Bàn về Kỳ họp bất thường của Quốc hội
TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Quốc hội hay Nghị viện các nước trên thế giới trong hoạt động của mình đều có quy định kỳ họp hoặc phiên họp bất thường, nhưng ít khi phải thực hiện. Đó là vì Nghị viện nhiều nước làm việc trên dưới 200 ngày (khoảng 8 đến 10 tháng) trong một năm. Do làm việc liên tục nên ít khi có phiên họp bất thường. Ở nước ta, trong tất cả các bản Hiến pháp (từ năm 1946 đến nay) và các Luật Tổ chức Quốc hội (từ năm 1960 đến nay) đều có quy định kỳ họp bất thường, nhưng chỉ đến Quốc hội Khóa XV mới tổ chức kỳ họp bất thường đầu tiên (diễn ra từ ngày 4 đến 11.1.2022).
Từ thực tiễn tổ chức Kỳ họp bất thường đầu tiên này chúng ta nên tổng kết kỹ lưỡng, chi tiết, nhất là về nội dung, cộng với những quy định mà bất kể kỳ họp nào cũng phải tuân thủ để hình thành những quy định cho kỳ họp bất thường.
Một số vấn đề rút ra từ kỳ họp bất thường đầu tiên
Với những thông tin thu nhận được từ các phương tiện thông tin đại chúng, có thể rút ra một số điểm sau: Mặc dù thời gian là một tuần lễ, nhưng thời gian thực sự tác nghiệp của kỳ họp bất thường đầu tiên chỉ diễn ra trong 4,5 ngày. Cả 4 nội dung của kỳ họp này đều là những vấn đề cấp bách hoặc có yêu cầu sớm được thực thi trong thực tế.
Cụ thể, nội dung thứ nhất Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xãhội:Gói hỗ trợ lên tới 350 nghìn tỷ đồng. Cả nước đang khẩn trương thực hiện mục tiêu kép thì Quốc hội không thể im lặng từ sau Kỳ họp thứ Hai (tháng 11.2021 đến Kỳ họp thứ Ba sắp tới vào cuối tháng 5.2022) mới đưa ra bàn bạc được, mà theo tinh thần “Quốc hội đồng hành với Chính phủ” thì phải thảo luận ngay, quyết đáp ngay, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ hành động. Đó cũng chính là yêu cầu khẩn thiết của cuộc sống, khôi phục lại thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sau hậu quả vô cùng khắc nghiệt, của đại dịch Covid-19, phải vực dậy và phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, không thể chậm trễ. Vì trong hoàn cảnh này, thời gian là lực lượng; thời gian là vàng ngọc, nếu trễ, muộn thì có thể mất thời cơ, mất cơ hội, mất bạn hàng..., đặc biệt là việc kích hoạt lại sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ để thu hút nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài...
Nội dung thứ hai về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và nội dung thứ tư về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là hai loại việc càng tiến hành sớm ngày nào càng tốt ngày đó, ngược lại càng chậm trễ càng lãng phí thời gian, càng xa dần thời hạn đạt đến mục tiêu đã định. Còn nội dung thứ ba về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật là loại việc mang cả hai tính chất - yêu cầu phải làm sớm, đi trước thời gian và cấp bách vì chỉ trong lĩnh vực đầu tư đã còn nhiều điểm xung đột, chồng chéo giữa pháp luật đầu tư với các Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở... Nếu không có Dự án Luật này thì ngay Nghị quyết về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cũng bị “tắc” luôn. Bởi vậy phải tháo gỡ ngay “các điểm tắc nghẽn pháp luật” để thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
Thời gian làm việc chỉ có 4,5 ngày mà phải quyết đáp 4 nội dung lớn đòi hỏi sự chuẩn bị phải hết sức khẩn trương và chu đáo. Do sự chỉ đạo sát sao, cụ thể, rõ ràng; các cơ quan hữu trách đã làm việc với ý chí tập trung, tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bởi vậy trước khi tiến hành kỳ họp, cả 4 nội dung đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cẩn trọng và xác định là bảo đảm chất lượng, có thể trình Quốc hội ngay.
