'Bản vẽ' định hình tương lai phát triển của Đồng Nai
Tích hợp tất cả các quy hoạch, được lập trong giai đoạn phát triển đặc biệt nên quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là 'bản vẽ' định hình tương lai phát triển của Đồng Nai.
Trong dự thảo đồ án quy hoạch tỉnh, “kết nối - hội nhập - cất cánh” là 3 từ khóa chủ đạo thể hiện phương châm phát triển của tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050.
Xây nền móng để Đồng Nai phát triển
Quy hoạch tỉnh là một khâu quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý tổng hợp về quy hoạch phát triển trên địa bàn của mỗi địa phương.
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt “nhân tố” thúc đẩy phát triển mới như cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, thời gian tới, Đồng Nai có tiềm năng rất lớn để phát triển. Do đó, vai trò của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 càng trở nên đặc biệt quan trọng; bởi quy hoạch chính là “chìa khóa” quyết định của sự phát triển.
“Đồng Nai đang đứng trước một “khúc cua” mà những quyết định trong quy hoạch sắp tới sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh trong hàng trăm năm tới” - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận về tầm quan trọng của đồ án quy hoạch tỉnh.
Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, đại diện liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh cho hay, quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên các quan điểm xuyên suốt gồm: lấy người dân làm trung tâm; phát triển có chọn lọc; phát huy thế mạnh, tiềm năng; hướng tới tương lai và bền vững.
Với quan điểm đó, đồ án quy hoạch tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai là một nền kinh tế năng động, là động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh cũng sẽ là địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp hiện đại, là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cũng là cửa ngõ trung chuyển của miền Nam, lấy sân bay Long Thành làm hạt nhân. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành hệ thống đô thị ven sông, đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, tạo ra môi trường sống lý tưởng và bền vững. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và y tế hàng đầu cả nước được triển khai một cách hiệu quả, là nơi phát triển nhân lực chất lượng cao.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần thay đổi suy nghĩ trước đây là mảnh đất nào đẹp thì đem bán đấu giá. “Nay phải suy nghĩ lại, mảnh đất nào đẹp, có giá trị thì ưu tiên phục vụ cho con người, cho người dân. Nghĩa là mảnh đất đẹp, không gian đẹp thì ưu tiên quy hoạch xây trường học, các công trình văn hóa, thể thao… để phục vụ nhân dân”.
“Đến năm 2050, Đồng Nai sẽ là thành phố trực thuộc trung ương, một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo ra giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính Net-Zero 2050” - ông Bùi Đào Thái Trường chia sẻ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, quy hoạch tỉnh cũng xác định 4 lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong giai đoạn tới là trung tâm kinh tế cảng hàng không với sân bay Long Thành làm trọng tâm; trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào thương mại điện tử; trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đánh giá về dự thảo Đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, đồ án đã xác định được các nhiệm vụ trọng tâm đột phá, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng được các phương án phát triển các ngành kinh tế quan trọng cũng như phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hình hài mới cho Đồng Nai
Là “cái nôi” phát triển công nghiệp của cả nước, lâu nay Đồng Nai vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” công nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước xu thế phát triển mới đòi hỏi Đồng Nai phải thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tạo bước “chuyển mình” hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Trong quá trình đó, công nghiệp vẫn được xem là một trụ cột mà Đồng Nai cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển, nhưng sự phát triển đó sẽ có những thay đổi về chất.
Dự kiến hồ sơ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt vào đầu năm 2024.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng, trong phát triển công nghiệp thời gian tới, Đồng Nai nên có cách tiếp cận mới, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tỉnh cũng cần tạo dư địa phát triển cho các lĩnh vực khác.
“Ưu tiên của Đồng Nai trong giai đoạn tới là đô thị sân bay, dịch vụ logistics. Đồng Nai phải là trung tâm hội nhập quốc tế” - PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, quy hoạch tỉnh được xây dựng với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030. Theo đó, thay vì dựa chủ yếu vào một số ngành công nghiệp với hàm lượng giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, tỷ lệ lao động có tay nghề thấp, Đồng Nai sẽ chuyển đổi sang phát triển công nghiệp với hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn, các dự án thu hút phải đảm bảo yếu tố giảm phát thải.
“Đồng Nai sẽ xây dựng chiến lược thực hiện mục tiêu Net-Zero để hoàn thành mục tiêu này vào năm 2050” - ông Nguyễn Hữu Nguyên cho hay.
Cũng với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bên cạnh 4 trụ cột phát triển của tỉnh đã được xác định từ trước gồm: trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại; thành phố sân bay - trung tâm hội nhập quốc tế; chuỗi đô thị dịch vụ ven núi, ven sông, ven hồ đẳng cấp; nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững, Đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã bổ sung thêm một trụ cột phát triển mới, đáp ứng xu thế phát triển toàn cầu là phát triển bền vững theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
“Đây là mục tiêu xuyên suốt thời kỳ quy hoạch, góp phần hoàn thành mục tiêu Net-Zero năm 2050” - ông Bùi Đào Thái Trường cho hay.
Một “nhân tố” mới xuất hiện trong “bản vẽ” để góp phần tạo nên hình hài mới cho Đồng Nai trong thời gian tới cũng được xác định đó chính là sông Đồng Nai. Theo đó, hành lang phát triển sông Đồng Nai sẽ được quy hoạch phát triển xuyên suốt với định hướng phát triển đô thị, nông thôn và khu chức năng ven sông. Từ đó, tạo thành trục cảnh quan bộ mặt của tỉnh Đồng Nai.