Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác trẻ trong văn học

Sáng 28/11, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức buổi Hội thảo 'Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ năm 2023'.

Nâng cao năng lực sáng tác trẻ trong văn học

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ThS. Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: "Hội thảo diễn ra với mục đích tạo diễn đàn để các nhà văn, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu làm rõ một số vấn đề về công tác nâng cao năng lực sáng tác trẻ, đề xuất những giải pháp, nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước, các Hội chuyên ngành về văn học trong việc tạo sự phát triển văn học trẻ.

Trong thực tiễn chỉ đạo và quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, hiện nay sự tác động đến quá trình xã hội hóa, chất lượng sáng tác trẻ chịu sự tác động nhiều chiều, nhiều yếu tố và xu hướng ảnh hưởng khác nhau. Rất cần có những đổi mới về nội dung, phương thức, định hướng sáng tác, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là chúng ta đổi mới đến đâu, làm như thế nào để nâng cao chất lượng sáng tác trẻ thực sự thẩm thấu đến với người viết trẻ, được công chúng, bạn đọc đón nhận, thực sự tạo ra cơ sở hình thành những giá trị trong nền văn chương nước nhà".

 ThS. Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn phát biểu đề dẫn Hội thảo.

ThS. Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn phát biểu đề dẫn Hội thảo.

"Với ý nghĩa tìm câu trả lời từ thực tiễn và lý luận, giải quyết vấn đề khoa học nêu ra trong đề tài nhưng cũng là câu trả lời cho việc nâng cao chất lượng sáng tác trẻ trong giai đoạn hiện nay, tại hội thảo lần này, tôi mong muốn các vị đại biểu, khách quý, các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa, văn học từ các góc độ thực tiễn và khoa học, đóng góp ý kiến để giúp các nhà văn trẻ có thể nâng cao chất lượng sáng tác trong văn học", ThS. Trần Hướng Dương nói thêm.

Tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Xét từ bình diện tâm lý học sáng tạo thì ý tưởng nghệ thuật, thậm chí, cao hơn, tư tưởng nghệ thuật xuất phát từ khát vọng sáng tạo cá nhân của nhà văn, từ sự đam mê văn học và sáng tạo văn học. Theo một mô hình truyền thống, ý tưởng đó phải gặp gỡ với ý chí đầu tư của nhà xuất bản, thiết chế sẽ triển khai tiến trình sản xuất và kinh doanh để biến “bản mẫu”, bản thảo của nhà văn trở thành sách, những sản phẩm văn hóa để đưa vào mạng lưới phát hành với mục tiêu là được công chúng tiêu thụ.

Như vậy, trong đời sống văn học, nhà xuất bản, hay chính xác hơn, các thiết chế sản xuất và kinh doanh xuất bản sẽ giữ vai trò của các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp để có thể biến những sản phẩm tinh thần của nhàvăn thành những sản phẩm văn hóa và được đại chúng tiêu thụ".

Theo PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, gần như hiện nay không có nhà văn nào tự kinh doanh sách của mình. Gần như đa số các nhà văn đều “cộng sinh” cùng các nhà xuất bản để biến bản thảo thành sách và đưa ra thị trường. Sở dĩ nói đây là một sự“cộng sinh” bởi lẽ nhà văn cần có nhà xuất bản để có thể có vốn biến bản thảo thành sách và phân phối đến công chúng để từ đó thu lại thu nhập nuôi sống chính việc viết.

 Quang cảnh Hội thảo "Nâng cao chất lượng sang tác trẻ" do Hội Nhà văn tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo "Nâng cao chất lượng sang tác trẻ" do Hội Nhà văn tổ chức.

Từ phía bên kia, nhà xuất bản cũng cần đến nhà văn để tạo ra lợi nhuận. Nhưng vấn đề liệu có phải chỉ đơn giản như vậy? Và từ đó, liệu có thể rút ra những “gợi ý chính sách” gì để hỗ trợ cho các nhà văn bắt đầu sự nghiệp, những “nhà văn trẻ”, theo hình dung của thể chế?

"Trong thế giới khởi nghiệp, được giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp để có thể kết nối với nhà đầu tư là một vấn đề vô cùng quan trọng. Đối với văn học, đây chính là vai trò của các cuộc thi và giải thưởng văn học để có thể phát hiện những ý tưởng nghệ thuật và những cá nhân có năng lực sáng tác...", PGS.TS. Phạm Xuân Thạch nhấn mạnh.

