Bàn về tư tưởng cứu quốc của Đề cương Văn hóa

Thực tế, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới, văn hóa đã trở thành một bộ phận không thể thiếu nằm trong tập hợp các lợi ích của quốc gia dân tộc.

Nhân dân Sài Gòn-Gia Định mang theo ảnh Bác Hồ và băng cờ, khẩu hiệu tham dự mít tinh mừng chiến thắng, ngày 15.5.1975. Ảnh tư liệu.

Nhân dân Sài Gòn-Gia Định mang theo ảnh Bác Hồ và băng cờ, khẩu hiệu tham dự mít tinh mừng chiến thắng, ngày 15.5.1975. Ảnh tư liệu.

Ngày 18.9.1926, trong bài viết “Người cách mạng mẫu mực” đăng trên tờ Thanh niên với bút danh Lý Thụy, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này còn rất trẻ) khẳng định, người cách mạng kiểu mẫu “phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm “Tổ quốc trên hết” ở mọi nơi và mọi lúc. Người coi cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc “vì tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” và “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”.

Ngọn cờ tập hợp

Ra đời khi nước nhà chưa giành được độc lập, Đề cương về văn hóa Việt Nam cổ vũ lòng yêu nước, khát vọng độc lập, hiệu triệu đông đảo mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt đảng phái, tôn giáo, thành phần, trình độ tích cực đứng vào dòng chảy của việc giữ gìn bản sắc văn hiến ngàn năm và kiến tạo nên những giá trị mới.

Dù có những sự khác biệt, mẫu số chung để hiệp đồng người Việt Nam ở thời điểm đó cũng như hiện nay chính là văn hóa dân tộc. Tinh thần cứu nước, kiến quốc bằng văn hóa của Đề cương là sự nhất quán với tư tưởng “Tổ quốc trên hết” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ năm 1926 cũng như quan điểm “dân tộc trên hết”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” được Người nêu lên sau này.

Đây là ngọn cờ tập hợp được rất nhiều những người thuộc các xu hướng xã hội khác đi theo cách mạng, kháng chiến, đem hết sức lực, trí tuệ ra phụng sự Tổ quốc. Xét về mặt thời điểm (1943), tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện sức thu hút mạnh mẽ trong đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ở một giai đoạn hết sức quan trọng của sự nghiệp cách mạng.

Dù lợi ích quốc gia - dân tộc luôn là nền tảng cho cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời nhưng phải đến sau Đại hội VII (1991), nội hàm của nguyên tắc và mục tiêu này mới từng bước được minh định và đến giai đoạn 2011-2021, Đảng hoàn thiện tư duy cụ thể và cơ bản về lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại, đồng thời đây cũng là nguyên tắc chỉ đạo các mặt hoạt động của đất nước, trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Đại hội XI (2011) của Đảng xác định, mục tiêu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ mới là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” và “vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Đại hội XII (2016) đề cập đến “lợi ích quốc gia - dân tộc tối cao” là mục tiêu, nguyên tắc của tất cả mọi mặt chứ không riêng đối ngoại. Đại hội XIII (2021) tiếp tục khẳng định đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trước hết và trên hết. Lợi ích quốc gia dân tộc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Văn hóa phục vụ đối ngoại

Câu hỏi đặt ra, lợi ích quốc gia dân tộc là lợi ích gì, cái gì là tối cao? Chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế chỉ rõ mục tiêu của các quốc gia là tìm cách nâng cao tiềm lực nhằm tự bảo đảm an ninh, sự tồn tại của mình trong hệ thống thông qua việc cố gắng giành được càng nhiều nguồn lực càng tốt. Điều này dẫn tới việc các quốc gia luôn ở trong thế cạnh tranh và đối đầu lẫn nhau (trong nhiều trường hợp dưới hình thức chiến tranh, xung đột vũ trang) nhằm theo đuổi lợi ích dưới dạng quyền lực.

Việt Nam cũng như nhiều nước, các khái niệm “lợi ích quốc gia”, “lợi ích dân tộc” hay “lợi ích quốc gia - dân tộc” thường được xác định là có chung nội hàm và được sử dụng thay thế lẫn nhau. Năm 2014, trong bài viết “Lòng dân, đó là quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chế độ xã hội chủ nghĩa, sự giàu mạnh, hùng cường của đất nước, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân”.

Như vậy, nội dung “tối cao” trong lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam bao gồm: “Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; chế độ xã hội chủ nghĩa; sự giàu mạnh, hùng cường của đất nước. đời sống nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc”. Giá trị tối cao trong lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam chính là các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam.