Các thủ tục, trình tự tiến hành các nội dung kỳ họp được tiến hành bình thường như các kỳ họp thường lệ, chỉ có khác là thời gian cho mỗi nội dung chỉ bằng khoảng 20 - 25% so với những nội dung tương ứng của kỳ họp thường lệ. Trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư hết sức nặng nề nên phải tổ chức kỳ họp hoàn toàn trực tuyến.
Ảnh: Quang Khánh
Nội hàm của kỳ họp bất thường
“Bất thường” theo nghĩa chung nhất là, sự việc diễn ra khác với bình thường, khác với thông lệ. Do đó Kỳ họp bất thường của Quốc hội là kỳ họp khác với quy định của kỳ họp thường lệ, bao gồm: về thời gian của kỳ họp bất thường không phải khai mạc vào ngày 20.5 và 20.10 hằng năm như Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành đã ấn định. Thời gian kỳ họp bất thường diễn ra giữa hai kỳ họp thường lệ liền nhau.
Tính chất thời sự của nội dung kỳ họp bất thường không như những nội dung của kỳ họp thường lệ. Nếu kỳ họp thường lệ có những nội dung có thể giải quyết trong nhiều kỳ họp, thì nội dung của kỳ họp bất thường chủ yếu là những nội dung cấp bách, triển khai sớm được ngày nào thì có lợi ngày ấy, những việc không thể trì hoãn, không thể chờ đến kỳ họp thường lệ. Theo xu thế tăng cường hơn nữa số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách và Quốc hội từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động thì có thể mở rộng ra những công việc khác theo tinh thần “chuẩn bị từ sớm, từ xa”.
Về số lượng nội dung (công việc) của kỳ họp bất thường, có thể chỉ từ 2 cho đến 5 vấn đề (vì thời lượng kỳ họp bất thường không thể dài hơn nửa thời gian kỳ họp thường lệ, không thể họp đến sát thời gian kỳ họp thường lệ sắp tới (sẽ ảnh hưởng lớn đến việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp thường lệ tiếp theo). Mặt khác, số lượng các vấn đề cấp bách hiếm khi xuất hiện dồn dập, liên tục giữa 2 kỳ họp thường lệ liền nhau).
Về thời lượng của kỳ họp, các kỳ họp thường lệ, thường là trên dưới một tháng, còn kỳ họp bất thường chỉ khoảng một tuần đến 10 ngày. Quy trình, thủ tục, cơ bản là có các phần việc (công đoạn) như nhau, nhưng về thời lượng cho các công đoạn của các nội dung kỳ họp bất thường ngắn hơn nhiều. Việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp, yêu cầu chung là phải chuẩn bị kỹ lưỡng, càng hoàn thiện càng tốt. Nhưng ở kỳ họp bất thường, nhất thiết mọi nội dung, mọi vấn đề phải bảo đảm chất lượng, chính xác, quyết đáp được ngay trong kỳ họp (còn ở kỳ họp thường lệ, nếu có vấn đề chưa thật đủ độ chín, chưa thật yên tâm thì có thể lùi sang kỳ họp tới).
Về cách thức tổ chức kỳ họp: Luật Tổ chức Quốc hội dành cả Chương V gồm 8 điều (từ Điều 90 đến Điều 97) để quy định về Kỳ họp Quốc hội. Trong đó có những con số đáng lưu ý: Dự kiến chương trình kỳ họp bất thường được thông tin trên các phương tiện đại chúng chậm nhất là 4 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, còn kỳ họp thường lệ là 15 ngày. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, còn kỳ họp thường lệ là 30 ngày. Riêng thời gian gửi tài liệu thì chỉ quy định cho kỳ họp thường lệ: chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các dự án khác... Các tài liệu khác chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc; không có quy định riêng cho kỳ họp bất thường (như vậy có thể hiểu là thời gian gửi tài liệu như kỳ họp thường lệ).
