Bàn về hình phạt tù chung thân không giảm án
Ủng hộ chủ trương giảm hình phạt tử hình, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần thận trọng với việc bổ sung hình phạt tù chung thân không giảm án.
Ngày 22-4, tại Tọa đàm "Hình phạt tử hình và hình phạt tù chung thân trên thế giới và những giá trị tham khảo cho Việt Nam" do Trường ĐH Luật (ĐHQG Hà Nội) tổ chức, dù ủng hộ định hướng giảm hình phạt tử hình nhưng nhiều ý kiến lại băn khoăn với việc bổ sung vào Bộ luật Hình sự hình phạt tù chung thân không xem xét giảm án.

PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, không đồng tình với việc thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt mới - tù chung thân không giảm án. Ảnh: NGHĨA NHÂN
Cũng bắt đầu với kinh nghiệm quốc tế, GS Vũ Công Giao (giảng viên cao cấp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người - Quyền công dân thuộc Trường ĐH Luật - ĐHQG Hà Nội) cho biết giới nghiên cứu nhân quyền đều đánh giá rằng tù chung thân là hình phạt khắc nghiệt, chỉ kém hình phạt tử hình. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR, Việt Nam tham gia từ năm 1982) không có quy định cấm áp dụng hình phạt tù chung thân, nhưng Hội đồng Nhân quyền LHQ khuyến nghị các nước phải có cơ chế xem xét giảm án tù.
Cũng vì vậy, với hình phạt tù chung thân không giảm án, Hội đồng Nhân quyền LHQ trong một báo cáo đã đánh giá hình phạt này vi phạm Công ước về chống tra tấn (Việt Nam tham gia năm 2014).
Bên cạnh các ràng buộc pháp lý nêu trên, theo ông Giao, hình phạt tù chung thân đang được 183 nước áp dụng, trong đó 65 nước có hình phạt tù chung thân không giảm án. Xu hướng chung là các nước đều có cơ chế ân xá, xét giảm định kỳ với án tù nói chung, trong đó có tù chung thân.
Còn trong khu vực ASEAN, tất cả các nước đều có hình phạt tù chung thân và đều được xét giảm. Trong số này, theo hướng tiến bộ, Malaysia đến cuối năm 2023 vừa qua đã bỏ tù chung thân, thay bằng hình phạt tù thời hạn 30-40 năm.
Về phía Việt Nam, PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, tiếp tục dẫn Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị năm 2005 về cải cách tư pháp mà ông là người tham gia xây dựng để cho thấy từ lúc ấy, Đảng đã yêu cầu giảm hình phạt tù, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.
Với tinh thần đó, hình phạt tù chung thân được thống nhất hiểu là hình phạt tù không xác định thời hạn, nhưng luôn kèm theo cơ chế để rà soát, giảm án với điều kiện tối thiểu là đã chấp hành 15 năm tù.
Nay Bộ Công an đề xuất sửa BLHS theo hướng giảm bớt một số tội có quy định hình phạt cao nhất là tử hình thì ông Độ bày tỏ sự đồng tình, nhưng lại hoàn toàn không đồng ý với việc thay hình phạt tử hình bằng hình phạt mới - tù chung thân không xem xét giảm án.
Ông Độ nói: “Bản chất tù chung thân là tù không quy định thời hạn, nhưng có cơ chế xem xét giảm án, nên bị án còn thấy cơ hội tự do. Chứ hình phạt chung thân không giảm án thì bị án không còn động lực để cải tạo vì thấy không còn tương lai, không còn là con người nữa”.
Cũng theo ông Độ, hình phạt tù chung thân đã là rất nghiêm khắc, khi mà để giảm án thì bước đầu tiên là tù nhân phải được giảm xuống tù có thời hạn. Theo quy định hiện tại, tù có thời hạn đối với người phạm một tội cao nhất là 20 năm. Hiện Bộ Công an đang đề xuất nâng tù có thời hạn cao nhất lên 30 năm. Như vậy, thời gian cách ly xã hội của người bị tuyên án tù chung thân kể cả khi được giảm án cũng đã là rất dài. Trải qua thời gian cải tạo, phần nhiều họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Vậy nên, bổ sung hình phạt tù chung thân không giảm án là không cần thiết.
Mặt khác, cũng theo ông Độ, giả sử sau khi sửa luật, mỗi năm có khoảng 100 bị cáo bị tuyên án về các tội có hình phạt cao nhất là tử hình, nay nếu được áp dụng hình phạt tù chung thân không giảm án, thì 10 năm sẽ cần 1.000 buồng giam. Như thế, 20-30 năm sẽ là con số rất lớn. Đây là bài toán kinh tế lớn không thể bỏ qua.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Chí, nguyên Trưởng khoa Luật (nay là Trường ĐH Luật), ĐHQG Hà Nội, cũng băn khoăn về loại hình phạt mới này. Theo ông, trước khi đề xuất bổ sung vào luật bất cứ hình phạt mới nào thì cần có quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá bài bản tác động của chính sách.
Ông nói giảm hình phạt tử hình trong luật, giảm áp dụng trên thực tế là phù hợp xu hướng tiến bộ của thế giới. Đây cũng là xu hướng của tư pháp phục hồi, với quan niệm cải tạo con người không chỉ bằng hình phạt mà trước hết phải là tự thân họ với sự giáo dục của xã hội.
"Do đó, việc bổ sung hình phạt tù chung thân không giảm án, dù là để thay thế cho hình phạt tử hình trong một số tội, vẫn là đi ngược với xu hướng của tư pháp phục hồi. Chưa kể, về mặt kinh tế sẽ rất tốn kém, nhất là ở giai đoạn cuối đời của phạm nhân, khi họ không còn có thể tự chăm sóc chính mình. Chăm sóc thì tốn kém mà không chăm sóc thì trở thành vấn đề vô nhân đạo” - ông Chí nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ban-ve-hinh-phat-tu-chung-than-khong-giam-an-post846123.html