Bàn về trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng Việt Nam
Bài nghiên cứu 'Bàn về trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng Việt Nam' do ThS. Lê Huỳnh Quang (Chuyên viên Phòng Truyền thông, Bộ Tư pháp) thực hiện.
Tóm tắt:
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế, nâng cao đời sống dân sinh trong những năm gần đây đã giúp ngành Hàng không dân dụng Việt Nam có sự khởi sắc rõ nét. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, đang xuất hiện ngày càng nhiều hành vi vi phạm hành chính với tính chất ngày càng phức tạp trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Nhằm góp phần làm sáng tỏ tiền đề nhận thức cho việc đề xuất các giải pháp phòng, chống vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hàng không dân dụng, bài viết tập trung nhận diện khái niệm trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực này, phân định trách nhiệm hành chính với các phạm trù liên quan, chỉ ra các đặc thù của vi phạm hành chính và chế tài hành chính trong lĩnh vực Hàng không dân dụng, đồng thời bước đầu xác định các khoảng trống pháp lý liên quan đến các vấn đề nêu trên.
Từ khóa: trách nhiệm hành chính, hàng không dân dụng, chế tài hành chính, vi phạm hành chính.
1. Đặt vấn đề
Hàng không dân dụng (HKDD) là ngành Vận tải bay phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại, quan hệ kinh tế, ngoại giao quốc tế của quốc gia, tổ chức, cá nhân không có tính chất quân sự, không phục vụ quân sự.
Hiện nay, không gian bay của HKDD Việt Nam không chỉ đến với hầu hết các sân bay trong nước, mà còn vươn xa tới nhiều lục địa trên thế giới bằng những loại máy bay mới, hiện đại. Các sân bay có thêm nhiều trang thiết bị phục vụ hành khách, nhiều nhà ga, đường băng, sân đỗ được mở rộng. Lĩnh vực quản lý bay đã chuyển từ phương thức cổ điển sang phương thức hiện đại (nói, nghe, nhìn) với thiết bị mới nhất. Cùng với việc đổi mới trang thiết bị là sự tiến bộ về năng lực quản lý, trình độ tay nghề, chất lượng dịch vụ và phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu, không báo, khí tượng, tiếp viên, thương vụ... được đào tạo cơ bản hoặc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, HKDD là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, thể hiện ở 3 điểm nổi bật: (i) HKDD là ngành hoạt động mang tính khoa học, với các trang thiết bị công nghệ cao, do vậy đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao có hiểu biết cần thiết về khoa học và công nghệ, có phẩm chất và trách nhiệm nghề nghiệp cao, rất cao; (ii) Để đảm bảo mỗi chuyến bay được thực hiện an toàn, thành công, ngành HKDD phải tổ chức nhiều công việc có liên quan chặt chẽ với nhau như: kiểm soát không lưu, dẫn đường bay; điện tử - viễn thông hàng không; khai thác thông tin hàng không; thiết bị phụ trợ không vận; khai thác vận tải hàng không; vận chuyển thương mại hàng không; tiếp viên hàng không; an ninh hàng không; phi công; quản lý và khai thác cảng hàng không; thợ kỹ thuật máy bay,... Nói cách khác, mỗi chuyến bay thành công đều gắn với việc xử lý các mối quan hệ xã hội liên quan đến an toàn kỹ thuật và an ninh chuyến bay với các quy định chặt chẽ về quy trình kỹ thuật, quy tắc trật tự, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể; (iii) Vận tải HKDD luôn đứng trước áp lực của nguy cơ vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng phục vụ các chuyến bay, vì vậy hoạt động quản lý và điều hành luôn vấp phải những khó khăn và phức tạp.
Như vậy, an toàn kỹ thuật, an ninh hàng không và những yêu cầu về tính chịu trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành hàng không cũng như của mọi hành khách tham gia sử dụng phương tiện bay là điểm chung phản ánh khía cạnh đặc thù của ngành HKDD. Trong bối cảnh đó, cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để bảo đảm an toàn, an ninh cho hoạt động HKDD, trong đó có việc áp dụng trách nhiệm hành chính (TNHC) đối với các hành vi vi phạm hành chính (VPHC) diễn ra trong toàn bộ các khâu của quá trình vận hành liên quan đến chuyến bay.
