Bàn về giải pháp huy động nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bằng sông Hồng

Cần có những giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư để hướng tới mục tiêu đưa đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; có nền công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Trong bài viết, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp để các nhà quản lý, hoạch định chính sách cùng tham khảo, góp phần xây dựng chính sách phục vụ cho việc phát triển vùng.

Tìm giải pháp huy động nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh tư liệu minh họa

Tìm giải pháp huy động nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh tư liệu minh họa

Dự báo nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư

Báo cáo tổng hợp Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tháng 4/2024) cho thấy, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế vùng trọng điểm này cần rất nhiều vốn đầu tư.

Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế đã lựa chọn, căn cứ trên thực tiễn huy động và sử dụng vốn đầu tư trên địa bàn vùng ĐBSH cũng như tính khả thi về huy động vốn đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho thời kỳ 2021-2030 để hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch ước khoảng 17,7 - 18,5 triệu tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 6,5 - 6,7 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là khoảng 11,1 - 11,8 triệu tỷ đồng.

Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo xu hướng giảm dần nguồn vốn từ khu vực nhà nước: đến năm 2030, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực này còn khoảng 18,5%; tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước khoảng 62,5%, tỷ trọng vốn đầu tư FDI khoảng 19%. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được cải thiện, hệ số ICOR bình quân thời kỳ 2021-2030 ước khoảng 5,8.

Dự báo về vốn đầu tư thời kỳ 2021-2030

Giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư

Đối với vốn của khu vực nhà nước

Các địa phương trong vùng cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và có các biện pháp để khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia.

Cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án của địa phương, liên tỉnh. Năm 2022, trên địa bàn vùng đã có 9/11 địa phương tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương, một mặt cho thấy đóng góp quan trọng của vùng vào sự phát triển chung của cả nước, mặt khác phản ánh những nỗ lực, sự chủ động của các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thời kỳ 2021-2030 để hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch ước khoảng 17,7 - 18,5 triệu tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 6,5 - 6,7 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là khoảng 11,1 - 11,8 triệu tỷ đồng.

Nhà nước tăng cường phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Chẳng hạn, cho phép Hải Phòng được thí điểm một số chính sách đặc thù về việc vay thông qua phát triển trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính ở trong và ngoài nước.

Các địa phương trong vùng cùng liên kết chặt chẽ, phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành trung ương từ khâu xây dựng quy hoạch, kế hoạch đảm bảo các dự án quốc gia, cấp vùng và liên tỉnh trên địa bàn vùng ĐBSH được thể hiện đầy đủ trong quy hoạch, kế hoạch đầu tư của các bộ, ngành và được bố trí nguồn vốn đầy đủ, kịp thời.

Đối với nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước

Các địa phương cùng tập trung nỗ lực, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm các tỉnh được xếp loại Khá (Top 30 cả nước), tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng giao thông huyết mạch (đường bộ, đường thủy, cảng nước sâu), các công trình văn hóa, thể thao quy mô lớn cấp vùng, quốc gia, cung ứng dịch vụ công theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”.

Cơ chế chính cần được xây dựng sách có tính đột phá, tạo thuận lợi trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế có lợi thế, đặc biệt là trong lĩnh vực mới hoặc dự báo sẽ xuất hiện theo xu thế phát triển mới và có tác động thúc đẩy, duy trì khả năng tăng trưởng trong dài hạn đồng thời có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội vùng; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là tam giác động lực tăng trưởng: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Vốn ngoài nhà nước đầu tư cho vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, những năm qua, ngày càng tăng. Trong ảnh, cảng tầu khách quốc tế Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: Thế An.

Vốn ngoài nhà nước đầu tư cho vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, những năm qua, ngày càng tăng. Trong ảnh, cảng tầu khách quốc tế Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: Thế An.

Nâng cao hiệu quả của các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại để thu hút đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức luân phiên, định kỳ các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, đối thoại và gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng thương hiệu điểm đến cấp vùng; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về quy hoạch và các định hướng phát triển cấp vùng, liên tỉnh, kế hoạch thu hút và thực hiện các dự án đầu tư (bao gồm cả dự án PPP) của vùng;

Nhà nước quyết liệt, hiệu quả hơn trong phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương theo nguyên tắc “việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cấp đó thực hiện”; tập trung vào thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng giao thông (quốc lộ, thậm chí là cả sân bay trong các khu kinh tế, cảng biển), khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và lĩnh vực đất đai.

Đối với nguồn vốn từ khu vực FDI

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư như trình bày ở trên, đối với nguồn vốn FDI cần đẩy mạnh thu hút song các địa phương cùng thống nhất phương châm lấy hiệu quả, giá trị gia tăng cao và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Các địa phương ưu tiên chọn lọc thu hút những dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao có phương thức quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực trong nước cùng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, công nghiệp cơ điện tử, chip bán dẫn.

Quản lý chặt chẽ các nguồn vốn

Trong quá trình thu hút và sử dụng đầu tư từ bất kỳ nguồn vốn nào, cần có sự giám sát và quản lý chặt chẽ trên tất cả các khâu, chống thất thoát, lãng phí; phát huy vai trò của cộng đồng trong tham gia và giám sát theo quy định, coi đây là một yếu tố quan trọng trong nâng cao chất lượng công trình dự án và hiệu quả của hoạt động đầu tư.

Luật sư Phạm Thị Thùy Dương (Công ty Luật TNHH Tuệ Vinh APTlaw)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ban-ve-giai-phap-huy-dong-nguon-luc-dau-tu-cho-vung-dong-bang-song-hong-155996.html