Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Nhìn từ những góc khuất

Theo hiệp hội xăng dầu, nhìn rõ những góc khuất trong thị trường xăng dầu thì quy định việc 'bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử' phải xem là điều kiện cần thiết về kinh doanh xăng dầu.

Minh bạch, chống thất thu thuế

Bộ Công thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.

Theo tờ trình, cửa hàng xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu bảo đảm kết quả đo xăng dầu được kết nối, chuyển vào hệ thống hóa đơn điện tử theo pháp luật về hóa đơn, chứng từ.

Với hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trải dài khắp cả nước, theo Bộ Công thương, việc áp dụng quy định này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với các doanh nghiệp, Bộ Công thương cho biết họ đều ủng hộ chủ trương và đề nghị cần có thời gian và nguồn lực để thực hiện.

Bộ Công thương đề xuất sau mỗi lần bán xăng dầu đều phải xuất hóa đơn điện tử.

Bộ Công thương đề xuất sau mỗi lần bán xăng dầu đều phải xuất hóa đơn điện tử.

Lộ trình đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại vùng đồng bằng, đô thị là sau 1 năm kể từ ngày nghị định sửa đổi có hiệu lực. Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các vùng miền núi thời gian thực hiện sau 2 năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức, hiện nay, 100% cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có kết nối với cơ quan thuế. Bộ Tài chính kết nối dữ liệu thuế với cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý, lấy dữ liệu dân cư để làm định danh (mã số thuế).

"Chúng tôi tập trung quản lý hóa đơn điện tử thông qua AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích dữ liệu lớn, phát hiện những hành vi trốn thuế, đảm bảo thu ngân sách tốt hơn", lãnh đạo Bộ Tài chính nói và cho hay Bộ cũng có những giải pháp khuyến khích người dân lấy hóa đơn và thực hiện nghiêm việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cùng cho rằng quản lý hóa điện tử sẽ giúp thu ngân sách tốt hơn, lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dẫn chứng trường hợp tiên phong trong sáng tạo niêm phong đồng hồ công tơ tổng ở các cây xăng dầu ở Nghệ An năm 2015. Từ đó, lượng xăng, dầu tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường thu được (năm 2016) tăng khoảng hơn 20% so với năm 2015.

Lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng phải xem việc đấu nối dữ liệu từ cây xăng đến cơ quan thuế và xuất hóa đơn sau mỗi lần bán hàng là điều kiện cần thiết về kinh doanh xăng dầu, bởi đây là mục tiêu là chống thất thu thuế lâu dài.

Cần tính đủ chi phí cho doanh nghiệp bán lẻ

Đưa ra những góp ý cho dự thảo này, lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng cần nhìn rõ những góc khuất để thấy vì sao cơ quan quản lý đưa ra các giải phải trên. Góc khuất được nhắc đến ở đây là vẫn còn nguồn xăng dầu trôi nổi. Chủ yếu nguồn này được thâm nhập vào bằng đường biển, từ các tàu chở hàng trăm m3 xăng dầu.

Lượng xăng dầu nhập lậu giúp doanh nghiệp thu lợi khoảng 30-40% so với giá bán của các doanh nghiệp chính thống.

"Điều này làm méo mó thị trường, tạo cạnh tranh không lành mạnh", lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu nói và cho rằng để quản lý được góc khuất này, bắt buộc phải xuất hóa đơn cho mỗi lần xăng dầu bán ra.

Một vụ bắt giữ hàng trăm tấn dầu nhập lậu từ trên sông Sài Gòn.

Một vụ bắt giữ hàng trăm tấn dầu nhập lậu từ trên sông Sài Gòn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng), cho rằng việc này sẽ gây lãng phí rất lớn vì chỉ có tài xế có nhu cầu lấy hóa đơn mang về cho doanh nghiệp khấu trừ chi phí. Trong khi hầu hết người dân cho biết không có nhu cầu lấy hóa đơn và sẽ mất thời gian chờ đợi.

Theo tính toán của ông Thắng, mỗi một hóa đơn phát hành, doanh nghiệp bán lẻ phải mua với giá 400-500 đồng. Tức là doanh nghiệp sẽ chịu thêm ngưỡng tiền này, trong bối cảnh chiết khấu bán hàng tiếp tục ở ngưỡng 300-400 đồng/lít xăng dầu. "Đó là chưa kể ở vùng xa, người dân thu nhập thấp mỗi lần mua xăng chỉ có 20.000 đồng. Chưa đến 1 lít mà phải xuất 1 hóa đơn có giá trị đến khoảng 500 đồng thì xem như doanh nghiệp lỗ trắng", ông Thắng nói.

Về lo lắng này, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đề xuất cuối ngày có thể xuất gộp hóa đơn cho tổng sản lượng bán ra mà khách không lấy hóa đơn, song thiết bị ghi phải ghi được số lượng mỗi lần bán ra. Việc này sẽ làm cơ sở cho cơ quan thuế đối chiếu việc xuất hóa đơn có đúng hay không, nhằm tránh việc xuất gộp tạo kẽ hở mua bán hóa đơn.

Chia sẻ về việc đầu tư hàng trăm triệu đồng để xuất hóa đơn tại mỗi cửa hàng sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhưng theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, chi cho việc đầu tư và đổi mới công nghệ là cần thiết. "Chúng ta không chỉ hướng tới bán đúng bán đủ, mà phải làm sao để làm người dùng tin tưởng đây là điểm đến an toàn, phải có máy móc thiết bị hiện đại", lãnh đạo hiệp hội bày tỏ.

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, đồng ý với phương án thiết bị ghi phải ghi số lượng mỗi lần bán ra kết nối với cơ quan thuế và có thể xuất hóa đơn gộp. Song, chuyên gia kiến nghị, trước mắt phải sửa công thức giá để tính đủ chi phí cho khâu bán lẻ vì xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhà nước đang kiểm soát giá đầu ra và thương nhân đầu mối đang nắm quyền chia chiết khấu cho thương nhân phân phối và bán lẻ.

Theo quy định, trong mỗi lít xăng dầu đã có chi phí kinh doanh định là 1.050 đồng và lợi nhuận định mức là 300 đồng. Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra tình trạng đầu mối bóp chiết khấu ở khâu bán lẻ khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng. Vì vậy, bản chất vấn đề là phải tính toán để có sự hài hòa lợi nhuận ở các khâu, lúc đó lợi nhuận kinh doanh được đảm bảo, hệ thống bán lẻ sẽ tự khắc đầu tư hệ thống xuất hóa đơn.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ban-xang-dau-phai-xuat-hoa-don-dien-tu-nhin-tu-nhung-goc-khuat-192231110190114982.htm