toàn diện các tình tiết khách quan thông qua chuỗi hành vi khách quan của người thực hiện tội phạm và động cơ mục đích của họ.
Thạc sĩ-Luật sư HOÀNG KIM MINH CHÂU, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Cần bỏ để một hành vi không bị kết án hai lần
Trong các tình tiết định khung hình phạt của tội giết người (Điều 123 BLHS), tình tiết quy định tại điểm e khoản 1 được hiểu theo tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết số 04 năm 1986 của HĐTP TAND Tối cao (đến nay chưa có văn bản hướng dẫn nào thay thế) thì liền trước đó hoặc ngay sau đó là vừa kết thúc tội phạm trước đã thực hiện ngay tội phạm sau. Người phạm tội có tính nguy hiểm cao thì phải bị xử lý về hai tội (tội giết người và tội nghiêm trọng khác). Hình phạt được quyết định đối với mỗi tội phạm và tổng hợp thành hình phạt chung.
Thạc sĩ-Luật sư HOÀNG KIM MINH CHÂU
Thông thường khi áp dụng tình tiết này các cơ quan tố tụng sẽ dựa trên thời gian để xác định. Cụ thể, hành vi giết người được thực trong khoảng thời gian vài giờ hoặc là trong ngày so với hành vi phạm tội trước đó hoặc ngay sau đó. Nếu tội phạm thực hiện trước đó hoặc ngay sau đó có khoảng cách nhất định không còn liền với hành vi giết người thì khó có thể áp dụng tình tiết này.
BLTTHS đã quy định nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. Điều này đồng nghĩa với việc một người chỉ bị xét xử một lần đối với một hành vi phạm tội.
Trên thực tế, một người có thể thực hiện nhiều hành vi phạm tội, mỗi hành vi phạm tội đủ dấu hiệu để cấu thành một tội phạm theo quy định của BLHS thì khi đó người này sẽ bị xét xử về nhiều tội danh.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp một hành vi phạm tội lại thỏa mãn dấu hiệu của nhiều tội danh thì khi đó việc xác định tội danh cần dựa trên khoa học pháp lý hình sự.
Theo đó, hành vi phạm tội có dấu hiệu cấu thành tội danh có khung hình phạt nặng hơn sẽ có xu hướng thu hút tội danh có khung hình phạt nhẹ hơn để xử lý về tội có khung hình phạt nặng thay vì xử lý về cả hai tội. Ngoài ra, trường hợp này cần đáp ứng điều kiện đủ là tình tiết định khung ở tội danh nặng hơn phải lớn hơn tổng khung hình phạt ở cấu thành cơ bản nếu xử lý hai tội.
Điều này đúng với tinh thần tại Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ số 233/TANDTC-PC năm 2019 của TAND Tối cao: "Trường hợp người thực hiện một hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn".
Quay trở lại với tình tiết định khung này, rõ ràng tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện liền trước hoặc liền sau tội giết người thì đã cấu thành một tội phạm độc lập. Tức người phạm tội đã liên tiếp trong thời gian ngắn phạm hai tội. Và tội rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng là căn cứ, tình tiết để định khung hình phạt đối với tội giết người.
Tuy nhiên cũng cần cân nhắc, xét xét lại bởi hành vi phạm tội rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng đã được xử lý, chịu trách nhiệm về một tội phạm độc lập. Sau đó cũng vì hành vi của tội phạm độc lập đó dùng làm tình tiết để định khung tội giết người.
Xét sâu xa thì hành vi phạm tội rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng đang phải chịu trách nhiệm hai lần, có gì đó chưa phù hợp đối với nguyên tắc xử lý của pháp luật hình sự. Do vậy, theo tôi cần xem xét điều chỉnh lại hoặc loại bỏ tình tiết này.