Nghị quyết 'mở đường' hiện thực hóa khát vọng Thanh Hóa giàu đẹp (Bài cuối): 'Đạp bằng chông gai đi tới'...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi về thăm và làm việc với tỉnh Thanh Hóa, đã hơn một lần nhấn mạnh về bài học thành công, rằng 'Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy. Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân'. Đây cũng chính là bài học để Thanh Hóa soi vào và tiếp tục hành trình 'dụng thế', 'tạo lực' mà 'đạp bằng chông gai đi tới'...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (tháng 11/2023).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (tháng 11/2023).

Tăng “độ khớp” chính sách

Trên bước đường phát triển, lẽ tất nhiên sẽ khó tránh những rào cản, khó khăn chưa thể lường trước. Với Thanh Hóa cũng vậy, hành trình xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, kiểu mẫu, là hành trình đầy thách thức chưa từng có tiền lệ và do đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, phải có nhận thức đúng, tư duy nhạy bén và hành động quyết liệt.

Thanh Hóa nhận thức sâu sắc rằng, Nghị quyết số 37/2021/QH15 là văn bản có ý nghĩa quan trọng, là sự thể chế hóa cao nhất Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để rồi, từ khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đã và sẽ đặt nền tảng để tăng thêm nguồn lực và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh. Do vậy, địa phương đã tổ chức triển khai rất nghiêm túc, bài bản, nhằm “chắt lọc” được tối đa lợi ích từ các cơ chế, chính sách đặc thù mang lại. Tuy nhiên, vì là chính sách mới, lại mang tính “thí điểm”, nên không tránh khỏi sự thiếu “khớp nối” giữa chính sách với thực tiễn, dẫn đến sự hạn chế về tính khả thi.

Hiện 3/8 chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 chưa thể áp dụng (gồm các chính sách về mức dư nợ vay; về phí, lệ phí; về thu từ xử lý nhà, đất). Trong khi một số chính sách đã áp dụng cũng đang bộc lộ những hạn chế. Đi tìm căn nguyên cho sự hạn chế, bất cập, thiết nghĩ không thể không nhấn mạnh đến một nguyên nhân khách quan, đó là các chính sách đặc thù về cơ bản đều chưa có trong các quy định của pháp luật. Hơn nữa, do được thực hiện lần đầu trên địa bàn tỉnh, nên cần phải ban hành bổ sung các nghị định hướng dẫn, mới có cơ sở để triển khai thực hiện. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chính sách. Cùng với đó là sự phức tạp của tình hình thế giới và đặc biệt là tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 lên “sức khỏe” nền kinh tế, cũng như bào mòn khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Đó là những yếu tố khó lường, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, cũng như việc thực hiện chính sách đặc thù về phí, lệ phí của tỉnh...

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, tỉnh Thanh Hóa cũng thẳng thắn nhìn nhận, sự hạn chế trong triển khai Nghị quyết số 37/2021/QH15 có phần trách nhiệm của địa phương, khi một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất, nhằm tận dụng hiệu quả lợi thế mà các chính sách đặc thù mang lại. Thực tế cho thấy, chính sách đúng mới là điều kiện “cần”, còn để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thì điều kiện “đủ” là con người hay đội ngũ thực thi chính sách. Quá trình triển khai Nghị quyết số 37/2021/QH15 ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã và đang cho thấy, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Từ “điểm yếu” này dẫn đến sự hạn chế trong việc đề xuất các giải pháp thực sự có tính đột phá, để phát huy cao nhất hiệu quả từ các chính sách đặc thù.

Mặc dù vậy, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, quy luật của sự phát triển vốn dĩ là quá trình liên tục phát sinh mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn. Đây cũng là điều tất yếu, bởi mâu thuẫn chính là nguồn gốc của sự vận động và phát triển. Nắm vững điều đó để thấy, việc xuất hiện các trở ngại, khó khăn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thực thi các chính sách nói riêng, mà cụ thể ở đây là triển khai một chính sách mới, chưa từng có tiền lệ trong thực thi như Nghị quyết số 37/2021/QH15, thì những bất cập về cơ chế lẫn nhân lực là khó tránh. Song nếu biết “gạn đục khơi trong” hay nhìn sâu vào bản chất sự việc một cách tích cực, thiết nghĩ, bất cập cũng ví như một “lăng kính” để nhìn nhận, đánh giá lại độ phù hợp và tính khả thi của chính sách trong thực tiễn, nhằm có sự điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, với quyết tâm biến cơ chế đặc thù thành lợi thế riêng có, thành động lực mạnh mẽ, sẽ mở hướng cho việc triển khai Nghị quyết số 37/2021/QH15 mang lại kết quả cao nhất.

