Bằng đại học ở Anh có còn được đánh giá cao?
Các trường đại học ở Anh thu hút một lượng lớn sinh viên ngoại quốc từ khắp nơi trên thế giới. Tuy vậy, giới trẻ nước này ngày càng thờ ơ với việc học đại học.
Theo The Guardian, Anh có khoảng 140 trường đại học. Nếu tính cả các cơ sở đào tạo công có cấp bằng, con số này lên tới 164 trường (theo dữ liệu của Higher Education Statistics Agency).
Có bao nhiêu sinh viên tại Anh?
Năm học 2017-2018, 2,3 triệu sinh viên đăng ký theo học tại các trường đại học ở Anh, chiếm 3% dân số nước này. Trong đó, 57% sinh viên là nữ. Tỷ lệ sinh viên đến từ vùng dân tộc thiểu số của Anh tăng 4% trong 5 năm, từ 20% (2013-2014) lên 24% (2017-2018).
Số lượng học sinh đăng ký học đại học tăng dần từ năm 2015, sau khi chính phủ gỡ bỏ giới hạn tuyển sinh để tăng tính cạnh tranh. Các trường đại học phải chạy đua để thu hút sinh viên mỗi năm.
Có bao nhiêu sinh viên vào đại học ở Anh năm học tới?
Từ tháng 7, 275.520 người đã đăng ký vào đại học thông qua hệ thống UCAS (hệ thống tuyển sinh tại Anh) cho các chương trình cử nhân bắt đầu đào tạo từ năm 2019. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 1%, dù số lượng người trẻ trong độ tuổi 18 ở Anh giảm 1,9% trong năm nay.
Các chuyên gia của Viện Chính sách Giáo dục Đại học dự đoán trường đại học sẽ cần cung cấp thêm 300.000 chỉ tiêu trước năm 2030 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Tuy nhiên, tỷ lệ đăng ký học đại học của nhóm sinh viên lớn tuổi giảm một nửa từ năm 2012, đặc biệt ở các khóa học bán thời gian và sau đại học. Hiện tại, hơn 1,3 triệu sinh viên ở Anh hơn 21 tuổi.
Có bao nhiêu sinh viên nước ngoài ở Anh?
Theo Higher Education Statistics Agency, 247.685 sinh viên nước ngoài bắt đầu học đại học ở Anh năm 2017. Dù con số này tăng nhẹ vào năm ngoái, trong 5 năm qua, số lượng sinh viên nước ngoài đều ở mức thấp. Trong khi đó, những quốc gia khác như Australia dần thay thế vị trí điểm đến du học của Anh.
Số lượng sinh viên đến từ Trung Quốc tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua. Sinh viên Trung Quốc ngày càng ưu tiên Anh hơn Mỹ trong quyết định chọn trường để du học.
Số lượng sinh viên đến từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) giảm 1,2% năm 2018. Chính phủ Anh cam kết sinh viên từ các quốc gia EU vẫn được hưởng chính sách về học phí và khoản vay sinh viên như trước đây trong năm học 2020-2021.
Trên 40.000 sinh viên nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong việc đăng ký visa trong tháng 9 tới sau khi quy trình xử lý visa đã được chuyển giao cho một công ty dịch vụ công nghệ thông tin của Pháp Sopra Steria. Phí hẹn nộp đơn visa của công ty này cao gấp nhiều lần so với dịch vụ trước đây.
Có bao nhiêu trường đại học công lập ở Anh?
Không có trường đại học nào ở Anh được chính phủ hỗ trợ tài chính 100%. Sinh viên sẽ phải sử dụng các khoản vay dành cho sinh viên của chính phủ để chi trả việc học đại học.
Sau khi tốt nghiệp, khoản vay này được trừ dần vào tiền lương của sinh viên khi họ có mức thu nhập tối thiểu 25.000 bảng. Trung bình sau 30 năm, sinh viên sẽ trả hết khoản nợ này.
Các trường đại học ở Anh chỉ nhận được một phần tư quỹ hoạt động từ chính phủ dưới hình thức các khoản tài trợ cho nghiên cứu và việc giảng dạy môn học có chi phí cao.
Theo Higher Education Statistics Agency, tổng nguồn kinh phí các trường đại học ở Anh có được trong năm trước là 38,2 triệu bảng. Một nửa trong số đó đến từ học phí và các hợp đồng giáo dục. Phần còn lại đến từ nhiều nguồn khác nhau như các quỹ tài trợ học bổng (13%), tổ chức nghiên cứu (16%)...
Một số trường như ĐH Oxford, ĐH Cambridge, ĐH Imperial College London nhận được đóng góp "khủng", trong khi các trường khác gần như không có. Riêng ĐH Oxford và ĐH Cambridge đã có nguồn kinh phí lên tới 21 triệu bảng trong năm vừa qua.
Các trường đại học tư thục chiếm số ít ở Anh. Vì không được chính phủ trợ cấp, học phí của các trường như ĐH Buckingham và Regent’s University London rất cao. Tuy nhiên, các trường này không yêu cầu bằng cấp nhiều và học sinh có thể đăng ký trực tiếp với trường mà không cần thông qua hệ thống UCAS.
