Bàn về định hình các khuôn khổ pháp lý và đạo đức cho AI

DNVN – Trường Khoa học vì Hòa bình 2025 tập trung vào việc khám phá khuôn khổ toàn cầu và cách tiếp cận đa phương đối với quản trị AI, các khía cạnh lý thuyết và ứng dụng của AI trong công việc nghị viện cũng như vai trò của AI trong việc thúc đẩy sự chung sống hòa bình.

Từ SESAME (Jordan), TS Trần Thanh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), cho biết đang đại diện cho trung tâm tham dự Trường Khoa học vì Hòa bình 2025 với chủ đề "Tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến công việc nghị viện: AI, ý thức và đạo đức của con người".

Các nhà khoa học, nghị sĩ, nhân viên quốc hội các nước tham dự Trường Khoa học vì Hòa bình IPU tại SESAME, Jordan.

Các nhà khoa học, nghị sĩ, nhân viên quốc hội các nước tham dự Trường Khoa học vì Hòa bình IPU tại SESAME, Jordan.

Diễn ra từ ngày 5 - 9/5, sự kiện do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Trung tâm Toàn cầu King Hamad về chung sống hòa bình (KHGC) và Trung tâm Ánh sáng Synchrotron cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng ở Trung Đông (SESAME) phối hợp tổ chức. Nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa khoa học và chính trị, tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại và xây dựng cộng đồng các chuyên gia nghị viện để cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu dựa trên nền tảng khoa học.

Sự kiện có sự tham gia của hơn 50 nghị sĩ, các nhà khoa học, các chuyên gia về AI và các bên liên quan khác từ khắp nơi trên thế giới. Các diễn giả nổi bật bao gồm Tổng Thư ký IPU, Chủ tịch Hội đồng khoa học SESAME, Chủ tịch Nhóm công tác về Khoa học và Công nghệ của IPU và các giáo sư, chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI và ngoại giao khoa học.

Đại sứ Mokhtar Omar - Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phát biểu khai mạc.

Đại sứ Mokhtar Omar - Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phát biểu khai mạc.

GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE, phát biểu trực tuyến tại lễ khai mạc.

GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE, phát biểu trực tuyến tại lễ khai mạc.

GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam), Giám đốc Trung tâm ICISE, đã có bài phát biểu trực tuyến nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nghị sĩ trong việc định hình các khuôn khổ pháp lý và đạo đức cho AI. Đồng thời khẳng định ICISE là một trung tâm uy tín tại khu vực Đông Nam Á và Đông Á, góp phần cùng IPU thúc đẩy hợp tác khoa học và ngoại giao khoa học trên toàn cầu.

Theo TS Trần Thanh Sơn, đây là phiên bản thứ hai của Trường Khoa học vì Hòa bình (IPU School Science for Peace), tiếp nối thành công của phiên bản đầu tiên có chủ đề về nước được tổ chức tại Geneva năm 2022 và Hội nghị Khoa học vì Hòa bình: "An ninh và mất an ninh nguồn nước - tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học", tổ chức tại Trung tâm ICISE Quy Nhơn, Việt Nam năm 2023.

Thành công của hội nghị năm 2023 tại ICISE đã truyền cảm hứng cho việc khởi động kế hoạch 5 năm mang tên “Khoa học vì Hòa bình”, với sự hỗ trợ của Trung tâm KHGC. Năm 2025, được dành riêng cho chủ đề khoa học và AI, bao gồm ba cột mốc: trường mùa xuân tại SESAME, hội nghị liên nghị viện mùa thu tại ICISE và sự kiện cấp cao tại Bahrain vào cuối năm.

Bà Margareta Cederfelt - Nghị sĩ Thụy Điển, Chủ tịch Nhóm công tác về Khoa học và Công nghệ của IPU, phát biểu tại lễ khai mạc.

Bà Margareta Cederfelt - Nghị sĩ Thụy Điển, Chủ tịch Nhóm công tác về Khoa học và Công nghệ của IPU, phát biểu tại lễ khai mạc.

Sự kiện đầu tiên, Trường Khoa học vì Hòa bình năm nay tại SESAME phản ánh quyết tâm ngày càng lớn của các nghị sĩ và các nhân viên quốc hội các quốc gia trong việc tìm hiểu về AI, tự đào tạo và dự đoán các tác động của nó.

Sự kiện thứ hai tiếp theo với hình thức là một diễn đàn đối thoại, trao đổi giữa các nhà khoa học và các nghị sĩ sẽ diễn ra từ ngày 9 – 12/9 tại ICISE – trung tâm khoa học và giáo dục liên ngành uy tín được công nhận, với hơn 16.500 nhà khoa học đến từ hơn 60 quốc gia, trong đó có 18 Giáo sư Nobel và hàng trăm nhà khoa học danh tiếng khác.

Trong đó, các chương trình nghị sự tập trung vào việc khám phá các khuôn khổ toàn cầu và các cách tiếp cận đa phương đối với quản trị AI, các khía cạnh lý thuyết và ứng dụng của AI trong công việc nghị viện, cũng như vai trò của AI trong việc thúc đẩy sự chung sống hòa bình.

TS Trần Thanh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm ICISE, cùng các đại biểu tham dự chương trình.

TS Trần Thanh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm ICISE, cùng các đại biểu tham dự chương trình.

Đặc biệt, sự kiện sẽ giới thiệu hai mô-đun AI mới mang tính đột phá: trợ lý AI cho công việc nghị viện - phiên bản 1 (AIA1) và trợ lý AI cho tham gia tương tác trong các cuộc họp - phiên bản 1 (AIP Ed1). Nhằm mục đích trang bị cho những người tham gia kinh nghiệm thực tế về tích hợp các công cụ AI vào thực tiễn nghị viện và quản trị. Các công cụ này được ứng dụng trực tiếp ngay trong sự kiện tại SESAME để những người tham dự có thể trực tiếp trải nghiệm.

Trường Khoa học vì Hòa bình (IPU School Science for Peace) là một phần trong kế hoạch 5 năm "Khoa học vì Hòa bình", nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác khoa học vì mục tiêu chung sống hòa bình và cung cấp một nền tảng đối thoại giữa các nghị viện.

Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Trung tâm Ánh sáng Synchrotron cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng ở Trung Đông (SESAME) và Trung tâm Toàn cầu King Hamad về chung sống hòa bình (KHGC) là 3 đối tác của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) trong việc tổ chức các hoạt động thuộc chương trình Khoa học vì Hòa bình 2025-2030.

Minh Thảo

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/ban-ve-dinh-hinh-cac-khuon-kho-phap-ly-va-dao-duc-cho-ai/20250506104710821