2. Khái niệm về trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng
Trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực HKDD là phản ứng lên án của nhà nước và xã hội đối với người có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động HKDD, thể hiện ở nghĩa vụ mà họ phải gánh chịu các chế tài hành chính do chủ thể có thẩm quyền áp dụng theo thủ tục được pháp luật quy định.
Liên quan đến khái niệm trách nhiệm hành chính nêu trên, trong sách bảo pháp lý và pháp luật hiện hành còn sử dụng một số thuật ngữ có những điểm tương đồng và khác biệt như: “xử lý hành chính”, “xử phạt hành chính”, mặc dù giữa chúng chưa có sự phân định rõ ràng. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020) tuy có tên gọi như trên nhưng sau khi xác định khái niệm VPHC (Khoản 1, Điều 2) đã phân chia các biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với VPHC thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất, là “xử phạt VPHC” (Khoản 2, Điều 2) bao gồm các biện pháp phạt hành chính như: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC… và các biện pháp khắc phục hậu quả. Nhóm thứ hai là các “biện pháp xử lý hành chính” (Khoản 3, Điều 2), bao gồm các biện pháp: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sự khác nhau giữa hai nhóm biện pháp này không chỉ ở tính nghiêm khắc của biện pháp áp dụng (các biện pháp xử lý VPHC liên quan đến việc hạn chế quyền tự do của công dân, do đó nghiêm khắc hơn) mà còn ở thủ tục và cơ quan áp dụng (xử phạt VPHC được áp dụng theo thủ tục hành chính, do các cơ quan hành chính và các cơ quan khác được trao quyền quản lý hành chính nhà nước thực hiện. Trong khi đó, các biện pháp xử lý hành chính được áp dụng theo thủ tục tư pháp, do Tòa án nhân dân thực hiện, trừ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do UBND cấp xã thực hiện). Như vậy, thuật ngữ “xử lý vi phạm hành chính” trong tên của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bao hàm trong đó cả các biện pháp xử phạt VPHC và các biện pháp xử lý VPHC, mặc dù trên thực tế, hai thuật ngữ này phản ánh hai loại hoạt động khác nhau thuộc lĩnh vực hành pháp và tư pháp. Nói cách khác, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành đã dẫn đến khả năng hiểu đồng nhất hai thuật ngữ có phạm vi và tính chất khác nhau khi đặt nó dưới cái mũ chung của Luật. Phân tích sâu hơn nữa, còn có thể thấy ngay khái niệm xử phạt VPHC cũng chưa hàm chứa được đầy đủ nội hàm thực sự của nó khi nó bao gồm cả các biện pháp xử phạt VPHC và các biện pháp khắc phục hậu quả (biện pháp khôi phục hành chính). Bản thân khái niệm xử phạt VPHC chỉ mang tính quy ước, chỉ phù hợp áp dụng trong thực tiễn, thiếu chính xác về mặt ngữ nghĩa pháp lý. Tuy nhiên, đây là khái niệm đã được sử dụng phổ biến với 2 thành tố hợp thành: xử phạt VPHC và khắc phục hậu quả VPHC.
Trách nhiệm hành chính là khái niệm tương đồng về căn bản với khái niệm xử phạt VPHC theo nghĩa thông dụng của thuật ngữ này, gắn với sự tương đồng trong cách nhận diện về VPHC, chế tài hành chính, tính chất hoạt động của cơ quan có thẩm quyền áp dụng và trình tự, thủ tục áp dụng. Sự khác nhau giữa chúng liên quan đến cách tiếp cận. Trách nhiệm hành chính được xem xét như một chế định của pháp luật hành chính, được nhìn nhận trên cả phương diện khoa học và thực tiễn. Xử phạt VPHC được sử dụng trong thực tiễn pháp luật và áp dụng pháp luật, chủ yếu dành điểm nhấn vào mối quan hệ giữa VPHC với các biện pháp xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả. Có thể thấy cách tiếp cận nhận diện khác nhau nhưng về cơ bản khi nói tới trách nhiệm hành chính cũng hàm ý nói về xử phạt VPHC và ngược lại.
