Bancassurance đã tạo ra sự thay đổi nổi bật trên thị trường bảo hiểm
Kênh Bancassurance đã tạo động lực phát triển mới và mạnh mẽ cho doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm; tạo thế cạnh tranh mới giữa các doanh nghiệp bảo hiểm; đã góp phần tích cực vào sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bảo hiểm trong giai đoạn vừa qua.
Đây là đánh giá về vai trò và sự phát triển của kênh bán bảo hiểm thông qua các ngân hàng (Bancassurance) của các diễn giả tại Diễn đàn “Bancassurance: Tiềm năng và thách thức” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều ngày 27/7/2022.
Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã triển khai Bancassurance
Trước năm 1993, ở Việt Nam chỉ có duy nhất một doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đó là Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100/CP, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã hình thành và phát triển mạnh mẽ cả về số lượng các DNBH cũng như qui mô của doanh thu phí bảo hiểm. Từ năm 2000, hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã được xây dựng và ban hành đồng bộ từ Luật Kinh doanh bảo hiểm đến các nghị định và thông tư hướng dẫn, là cơ sở pháp lý quan trọng để các DNBH chủ động phát triển hoạt động kinh doanh, trong đó có hoạt động liên kết với các ngân để phân phối các sản phẩm bảo hiểm đến các khách hàng có quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Cùng với đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2004 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cho phép các tổ chức tín dụng được thành lập các công ty độc lập để kinh doanh bảo hiểm, do vậy sự liên kết hoạt động giữa bảo hiểm và ngân hàng này đã có cơ sở để phát triển chính thức, thêm nhiều hình thức chặt chẽ hơn.
Năm 2014, sau khi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT/BTC-NHNN, hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã có bước khởi sắc và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với mô hình thỏa thuận phân phối bảo hiểm.
Bancassurance đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ảnh: Minh họa..
Trong 5 năm trở lại đây, số lượng các thương vụ hợp tác ngân hàng - bảo hiểm ngày một nhiều, giá trị lớn hơn, thời gian hợp tác dài hơn, nhiều thỏa thuận hợp tác theo hình thức hợp tác độc quyền.
Thông tin từ Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong 5 năm trở lại đây, số lượng các thương vụ hợp tác ngân hàng - bảo hiểm ngày một nhiều, giá trị lớn hơn, thời gian hợp tác dài hơn (có thương vụ thỏa thuận hợp tác lên tới 20 năm), nhiều thỏa thuận hợp tác theo hình thức hợp tác độc quyền.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2021, 16/18 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ đã ký 61 hợp đồng bancassurance, tổ chức tín dụng tại Việt Nam, trong đó: 40 hợp đồng có thỏa thuận phân phối độc quyền (66%); 21 hợp đồng không có thỏa thuận phân phối độc quyền (34%).
Bancassurance là động lực phát triển mới cho các doanh nghiệp bảo hiểm
Thông tin tại Diễn đàn “Bancassurance: Tiềm năng và thách thức” chiều 27/7, bà Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, do đặc thù mô hình hợp tác trong từng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ nên các sản phẩm bancassurance của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cũng khác nhau.
Theo đó, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, với mô hình hợp tác thỏa thuận phân phối, thì các sản phẩm chủ yếu là sản phẩm sẵn có của DNBH nhân thọ, độc lập với sản phẩm dịch vụ của ngân hàng (chiếm khoảng 93% tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua ngân hàng); các sản phẩm gắn với khoản vay/tiết kiệm của ngân hàng chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 7%).
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, với mô hình hợp tác liên doanh góp vốn hoặc sở hữu đơn nhất, các DNBH đã thiết kế riêng sản phẩm cho kênh bancassurance. Đây đều là các sản phẩm đơn giản hoặc có độ phức tạp vừa phải, hướng đến các đối tượng khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình hoặc các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn.
Cũng theo bà Phạm Thu Phương, mặc dù xuất hiện sau các kênh phân phối truyền thống là đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm, song đến nay, kênh bancassurance đã phát triển nhanh chóng và ngày càng trở thành kênh phân phối quan trọng của các DNBH, nhất là đối với các DNBH nhân thọ - được xác định là một trong 2 kênh phân phối chủ lực, cùng với kênh đại lý bảo hiểm.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, mặc dù tỷ trọng doanh thu phí bancassurance đạt khoảng 7% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ, song vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.
Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bancassurance tăng trưởng ở mức cao (trung bình 55%), đạt gần 37.000 tỷ đồng vào năm 2021, chiếm tỷ trọng 23% tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua tất cả các kênh phân phối.
Nếu tính riêng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của các DNBH nhân thọ qua kênh ngân hàng thì năm 2021, mức tăng trưởng đạt gần 58% so với năm 2020, chiếm 41,4% doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của các DNBH nhân thọ, góp phần đáng kể trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ trong vài năm trở lại đây (khoảng 20%).
Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tăng từ 1,4% từ năm 2014 lên 3% vào năm 2020. Tỷ lệ khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm trung bình của các kênh phân phối khác.
Kênh bancassurance ra đời và phát triển nhanh, mạnh, vững chắc trong suốt thời gian qua đã góp phần tăng khả năng tiếp cận khách hàng của các DNBH. Có nhiều phân đoạn thị trường khách hàng mà trước đó DNBH chưa tiếp cận được do cách trở về địa lý, mạng lưới phân phối bảo hiểm chưa vươn tới, khách hàng ở các khu vực thưa dân,... thì qua kênh bancassurance, DNBH đã có cơ hội tiếp cận, từ đó tư vấn cung cấp sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tăng từ 1,4% từ năm 2014 lên 3% vào năm 2020. Tỷ lệ khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm trung bình của các kênh phân phối khác.
Như vậy, “kênh bancassurance đã tạo động lực phát triển mới và mạnh mẽ cho doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm; tạo thế cạnh tranh mới giữa các doanh nghiệp bảo hiểm; đã góp phần tích cực vào sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bảo hiểm trong giai đoạn vừa qua” – bà Phạm Thu Phương nhấn mạnh.