Muốn phát triển bền vững cần sự song hành của kinh tế và văn hóa. (Trong ảnh: Lễ hội Lam Kinh). Ảnh: Lê Dung

Muốn phát triển bền vững cần sự song hành của kinh tế và văn hóa. (Trong ảnh: Lễ hội Lam Kinh). Ảnh: Lê Dung

Trên tinh thần đó và từ công tác tổng kết thực tiễn sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 37/2021/QH15, tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phù hợp với tình hình và yêu cầu mới. Chẳng hạn, đối với chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn: thay vì quy định “không quá 70% số tăng thu”, tỉnh Thanh Hóa đề xuất sửa đổi thành “70% số tăng thu”; đồng thời, bỏ điều kiện được hưởng chính sách “nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với số thu thực hiện năm trước”. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa được bổ sung thêm nguồn lực, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng và thực hiện quy hoạch mở rộng Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hay chính sách về mức dư nợ vay quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội, tỉnh đề nghị bãi bỏ với lý do các hình thức vay vốn của chính quyền địa phương theo quy định đều phải trả nợ gốc, trả lãi với lãi suất tương đối cao và phải chịu những điều kiện ràng buộc khác nhau theo quy định của tổ chức cho vay vốn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa đủ khả năng tự cân đối để thực hiện việc trả nợ trong thời gian thực hiện chính sách, nên sẽ khó phát huy hiệu quả... Ngoài ra, căn cứ tình hình địa phương, tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất Quốc hội bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù mới liên quan đến các chức danh lãnh đạo cấp tỉnh, cấp sở và TP Thanh Hóa; phân quyền cho HĐND tỉnh trong việc quyết định vấn đề sử dụng ngân sách địa phương và một số chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế (đầu tư công, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng...).

“Dụng thế”, “tạo lực”

Có một câu hỏi được đặt ra, rằng Việt Nam có quyền mơ “giấc mơ hóa rồng” không, khi mà tổ tiên ta và chính con dân đất Việt ngày nay, đều là “con Rồng cháu tiên”? Đặc biệt, khi Việt Nam đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn chưa từng có để phát triển, mà căn nguyên là nhờ bởi cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của dân tộc đã và đang được khẳng định đầy mạnh mẽ. Vậy thì, có lý do gì có thể cản trở chúng ta nuôi dưỡng và hiện thực hóa giấc mơ ấy?!

Là một bộ phận quan trọng, gắn kết rất chặt chẽ để cấu thành nên dải đất Tổ quốc, Thanh Hóa có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng và hiện thực hóa “giấc mơ hóa rồng” cho dân tộc. Cũng bởi, “sự giàu có của Thanh Hóa là giàu có chung của đất nước”. Cho nên, để gánh vác được trách nhiệm lớn lao nhưng đầy vinh dự, tự hào ấy, Thanh Hóa phải trở thành một nhân tố tăng trưởng mạnh mẽ. Nói cách khác, tự bản thân Thanh Hóa phải nỗ lực trong việc “dụng thế” và “tạo lực” cho phát triển.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Niigata, Nhật Bản và tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam (tháng 11/2023).

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Niigata, Nhật Bản và tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam (tháng 11/2023).

Trước hết là khai thác hiệu quả nguồn lực ngoại sinh từ các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp và cụ thể nhất là Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng từ vị trí địa - chính trị rất đặc biệt; cùng một “gia tài” đồ sộ là truyền thống lịch sử hào hùng, cùng bề dày văn hóa giàu giá trị - nguồn lực nội sinh rất căn bản, rất quan trọng. Đặc biệt, phải nằm lòng bài học thành công đã được người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy. Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”, để thấy việc phát triển Thanh Hóa giàu đẹp phải trở thành “mệnh lệnh từ trái tim” cháy bỏng tình yêu và tinh thần cống hiến của mỗi người dân xứ sở này.

Có một nhận định rất hay rằng, trình độ lãnh đạo/quản lý xã hội vừa biểu hiện trình độ văn hóa, vừa biểu hiện phẩm chất văn hóa của con người. Theo đó, một chính sách phát triển đúng đắn là chính sách làm cho các yếu tố cấu thành văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người, đặc biệt là văn hóa lãnh đạo/quản lý; văn hóa đạo đức, lối sống... Cũng vì vậy mà, xây dựng nên một “hệ sinh thái” cho phát triển, trước hết và quan trọng nhất phải chú trọng đến văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo. Bởi đây là nhân tố đóng vai nền tảng để định hướng và truyền cảm hứng cho tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ lớn để làm lớn trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Xuất phát yêu cầu đó, việc xây dựng bộ máy hành chính liêm chính và kiến tạo, với trọng tâm là cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đã và đang được Thanh Hóa chú trọng. Đồng thời, Thanh Hóa luôn xác định công tác cán bộ phải là khâu “then chốt của then chốt”. Như Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đỗ Trọng Hưng khi là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhiều lần khẳng định: “Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước, Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định xây dựng đội ngũ cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng. Tỉnh chú trọng việc xây dựng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, gắn với phát hiện, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và sàng lọc cán bộ yếu kém”.