3. Căn cứ áp dụng trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng
Cơ sở để áp dụng các biện pháp trách nhiệm hành chính (chế tài hành chính) là vi phạm hành chính trong lĩnh vực HKDD. Không có VPHC thì không có TNHC. Cũng như các vi phạm hành chính khác, vi phạm hành chính trong lĩnh vực HKDD được hợp thành bởi những yếu tố nhất định. Những yếu tố đó được gọi là “cấu thành của VPHC”, bao gồm mặt khách thể, khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của VPHC. Tuy nhiên, trong lĩnh vực HKDD, các VPHC có tính đặc thù, được xác định rõ tại Nghị định số 09/VBHN-BGTVT 23/3/2022 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Nghị định này ghi nhận có khoảng 400 hành vi VPHC trong lĩnh vực HKDD nhưng giữa chúng có chung một số đặc điểm sau: (i) Việc xác định các VPHC trong lĩnh vực HKDD thể hiện rất rõ yêu cầu của việc bảo đảm an toàn, an ninh của vận tải HKDD. Điều này thể hiện trong việc xác định các vi phạm quy định về bay, về cảng hàng không, sân bay, về đi lại, điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hoạt động trong cảng hàng không, sân bay, vi phạm về thực hiện công việc theo tài liệu, quy trình và yêu cầu công việc của nhân viên hàng không, v.v.; (ii) Do đặc thù của loại hoạt động đòi hỏi có sự điều hành, phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên các hoạt động nên các VPHC trong lĩnh vực HKDD do cá nhân thực hiện chỉ chiếm quá nửa trong tổng số các vi phạm, khoảng 233/400. Số còn lại là các VPHC do các tổ chức thực hiện; (iii) Hầu hết các VPHC có cấu thành hình thức hoặc chưa có hậu quả thực tế xảy ra. Điều này có thể được giải thích bởi yêu cầu về an toàn, an ninh hàng không phải được đặc biệt đề cao. Có thể thấy rõ điều này với giả định một tai nạn đường bộ không nghiêm trọng, hoặc có thể nghiêm trọng nhưng chưa chắc đã dẫn đến những thông tin gây chú ý. Trong khi đó, một tại nạn cận kề đã không xảy ra hoặc chỉ là một tai nạn nhỏ trong lĩnh vực HKDD thì thông tin lan truyền đã rất nhanh và mạnh, gây sự lo sợ đối với bất cứ ai sử dụng phương tiện bay, thậm chí gây ảnh hưởng đến khả năng tồn tại và phát triển của ngành Hàng không của quốc gia; (iv) VPHC trong lĩnh vực HKDD cũng như các VPHC khác được quy định về thời hiệu xử phạt. Quá thời hạn đó, TNHC sẽ không được áp dụng; (v) Giữa VPHC và tội phạm hình sự có những dấu hiệu, cấu thành gần giống nhau. Điều này trên thực tế đã làm cho việc phân biệt giữa VPHC và tội phạm trở nên khó khăn và không ít trường hợp gây nhầm lẫn. Ngoài ra, điều này còn có thể dẫn đến những tiêu cực trong áp dụng pháp luật, thay vì áp dụng trách nhiệm hình sự lại áp dụng TNHC và ngược lại.
4. Các biện pháp trách nhiệm hành chính áp dụng trong lĩnh vực hàng không dân dụng
Trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực HKDD thể hiện ở các chế tài hành chính (CTHC) được áp dụng theo nguyên tắc “tương đương” với VPHC trong lĩnh vực HKDD. Các CTHC trong lĩnh vực HKDD có thể chia làm 2 nhóm. Mỗi nhóm CTHC được áp dụng trên cơ sở nhất định và có cơ chế tác động riêng đối với hành vi của người thực hiện VPHC.
Thứ nhất, nhóm các chế tài phạt hành chính. Các chế tài phạt hành chính có tính chất trừng phạt bằng cách hạn chế quyền hay bổ sung đối với người VPHC nghĩa vụ mới. Chế tài phạt được áp dụng tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của VPHC đã được thực hiện. Các chế tài phạt được chia thành (1) chế tài phạt chính và (2) chế tài phạt bổ sung và giữa chúng có thể có tính mềm dẻo trong sự thay thế.