Nguồn lực đa dạng, phong phú “cú hích” cho văn học trẻ

Trình bày tham luận tại Hội thảo, Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho rằng, hiện nay, trong xu hướng hội nhập toàn cầu, văn học trẻ TP.HCM đang có những chuyển động mới mẻ. Ngoài giải thưởng Văn học tuổi hai mươi do Nhà xuất Trẻ, giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn TP.HCM khởi xướng đã trở thành thương hiệu, rồi Giải thưởng Tác giả trẻ, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam thì Đại học Quốc gia TP.HCM từ năm 2022 tổ chức giải thưởng Văn học trẻ hàng năm với mục đích khuyến khích “Khởi nghiệp văn chương” cho sinh viên ở các trường đại học (người đề xướng và kiên quyết duy trì giải thưởng này là PGS.TS. Vũ Hải Quân, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo), rồi cũng nhằm khơi dậy niềm đam mê văn chương đối với thế hệ trẻ, Đại học Cửu Long (với vị Hiệu trưởng là một nhà văn, PGS.TS. Lương Minh Cừ) đang phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM tổ chức Cuộc thi văn chương phương Nam năm 2023 cho học sinh sinh viên toàn quốc.

 Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM trình bày tham luận.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM trình bày tham luận.

TP.HCM cũng đang khởi động Giải thưởng Văn học Thiếu nhi TP.HCM với giải thưởng khá cao (trên dưới 100 triệu đồng cho quyển sách đoạt giải thưởng). Hội Nhà văn thành phố hàng năm dành một trại sáng tác văn học cho tác giả trẻ và tìm kiếm, phát hiện những tác phẩm văn học có giá trị (không nhất thiết là của Hội viên) để giới thiệu, bình chọn, trao giải thưởng, nhằm “tiếp sức” cho tác giả trẻ tài năng trên hành trình sáng tạo quá đỗi nhọc nhằn.

Không thể phủ nhận, từ các cuộc thi văn chương và các giải thưởng văn chương đã tạo cơ hội cho các cây bút trẻ xuất hiện và thành danh. Tuy nhiên, văn học trẻ TP.HCM nói riêng và văn học trẻ phương Nam nói chung cần tiếp tục được vận hành bằng chính sự năng động của các cây bút trẻ.

"Nhìn từ góc độ hội nghề nghiệp, chúng tôi cho rằng, nên có chiếc lược đầu tư thỏa đáng cho tác giả trẻ không chỉ của TP.HCM. Tác phẩm văn học phải được xem như một kênh văn hóa quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn và phẩm chất con người Việt Nam hiện tại cũng như tương lai, mà bệ phóng chính là những nhà văn trẻ bây giờ. Cần có ngân sách hợp lý dành cho văn học trẻ. Nhà nước nên mạnh dạn đặt hàng cho các tác giả trẻ, nhất là thể loại tiểu thuyết. Khi và chỉ khi, các tác giả trẻ yên tâm với sứ mệnh ngồi trước trang viết thì họ mới phát huy hết trách nhiệm người cầm bút đích thực" - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khẳng định.

Nói về một số nội dung đề xuất xây dựng chính sách phát triển văn học hiện nay, ThS. Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Văn học, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, cần nâng cao chất lượng lý luận, phê bình văn học trong thời gian tới, các đội ngũ các nhà lý luận, phê bình cần phải được quan tâm xây dựng, đào tạo một cách chuyên nghiệp.

Các trường đại học, cơ quan nghiên cứu đang gánh vác trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà lý luận, phê bình cần đặt mục tiêu từng bước tiệm cận với trình độ của thế giới và phải giữ vững bản sắc riêng, lấy đó làm cơ sở, định hướng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình và hoạt động giảng dạy, học tập. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận, phê bình văn nghệ Việt Namhiện đại, khoa học, đủ sức giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X và các văn kiện quan trọng của Đảng đã đề ra.

Đồng thời, cần quan tâm tham mưu các cơ chế nhằm thúc đẩy, hỗ trợ để từng bước nâng cao hiệu quả của trại sáng tác văn học hiện nay; để nâng cao chất lượng trại sáng tác ngoài các yếu tố trại viên cần phải bổ sung quy định của trại sáng tác phải có Hội đồng chuyên môn đánh gia chất lượng các tác phẩm sáng tác nhất các các trại sáng tác cấp quốc gia và khu vực.

Ngoài ra, cần tăng cường Giải thưởng văn học của các cơ quan quản lý nhà nước trao cho những tác giả có tác phẩm hoặc một cụm tác phẩm hay, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, khẳng định được phong cách nghệ thuật...

Xuyên suốt buổi Hội thảo, các đại biểu lần lượt trình bày tham luận để đóng góp ý kiến, nhằm mục đích nâng cao chất lượng sáng tác trẻ năm 2023. Qua đó góp phần thúc đẩy những cây bút trẻ trong nền văn học nước nhà ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ban-ve-giai-phap-nang-cao-chat-luong-sang-tac-tre-trong-van-hoc-post274255.html