Tất cả trường đại học đều "có lãi"?
Không ít trường đại học ở Anh gặp khó khăn vì cạnh tranh trong việc tuyển sinh, bất ổn chính trị và tài chính eo hẹp. Năm ngoái, một số trường đại học ở Anh đối mặt nguy cơ đóng cửa vì không tuyển đủ sinh viên.
Những trường đại học có số lượng sinh viên đăng ký học giảm mạnh trong những năm gần đây gồm ĐH Kingston, London Metropolitan University và ĐH Cumbria.
Nick Hillman - Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học, Anh - cho biết các đại học mất đi mạng lưới tài chính an toàn sau khi chính phủ đóng cửa Hội đồng ngân sách giáo dục đại học vào tháng tư năm ngoái, thay thế nó bằng Văn phòng sinh viên. Cơ quan mới này không hỗ trợ các trường trong vấn đề tài chính như hội đồng cũ.
Có cần thiết phải vào đại học?
Gánh nặng tài chính mà một tấm bằng đại học mang lại là không hề nhỏ. Từ khi học phí tăng gấp 3 lần năm 2012, sinh viên đại học phải chịu khoản nợ lớn ngày càng tăng do tỷ lệ tiền lãi cao. Số tiền nợ trung bình của một sinh viên tốt nghiệp đại học sau 3 năm là 50.000 bảng.
Bạn trẻ gặp thêm nhiều khó khăn sau khi chương trình trợ cấp sinh hoạt phí bị ngưng hoạt động vào năm 2016. Thay vào đó, sinh viên được hưởng khoản vay 509 bảng mỗi tháng. Số tiền này không giúp đỡ sinh viên nhiều vì chi phí nhà ở và các khoản sinh hoạt khác ngày một tăng.
Trong khi đó, nếu thu nhập của bố mẹ nhiều hơn 30.000 bảng, sinh viên chỉ nhận được một phần khoản vay. Phụ huynh phải hỗ trợ con trang trải số tiền còn lại để học đại học.
Chi phí cho việc học đại học rất cao, dù vậy tấm bằng tốt nghiệp sẽ phát huy giá trị của nó trong tương lai. Năm ngoái, mức thu nhập bình quân của cử nhân đại học là 34.000 bảng và của một người không đi học đại học chỉ 24.000 bảng.
Mức thu nhập của các cử nhân cũng có sự khác biệt theo màu da và giới tính. Sinh viên da trắng tốt nghiệp có thu nhập bình quân 35.000 bảng, trong khi sinh viên da đen là 25.000 bảng. Nam sinh viên có thu nhập bình quân cao hơn nữ 1.500 bảng.
Trường đại học và khóa học nào có tỷ lệ được tuyển dụng cao nhất?
Theo Viện nghiên cứu tài khóa, cử nhân từ nhóm đại học Russel và các trường tương đương có mức thu nhập cao nhất. Họ kiếm được bình quân từ 26.000 đến 30.000 bảng sau 5 năm.
Cử nhân đại học London School of Economics dẫn đầu về mức thu nhập bình quân. Cụ thể, nữ sinh tốt nghiệp từ trường nhận mức lương bình quân 45.000 bảng và nam sinh là hơn 60.000 bảng.
Ngành học được tuyển dụng nhiều nhất là Y dược. Sinh viên tốt nghiệp các ngành Y, Toán, và Kinh tế thu nhập nhiều hơn mức bình quân 30%. Ngược lại, sinh viên nghệ thuật nhận được mức lương ít hơn mức bình quân 15%.
Học đại học ở châu Âu sẽ tiết kiệm hơn?
Một vài trường đại học ở châu Âu lục địa cung cấp chương trình học miễn phí hoặc có mức học phí thấp hơn ở Anh. Có thể kể đến các quốc gia như Đức, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Iceland.
Những quốc gia này có các chương trình học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Chi phí nhà ở và sinh hoạt cao thấp tùy theo từng thành phố. Ở Scotland, học phí được miễn cho mọi sinh viên, trừ Anh. Chương trình trao đổi sinh viên Erasmus+ cũng là lựa chọn của nhiều sinh viên để được miễn học phí.
Những lựa chọn thay thế khác
Con đường học thuật không dành cho mọi người. Có nhiều cách khác để bạn có thể học đại học như theo hệ từ xa hay trực tuyến. Những chương trình này giải quyết vấn đề khoảng cách địa lý và thời gian. Một vài cơ sở giáo dục cung cấp chương trình vừa học vừa làm, tăng cao khả năng được tuyển dụng sau này của sinh viên.
Năm 2015, chính phủ Anh đã giới thiệu chương trình học nghề có cấp bằng. Nhà tuyển dụng và chính phủ sẽ chi trả học phí cho sinh viên và họ sẽ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đây là lựa chọn mới tiết kiệm hơn để có một tấm bằng đại học.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bang-dai-hoc-o-anh-co-con-duoc-danh-gia-cao-post979893.html