Trong lĩnh vực HKDD, các hình thức xử phạt chính bao gồm: (i) Cảnh cáo. Cơ sở và cách thức tác động của cảnh cáo thể hiện biện pháp được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ. Nó cũng được áp dụng đối với VPHC do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản; (ii) Phạt tiền. Phạt tiền là hình thức phạt có tính phổ biến nhất trong áp dụng TNHC. Nó tác động đến tài sản của người vi phạm bằng cách buộc người vi phạm phải nộp một khoản tiền nhất định cho nhà nước do thực hiện hành vi vi phạm. Liên quan đến hình thức xử phạt này, CTHC trong lĩnh vực HKDD có mấy điểm đáng chú ý sau:
- Phạt tiền cho tổ chức gấp 2 lần phạt tiền của cá nhân. Điều này cho thấy quan điểm của nhà làm luật cho rằng VPHC của tổ chức có tính nguy hiểm hơn là VPHC của cá nhân và trong nhiều trường hợp, nếu phạt tiền đối với tổ chức như đối với cá nhân sẽ ít có tác dụng phòng ngừa vi phạm pháp luật.
- Mức phạt đối với VPHC lĩnh vực HKDD cũng như mức phạt ở các lĩnh vực khác được xác định về giới hạn thấp nhất và cao nhất. Mức phạt thấp nhất nhằm làm cho việc phạt có tác động tích cực đến tâm lý cũng như việc thực hiện hành vi pháp luật của người VPHC. Mức cao nhất nhằm làm cho việc phạt hành chính tương thích với VPHC và bảo đảm phạt tiền đối với VPHC về nguyên tắc không vượt sang mức độ nghiêm khắc của hình phạt đối với tội phạm hình sự.
- Theo pháp luật hiện hành, mức phạt tiền cao nhất đối với VPHC trong lĩnh vực HKDD được xác định cao hơn mức phạt tiền trong một số lĩnh vực như: hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, bạo lực gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bổ trợ tư pháp, y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, văn hóa, bảo vệ biên giới quốc gia; quốc phòng, an ninh quốc gia... Mức phạt này ngang hàng với mức phạt đối với các VPHC về đê điều, khám bệnh, chữa bệnh; trang thiết bị y tế; chăn nuôi, phân bón, quảng cáo, đặt cược và trò chơi có thưởng, quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải, quản lý và bảo vệ công trình giao thông; công nghệ thông tin; viễn thông... Trong khi đó, mức phạt tiền đối với các VPHC trong lĩnh vực HKDD lại ở nhóm thấp hơn các VPHC về quản lý giá; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật...; quản lý, phát triển nhà và công sở, đấu thầu, đầu tư; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, thủy lợi, báo chí; xây dựng, lâm nghiệp, đất đai...; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa, quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng... Trên thực tế, sự sắp xếp như trên không hẳn là do tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực HKDD, mà còn do khối lượng tài sản sử dụng và bị vi phạm và một số đặc điểm khác.
Trong lĩnh vực HKDD, các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: (i) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Đây là những biện pháp khác nhau. Nhưng điểm chung của chúng thể hiện tính chất bổ sung cho phạt chính (cảnh cáo hay phạt tiền) là ở chỗ người có thẩm quyền áp dụng TNHC khi áp dụng biện pháp phạt chính thấy chưa có khả năng phòng ngừa (chung và riêng) VPHC trong tương lai. Đương nhiên, VPHC phải là vi phạm có liên quan đến việc sử dụng giấy phép được cấp hay hoạt động nào đấy có giấy phép hay không phải có giấy phép và không nhất thiết mọi VPHC đều phải áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; (ii) Tịch thu hành chính. Tính chất bổ sung của tịch thu hành chính cũng được lý giải rằng khi chỉ áp dụng biện pháp phạt chính không chắc chắn cho việc phòng ngừa VPHC trong tương lai. Tịch thu hành chính trước hết là biện pháp tịch thu tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để VPHC. Đây là biện pháp có tính chất tài sản, theo đó, tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để vi phạm phải bị sung công. Một trong những điều kiện thực hiện việc sung công là tang vật có được phải được sử dụng hay có được qua thực hiện VPHC, phương tiện bị tịch thu cũng phải là phương tiện sử dụng để VPHC. Đây là điểm rất khác với tịch thu hình sự. Tịch thu hình sự không đòi hỏi tài sản bị tịch thu phải gắn với hành vi phạm tội.
