Băng cassette vẫn có người nghe

Sự hoài cổ trong giới nghe nhạc là khá rõ; ngoài sự hồi sinh của loại đĩa than (vinyl), nay băng cassette cũng rục rịch quay trở lại. Album mới nhất của ca sĩ Taylor Swift, 'The Tortured Poets Department', bán được 23.000 băng cassette. Dĩ nhiên con số này là quá nhỏ bé so với 1,1 triệu đĩa CD và 988.000 đĩa than album này bán được nhưng chỉ tính riêng album này thôi, dự kiến số lượng băng cassette bán ra trong cả năm 2024 có thể cao hơn toàn bộ băng cassette của mọi album bán được trong năm 2009.

Băng cassette rất thịnh hành vào đầu thập niên 1980 cho đến khi bị đĩa CD lấn lướt vào đầu thập niên 1990. Lúc đó cộng đồng nghe băng cassette thu hẹp, chỉ còn trong giới nghệ sĩ, giới hoài cổ. Đến năm 2015 lúc dịch vụ nghe nhạc trực tuyến lần đầu tiên vượt qua lượng nhạc tải về, băng cassette cũng bắt đầu quay trở lại, như tại các cửa hàng Urban Outfitters. Thị trường mua băng cassette còn có các “siêu hâm mộ”, tức những người sẵn sàng bỏ tiền mua một album ưa thích bằng mọi định dạng, từ CD, cassette đến tải về hay trên đĩa than.

Ở thị trường Mỹ, sự hồi sinh của băng cassette phải vượt qua một trở ngại lớn: không còn thiết bị để nghe. Chiếc xe hơi sau cùng có trang bị hộc băng cassette là một chiếc Lexus 2010. Tuy nhiên, cũng ở Mỹ, đến một phần tư xe hơi lưu hành có tuổi đời trên 15 năm nên vẫn còn nhiều xe cũ có trang bị máy chơi cassette. Một điển hình cho giới “siêu hâm mộ” là Cora Buel, 48 tuổi, sống ở California. Theo lời cô kể cho tờ New York Times, lúc Taylor Swift cho ra mắt album “1989 (Phiên bản của Taylor)” dưới nhiều định dạng, Buel biết cô sẽ phải mua bằng được một băng cassette album này. Cô đang lái một chiếc BMW đời 1998 có hộc băng cassette vẫn hoạt động trơn tru.

Loại máy để nghe cassette phổ biến thứ nhì ở Mỹ là các loại máy Walkman nhưng đa phần đã bị hư hỏng. Sony từng bán hơn 200 triệu chiếc Walkman từ năm 1979 lúc chiếc Walkman đầu tiên ra đời ở Nhật Bản cho đến khi hãng này ngưng sản xuất vào năm 2010. Các hãng khác, từ Panasonic đến Toshiba, cũng ngưng sản xuất cả máy nghe nhạc mini kiểu Walkman lẫn máy chơi băng cassette cỡ lớn. Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ ngưng theo dõi doanh số bán hàng loại máy radio/cassette/CD player từ năm 2016 là năm doanh số máy bán ra còn 653.671 chiếc. Lúc đỉnh cao, số máy loại này bán được đến 25 triệu chiếc vào năm 1994.

Dân nghe nhạc hoài cổ nay có thú sưu tầm máy Walkman cũ, dù hư hỏng. Họ tổ chức các nhóm trao đổi kinh nghiệm sửa chữa, cách tìm linh kiện. Các cửa hàng mua bán máy cũ cũng hoạt động khá nhộn nhịp. Một trong những lý do giới nghệ sĩ độc lập vẫn thích băng cassette vì giá rẻ. Chi phí sản xuất một album trên băng cassette chỉ 2,8 đô la so với 6,92 đô la nếu in thành đĩa vinyl. Máy nghe băng cassette cũ cũng rẻ hơn nhiều so với dàn nghe đĩa than. Còn người nghe, có thể do chủ quan, thường nhận xét nhạc kỹ thuật số nghe vô hồn, vô cảm; phải nghe qua cassette mới thấm thía, nhất là loại nhạc rock thập niên 1960 và 1970.

Hiện nay, một số nhà sản xuất đã quay trở lại thị trường máy cassette để đáp ứng nhu cầu hoài cổ này. FiiO, một công ty điện tử có trụ sở ở Quảng Châu, Trung Quốc, vừa ra mắt một chiếc máy nghe nhạc kiểu Walkman với giá 100 đô la. FiiO là thương hiệu khá quen thuộc ở Việt Nam với các sản phẩm tai nghe, máy nghe nhạc kỹ thuật số. Còn trên các sàn điện tử Trung Quốc, vô số loại Walkman đủ cỡ đủ kiểu được chào bán với giá rất rẻ.

Một công ty khởi nghiệp đóng trụ sở ở Paris, Pháp có tên We Are Rewind cũng giới thiệu chiếc Walkman tinh giản của họ qua nền tảng gọi vốn cộng đồng Kickstarter. Bán với giá 160 đô la, chiếc máy nghe nhạc cassette của họ có kết nối bluetooth để kết hợp chức năng nghe nhạc trực tuyến. Năm ngoái We Are Rewind bán được 20.000 chiếc máy cassette mini và kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi con số này trong năm 2024.

James Chung, CEO của hãng FiiO, trả lời phỏng vấn tờ New York Times cho biết thử thách lớn nhất trong việc hồi sinh máy cassette là chuỗi cung ứng sản xuất loại máy này đã bị gián đoạn hoàn toàn từ lâu. Nay phục hồi thị trường để tìm lại sự sôi nổi của những chiếc Walkman như thời thập niên 1990 là điều không tưởng.

Tuy nhiên sự hồi sinh đĩa than cũng trải qua những thử thách như thế. Cách đây chừng 10 năm, nhu cầu đĩa than tăng vọt nhưng các nơi dập đĩa đã giải thể từ lâu, số còn lại chỉ có thể dập đĩa cho các hãng với thời gian chờ có thể từ sáu tháng đến cả năm.

Nay tình hình đã được cải thiện đáng kể; năm ngoái tại Mỹ có đến 43,2 triệu đĩa than được bán ra, tăng vọt so với 1 triệu đĩa năm 2006 khi đĩa than bắt đầu hồi sinh. Băng cassette cũng có thể quay trở lại ngoạn mục như thế vì những trở ngại của chúng nhỏ hơn nhiều so với đĩa than.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bang-cassette-van-co-nguoi-nghe/