Quyền dân tộc cơ bản là những quyền cơ bản nhất, đồng thời cũng là cơ sở tối thiểu để bảo đảm cho một dân tộc tồn tại và phát triển. Hiện nay, lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, người từng có thời gian làm Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam trong đối ngoại có thể bao gồm hai nhóm: Nhóm lợi ích tiên quyết và nhóm lợi ích mở rộng.

Nhóm lợi ích tiên quyết là điều kiện để dân tộc ta tiếp tục tồn tại ở mức không kém hơn (chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; hòa bình với bên ngoài, ổn định, trật tự ở bên trong; đảo đảm cuộc sống an toàn cho nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm, môi trường không bị xuống cấp; bảo đảm an ninh kinh tế; giữ gìn bản sắc dân tộc.

Nhóm các lợi ích mở rộng gồm: nâng cao khả năng giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia; không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân; mở rộng không gian phát triển (thị trường, khả năng tiếp cận tri thức của nhân loại, công nghệ, vốn, vị trí ngày càng thuận lợi trong phân công lao động khu vực và thế giới); phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam; có vị thế ngày càng lớn trên trường quốc tế. Các nội hàm thuộc lợi ích sống còn không thể thỏa hiệp. Nếu một trong những lợi ích đó bị đe dọa thì sự tồn tại của quốc gia bị thách thức.

Sức mạnh vật chất và phi vật chất

Ngày nay, trật tự thế giới không chỉ được quyết định bởi sức mạnh vật chất. Do sự gia tăng tác động của các yếu tố phi vật chất đến đời sống quốc tế, các nước vừa và nhỏ như Việt Nam. ngoài việc tham gia và chấp nhận luật chơi hoàn toàn có thể tác động thay đổi thứ bậc trong trật tự thế giới để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc của mình.

Từ chỗ hội nhập, thích nghi để tránh bị tổn thương, Việt Nam có thể phát huy để tham gia kiến tạo, trong đó phải bảo vệ văn hóa và khai thác sức mạnh của văn hóa. Nếu sự cải thiện sức mạnh tổng hợp để nâng cao quyền lực quốc gia là công cụ để đánh giá kết quả đổi mới, mở cửa thì quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đến nay đã trải qua hai giai đoạn chồng lấn.

Giai đoạn đầu, chúng ta tập trung tháo băng quan hệ, mở rộng đối tác, tập trung phục vụ phát triển kinh tế song hành củng cố nền quốc phòng, tức là chú trọng đến các yếu tố vật chất- quan điểm mà chủ nghĩa hiện thực cho rằng là nền tảng để tạo ra thứ bậc và lợi ích quốc gia trong trật tự thế giới.

Đến nửa sau thập niên đầu thế kỷ XXI, Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến việc lan tỏa các giá trị văn hóa để phục vụ hội nhập. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa. Giai đoạn này, chúng ta chỉ mới muốn thế giới hiểu Việt Nam hơn, nhận thức đúng về Việt Nam thông qua các công cụ như thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa nhằm tìm kiếm sự thuận lợi cho quá trình phát triển và hội nhập.

Theo cách tư duy đó, những năm gần đây, các học giả nói đến việc xây dựng sức mạnh mềm của Việt Nam chủ yếu phục vụ cho mục đích lan tỏa ảnh hưởng của đất nước không phải thông qua sức mạnh quân sự hay tăng trưởng kinh tế.

Trong một thế giới liên tục đổi thay, liệu sức mạnh “mềm” có thật sự “mềm” hơn sức mạnh cứng? Trong bối cảnh quốc tế hiện tại, không nên cho rằng sức mạnh vật chất là giải pháp duy nhất giúp đất nước kiến tạo tính thứ bậc mới trong trật tự thế giới như chủ nghĩa hiện thực gợi ý. Nhưng cũng không nên quan niệm mơ hồ, ảo tưởng, vì sức mạnh mềm không thể được phát huy nếu không có nguồn lực vật chất và bảo đảm chủ quyền đất nước.

Nguồn lực vật chất chỉ có thể tạo ra từ việc phát triển kinh tế, đưa nền kinh tế Việt Nam mở hơn, tham gia sâu hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu, dù sẽ phải đối mặt với những thách thức chung khi xảy ra khủng hoảng. Về sức mạnh phi vật chất, Việt Nam có thể phát huy tối đa những nguồn lực sức mạnh mềm như văn hóa, hệ giá trị chính trị và sức hấp dẫn của các chính sách đối nội, đối ngoại. Thực tế, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới, văn hóa đã trở thành một bộ phận không thể thiếu nằm trong tập hợp các lợi ích của quốc gia dân tộc.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ban-ve-tu-tuong-cuu-quoc-cua-de-cuong-van-hoa-a157468.html