Thứ hai, nhóm các chế tài “khắc phục hậu quả” (nhóm chế tài khôi phục hành chính). “Khắc phục hậu quả” là cách diễn đạt nhóm chế tài này theo hướng trực diện, đơn giản, dễ hiểu. Về phương diện pháp lý, đây là nhóm chế tài khôi phục hành chính với hàm ý là biện pháp nhằm khôi phục lại trạng thái của quan hệ pháp luật như trước khi bị xâm hại bởi VPHC. Nhóm chế tài khôi phục hành chính về bản chất không có tính chất trừng phạt, không hạn chế hay bổ sung nghĩa vụ mới đối với người vi phạm. Pháp luật quy định ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung thì các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Quy định như vậy là do các biện pháp xử phạt đều xuất phát từ một VPHC nhất định. Thực ra, chỉ có các VPHC nào gây ra hậu quả và có thể khắc phục được thì các biện pháp này mới có thể áp dụng. Tính độc lập nhất định của biện pháp khắc phục hậu quả là ở nguyên tắc khi có hậu quả xảy ra, hậu quả đó cần và có thể khắc phục được thì phải khắc phục. Trên thực tế, pháp luật cũng đã quy định nhiều biện pháp khắc phục hậu quả khác nhau trong lĩnh vực HKDD như: buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên tàu bay và trên phương tiện, thiết bị; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc phá dỡ công trình, phần công trình được xây dựng, lắp đặt không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc trả lại đồ vật, thiết bị hoặc tài sản đã trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép; buộc thực hiện bảo trì công trình; buộc tổ chức kiểm tra lại, thi lại,... Mỗi biện pháp khắc phục hậu quả có đặc điểm riêng, nhưng có cùng cơ chế tác động là “đưa quan hệ pháp luật bị vi phạm” trở lại trạng thái ban đầu.
5. Một số bất cập trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng
Tiền đề nhận thức về TNHC nêu trên là cơ sở để nhận diện nhiều khoảng trống pháp lý liên quan đến pháp luật thực định và thực tiễn thực hiện pháp luật về TNHC trong lĩnh vực HKDD ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, nổi lên một số bất cập về thẩm quyền, cơ sở, chứng cứ để xác định VPHC và áp dụng TNHC trong lĩnh vực HKDD.
Thứ nhất, là sự bất cập về thẩm quyền áp dụng TNHC. Một ví dụ cụ thể đối với trường hợp hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích. Trong trường hợp này, tại Khoản 2 điều 58 Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình An ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam đã xác định: “Không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, chưa rõ là (i) Chủ thể nào có thẩm quyền xác định hành khách bị mất khả năng điều khiển hành vi do sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích; (ii) Cơ sở xác định hành khách bị mất khả năng điều chỉnh hành vi dựa trên căn cứ định lượng, hay định tính chủ quan; (iii) Chủ thể nào chịu trách nhiệm để xảy ra sai phạm khi xác định hành khách bị mất khả năng điều chỉnh hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích (trường hợp hành khách khởi kiện).
Cũng liên quan đến thẩm quyền áp dụng TNHC là trường hợp xảy ra xung đột pháp luật khi tàu bay Việt Nam bay qua không phận quốc tế và xuất hiện những hành vi VPHC. Trên tàu bay, Cơ trưởng và Tiếp viên hàng không hành xử dựa theo quy định ở Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành không do Chính phủ Việt Nam ban hành. Tuy nhiên, khi tàu bay đáp tại nước bạn và đối tượng vi phạm đuợc bàn giao cho nước sở tại thì lại không thể áp dụng chế tài xử phạt vì pháp luật nước sở tại không điều chỉnh hành vi VPHC được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật Việt Nam và hành vi VPHC xảy ra trên tàu bay Việt Nam (được hiểu là lãnh thổ Việt Nam).