Vì sao lại có quy định thời gian gửi tài liệu dài như vậy? Nhiều khóa Quốc hội trước đây nhất là trong thời chiến, mỗi kỳ họp thường lệ chỉ trên dưới một tuần lễ, việc quy định thời gian gửi tài liệu cho đại biểu tương đối dài ngày. Sau này, khi đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, từ Khóa XI đến nay, mỗi khóa xây dựng trên dưới 80 luật và rất nhiều đề án, dự án lớn mà vẫn giữ quy định thời gian gửi tài liệu như trước đó thì rõ ràng rất khó thực hiện. Đây là vấn đề Quốc hội cần thảo luận để có quy định khả thi hơn. Có lẽ chỉ cần quy định nghiêm ngặt thời hạn nộp hồ sơ các dự án, các báo cáo của các chủ thể phần việc cho cơ quan thẩm tra là được (lâu nay ách tắc nhất vẫn là chỗ này).
Trở lại cách thức tổ chức kỳ họp bất thường, cần lưu ý các điểm sau: Khi đã xuất hiện các vấn đề đột xuất, cấp bách, không thể trì hoãn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xác định ngay kỳ họp bất thường; chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội bắt tay ngay vào dự kiến chương trình kỳ họp, đồng thời thông báo cho đại biểu Quốc hội dự kiến về kỳ họp bất thường. Các cơ quan hữu trách ráo riết chuẩn bị các nội dung của kỳ họp. Khi các nội dung kỳ họp đã cơ bản được chuẩn bị tốt thì thông báo chính thức đến đại biểu Quốc hội.
Một số vấn đề cơ bản có thể quy định về kỳ họp bất thường
Thứ nhất là nội dung: Trước hết, trong điều kiện hiện nay phải là những nội dung cấp bách, xuất hiện đột xuất thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng không thể chờ đến kỳ họp thường lệ mới giải quyết, mà yêu cầu phải giải quyết ngay. Những công việc này thường xảy ra trong 3 trường hợp là thiên tai, địch họa (chiến tranh) và dịch bệnh. Hai là,những vấn đề càng giải quyết sớm càng có lợi (càng xử lý muộn càng gây lãng phí thời gian, công sức và tiền của).
Những nội dung của kỳ họp bất thường phải được chuẩn bị khẩn trương, ráo riết và nhất thiết phải đạt chất lượng cao để có thể quyết đáp được ngay tại kỳ họp bất thường. Trong kỳ họp bất thường không nên có hoạt động chất vấn, nếu cần thiết thì tổ chức hoạt động này tại các phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ hai là thời gian kỳ họp: không thể kéo dài, vì sẽ đụng vào việc chuẩn bị mọi mặt cho kỳ họp thường lệ sắp đến. Số ngày của kỳ họp bất thường tùy thuộc số lượng, quy mô nội dung công việc, do đó có thể chỉ từ một tuần đến 10 ngày giữa 2 kỳ họp thường lệ liền nhau.
Thứba là, quy trình, thủ tục tiến hành các nội dung: Nói chung vẫn đầy đủ các bước, các công đoạn như kỳ họp thường lệ, chỉ khác là thời lượng cho một số công đoạn có thể sẽ rất ngắn. Một số bộ phận như tiếp thu ý kiến, hoàn thiện văn bản sẽ phải làm việc ngoài giờ hành chính nhiều hơn. Trong điều kiện kỹ thuật công nghệ thông tin cho phép và trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường thì vẫn có thể tổ chức kỳ họp trực tuyến.
Nói tóm lại, nội dung công việc và tính chất của công việc có vai trò chủ yếu để quyết định kỳ họp bất thường.