Ngày nay, dù “tăng trưởng kinh tế là phương tiện cơ bản để đạt được phát triển kinh tế”, thế nhưng “bản thân tăng trưởng lại là một đại lượng không hoàn hảo của sự tiến bộ”. Do đó, tăng trưởng phải hướng đến sự phát triển hài hòa và bền vững giữa kinh tế với văn hóa và môi trường. Nói cách khác, phát triển bền vững phải là xu hướng, là yêu cầu tất yếu. Với Thanh Hóa cũng không là ngoại lệ, thậm chí việc hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, càng cần phải được nâng lên một bậc. Bởi lẽ, văn hóa vùng đất này không chỉ là kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú; mà còn ở tầm cao và chiều sâu của một loại “quyền lực mềm”, với truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, bản lĩnh, trí tuệ, phẩm giá, nhân cách con người. Đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững và giàu đẹp của Thanh Hóa, đồng thời cũng đúng với tinh thần mà Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Bản chất của hòn đá là cứ ỳ ra, không nhúc nhích. Nhưng khi nhiều người đồng tâm hiệp lực mà xô đẩy, thì dù tảng đá to mấy, nặng mấy, cũng phải lăn”. Mọi lực cản trên bước đường phát triển ví như “hòn đá” của tư duy và tầm nhìn hạn hẹp, của quyết tâm và hành động chưa tới, của cơ chế, chính sách bất cập... Muốn lăn “hòn đá” ấy ra khỏi xa lộ phát triển, thì cần tinh thần đoàn kết rất cao trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội. Cũng vì “Thanh Hóa đã đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm và đột phá. Khi thăng trầm là khi đoàn kết có vấn đề; khi đột phá là lúc tinh thần đại đoàn kết được đề cao” (Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính). Do đó càng phải thấm thía lời căn dặn của Bác Hồ: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”! Bởi khi và chỉ khi sức mạnh từ tinh thần đoàn kết - đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, đồng cam cộng khổ - của hàng triệu người được khởi lên, thì mới xô ngã được mọi vật cản trên bước đường phát triển. Để từ đó, kiến tạo nên một xã hội với đạo đức và văn hóa là nền tảng cho tư duy sáng tạo thăng hoa, cho hiền tài cống hiến, cho niềm tin nảy nở mà hiện thực khát vọng xứ Thanh.

...

Lịch sử đã chứng minh, những thành công lớn đều có xuất phát điểm từ việc biết nắm bắt và tận dụng tốt thời cơ. Ví như sứ mệnh lịch sử đã đặt lên vai Lê Lợi và nghệ thuật chớp thời cơ được vận dụng qua từng giai đoạn, từng trận đánh, mà nhờ đó đã biến “Hội thề Lũng Nhai” thành “Hội thề Đông Quan” và mở ra kỷ nguyên “nghìn thuở vững âu vàng” cho dân tộc. Tự hào với truyền thống lịch sử vùng đất, với “người mở đường” lẫy lừng, để càng thấy trách nhiệm của hậu thế là phải tận dụng cho được thời cơ và vận hội mà Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội, mang lại. Để từ đó chuyển hóa khát vọng xứ Thanh giàu đẹp, văn minh, “kiểu mẫu” sớm trở thành hiện thực.

“Thanh Hóa phải nỗ lực, quyết tâm, không cam chịu đói nghèo, không cam chịu thua kém người khác, phát huy tối đa thế mạnh xây dựng cho được một chiến lược phát triển, một quy hoạch tổng hợp phát triển lâu dài. Phải xây dựng một tinh thần tự hào với quê hương, đoàn kết, đồng lòng chịu thương chịu khó. Chủ trương phải đúng, cơ chế, chính sách phải mạnh. Muốn thế, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo là rất quan trọng, trước hết là cấp ủy, là đảng bộ, là các đồng chí lãnh đạo phải thật sự đoàn kết, phải thật sự thương yêu nhau, phải đồng lòng nhất trí vì quê hương; phải quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn... Ra nghị quyết thì phải biến thành hiện thực (...) Tôi tin là làm được, vì dân ta tốt lắm, dân Thanh Hóa cách mạng lắm”! (Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nghi-quyet-mo-duong-hien-thuc-hoa-khat-vong-thanh-hoa-giau-dep-bai-cuoi-dap-bang-chong-gai-di-toi-225305.htm