Thứ hai, sự bất cập về xác định chứng cứ và căn cứ áp dụng TNHC đối với các VPHC trong lĩnh vực HKDD. Thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp, như trường hợp hành khách sử dụng Chứng minh thư nhân dân có dấu hiệu tẩy, xóa, giả mạo để đi tàu bay. Thực tế cho thấy, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không có chức năng kiểm tra và phát hiện hành khách sử dụng Chứng minh thư nhân dân có “dấu hiệu” tẩy, xóa, giả mạo để đi tàu bay nhưng lại không có chức năng, thẩm quyền để xác định hành khách sử dụng Chứng minh thư nhân dân tẩy, xóa, giả mạo để đi tàu bay và tiến hành bàn giao lực lượng công an tại sân bay hay công an tại địa bàn Cảng hàng không sân bay. Ngoài việc không rõ ràng về thẩm quyền thì trình tự, thủ tục xác định Chứng minh thư nhân dân giả mạo để ra được quyết định xử phạt VPHC đối với hành vi giả mạo lại cần có thời gian dài và do cơ quan, đơn vị nghiệp vụ có thẩm quyền thực hiện mà cơ quan, đơn vị nghiệp vụ lại không có trụ sở tại Cảng hàng không. Theo đó, việc xác định có hành vi giả mạo hay không thường không kịp thời, rất dễ dẫn đến khiếu kiện do hành khách bị thiệt hại vì lỡ chuyến bay và sau đó lại được xác định là không có hành vi giả mạo khi sử dụng chứng minh thư nhân dân. Cũng theo đó là sự bất cập trong xác định TNHC của chủ thể nào liên quan đến sai phạm về trình tự thủ tục, quá trình xác định Chứng minh thư nhân dân có “dấu hiệu” tẩy, xóa, giả mạo mà sau đó lại được giám định và kết luận không có sự giả mạo.
Việc xác định chứng cứ, căn cứ để xử phạt VPHC còn vướng phải nhiều khó khăn mang tính gián tiếp khác. Chẳng hạn: do tính chất đặc thù của Cảng hàng không, tại các đường nội Cảng hàng không đã chưa được hay không được kết nối với hệ thống giao thông đô thị nên cơ quan chức năng không thể đặt biển báo giao giao thông để làm căn cứ xử phạt các hành vi vi phạm giao thông trong phạm vi cảng hàng không. Hoặc do có sự khác biệt về ngôn ngữ, trình độ nhận thức pháp luật, truyền thống văn hóa... nên việc xác định hành vi VPHC và thực hiện các giai đoạn áp dụng TNHC có nhiều khó khăn, nhất là khi cơ trưởng là người nước ngoài. Hoặc do chưa có sự giải thích rõ và thống nhất trong cách hiểu một số thuật ngữ, ví dụ: tại điều 9 và 10 của Luật Xử lý VPHC có xác định một số tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng như: “hoàn cảnh đặc biệt”, “những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt khác”, “trình độ lạc hậu”, “người già yếu”... Đây là những khái niệm định tính rất dễ bị áp dụng sai, co giãn do tính thiếu xác định của nó. Hơn thế, trong các tình tiết giảm nhẹ, Luật Xử lý VPHC còn xác định một cách vô định về những “tình tiết giảm nhẹ khác”.
Tài liệu tham khảo:
Quốc hội (2002). Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002.
Quốc hội (2012). Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Chính phủ. Nghị định số 162/2018/NĐ-CP ngày 30/11/ 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2019, được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Trương Khánh Hoàn (2008). Bất cập của các quy định về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (31, 32), tr. 81-83.
Trần Minh Hương (2005). Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính. Tạp chí luật học (5), tr. 17-24.
Lê Ngọc Thạnh (2006). Hoàn thiện các biện pháp xử lý hành chính khác theo pháp luật hiện nay ở nước ta. Luận văn thạc sĩ Luật học, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp đào tạo với Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
Vũ Thư (2000). Chế tài hành chính - Lý luận và thực tiễn. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Trường Đại học Luật Hà Nội (2007). Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam. NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
DISCUSSIONS ABOUT ADMINISTRATIVE RESPONSIBILITY IN VIETNAM’S CIVIL AVIATION FIELD
Master. Le Huynh Quang
Specialist, Department of Communications, Ministry of Justice
Abstracts:
Vietnam's civil aviation industry has experienced rapid growth thanks to the country’s socio-economic development, international integration, and improvement of people's lives in recent years. However, besides encouraging achievements, the civil aviation industry has witnessed an increase in the number of administrative violations with a progressively more complex nature. To clarify the cognitive premise for proposing solutions to prevent and combat civil aviation administrative violations, this paper identifies the concept of administrative responsibility in the civil aviation field, delineates administrative responsibilities to related categories, points out the characteristics of administrative violations and administrative sanctions in the civil aviation field, and initially identifies legal gaps regarding the above issues.
Keywords: administrative liability, civil aviation, administrative sanctions, administrative violations.