Bang đầu tiên tại Mỹ cấm bán thuốc lá điện tử
Ngày 24/9, bang Massachusetts, miền Đông Bắc nước Mỹ, đã trở thành bang đầu tiên tại quốc gia này cấm bán các loại thuốc lá điện tử.
Phát biểu khi tuyên bố tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp liên quan đến các loại thuốc lá điện tử được bán trên địa bàn bang, Thống đốc Charlie Baker cho biết lệnh cấm có hiệu lực tức thời và sẽ kéo dài tới ngày 25/1/2020.
Ông Baker khẳng định mục đích của việc ban bố tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp là ngăn chặn tạm thời việc bán các sản phẩm thuốc lá điện tử trong thời gian chính quyền làm việc với các chuyên gia y tế để xác định những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và tìm biện pháp quản lý những sản phẩm này hiệu quả hơn để bảo vệ sức khỏe người dân.
Trong vài tuần qua, giới chức Mỹ xác định hàng trăm ca mắc bệnh về phổi có liên quan tới các loại khói thuốc lá điện tử trong đó có 7 ca tử vong. Tiểu bang Massachusetts đã xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh, 2 trường hợp khả năng cao mắc bệnh và khoảng 50 ca bệnh khác đang trong quá trình chẩn đoán.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đang tiến hành xét nghiệm hơn 150 mẫu sản phẩm tình nghi nhưng vẫn chưa xác định được thành phần gây ra các bệnh về phổi kể trên.
Hồi đầu tháng này, các bang Michigan và New York đã cấm các loại thuốc lá điện tử có hương vị do lo ngại gia tăng các trường hợp mắc bệnh phổi liên quan tới thuốc lá điện tử cũng như khả năng các loại sản phẩm có hương vị sẽ khiến giới trẻ dễ nghiện nicotine.
Hôm 24/9 vừa qua, ban quản lý của hạt Los Angeles cũng đã áp dụng biện pháp tạm ngừng bán các sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị. Trước đó, hồi tháng 7, thành phố San Francisco, bang California ban hành lệnh cấm bán thuốc lá điện tử trên toàn thành phố nhưng lệnh cấm cấp bang thì tới nay mới chỉ có Massachusetts áp dụng.
Theo một nghiên cứu công bố năm 2017, 20% học sinh phổ thông tại Massachusetts sử dụng thuốc lá điện tử và 41% từng thử những sản phẩm này. Theo quy định ban đầu, thuốc lá điện tử được bán cho những người trên 18 tuổi nhưng đến cuối năm 2018, giới chức Mỹ đã nâng độ tuổi tối thiểu được sử dụng các sản phẩm này lên 21.