Bảng điểm, giấy khen, thành tích học tập... của con có nên đưa lên mạng xã hội?

Khi năm học kết thúc cũng là lúc các loại bảng điểm với những điểm 9, điểm 10, giấy khen... được các bậc phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội để 'khoe' thành tích học tập của con em mình. Điều này liệu có lợi cho trẻ?

Mới đây, với bài đăng "Tha thiết mong các bậc phụ huynh không đăng giấy khen của con lên Facebook. Nếu đồng ý bấm ok" trên nhóm "Chúng tôi là giáo viên" đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Sau hơn 1 ngày đăng tải đã có tới hơn 10.000 lượt like với gần 2.000 bình luận chia sẻ khác nhau. Có nhiều ý kiến ủng hộ như: phụ huynh ai thích thì khoe; bố mẹ đăng giấy khen con cái họ lên mạng xã hội là hoàn toàn bình thường… Tuy nhiên, cũng có những ý kiến không đồng tình việc cha mẹ đăng tải giấy khen của con lên mạng xã hội: "Nhà trường đăng trên trang có ý nghĩa biểu dương thành tích, còn cha mẹ đăng giống như mình đang khoe thành tích. Việc đăng tải có thể tạo áp lực cho con ở năm học sau, tạo áp lực cho các bạn của nó khi thành tích không bằng, bị so sánh với con nhà người ta"…

Nhìn nhận dưới góc độ của chuyên gia tâm lý, PGS.TS. Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) đã chia sẻ với báo chí rằng, về mặt cảm xúc, việc khoe con lên facebook có ý nghĩa tích cực, thể hiện sự tự hào của bố mẹ. Song yếu tố nguy cơ tiềm tàng xảy đến với con mình có lẽ nặng hơn.

Nếu đưa các thông tin cá nhân về tên tuổi, địa chỉ trường học… của trẻ lên các trang mạng xã hội, kẻ xấu rất có thể lợi dụng việc đó để thực hiện hành vi phạm tội của mình như bắt cóc tống tiền hoặc xâm hại trẻ em.

Nếu đưa các thông tin cá nhân về tên tuổi, địa chỉ trường học… của trẻ lên các trang mạng xã hội, kẻ xấu rất có thể lợi dụng việc đó để thực hiện hành vi phạm tội của mình như bắt cóc tống tiền hoặc xâm hại trẻ em.

Khen để tạo động lực là tốt nhưng cách thức khen mới quan trọng. Việc khen rầm rộ khiến đứa trẻ kiêu căng. Nếu khen không đúng năng lực càng tạo nên áp lực. Những đứa trẻ cố gắng để năm nay có giấy khen bằng năm trước chỉ vì "được khoe". Đó không phải động lực mà là áp lực. Học tập vì thành tích mà không phải học tập vì đam mê những kiến thức mà mình thu được.

Vô hình trung, bố mẹ đã gửi đến một thông điệp sai lệch rằng đứa trẻ ngoan phải là đứa trẻ học giỏi, có điểm số tốt, nhiều giấy khen, bằng khen. Trong khi thực tế những đứa trẻ ngoan và thành công không nhất thiết phải có những thứ đó. Khoe giấy khen là hướng đến tư duy thành tích. Thực tế, có những trẻ ngoan học không giỏi và ngược lại.

Ngoài ra, việc làm này cũng là nguy cơ về sự so sánh. Việc khen con hiệu quả nhất là không so với người khác mà phải so với chính con. Thế nên việc khoe giấy khen trên facebook chỉ như cuộc đua thể diện của bố mẹ mà không nghĩ nhiều đến chủ thể chính là những đứa con.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, tâm lý chung của trẻ là muốn được bố mẹ ghi nhận và khen. Nhưng việc khoe chỉ có giá trị khi khoe với những người có ý nghĩa đối với đứa trẻ. Nhiều lúc chính đứa trẻ cảm thấy mình chưa xuất sắc, nhưng tâm lý "con hát mẹ khen hay" nên khi đã khoe thì bố mẹ có phần hơi quá so với thực tế. Điều đó tạo cho đứa trẻ sự ngượng ngiụ, có áp lực phải làm tốt để xứng đáng với lời khen đó. Ngược lại, nhiều đứa trẻ đã quen với việc được tâng bốc, thì khi không có năng lực sẽ phải giả vờ, tự chém gió và sinh tính giả dối.

Ở một góc độ khác, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, việc cha mẹ đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của con mình lên mạng xã hội là một hành động tưởng chừng như vô hại nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn. Nếu đưa các thông tin cá nhân về tên tuổi của học sinh, địa chỉ trường học… của trẻ lên các trang mạng xã hội, kẻ xấu rất có thể lợi dụng việc đó để thực hiện hành vi phạm tội của mình như bắt cóc tống tiền hoặc xâm hại trẻ em.

"Luật Trẻ em đã có hiệu lực, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý vấn đề này. Chúng ta có quyền được tự hào về thành tích học tập, rèn luyện của con mình sau một năm nỗ lực phấn đấu. Nhưng người lớn cần tuyệt đối chú ý phòng tránh việc quá dễ dãi trong việc công khai thông tin cá nhân, hình ảnh của con lên mạng xã hội. Chúng ta phải hết sức cân nhắc trước khi quyết định đưa hình ảnh trẻ lên mạng, thậm chí cả nơi các cháu học tập được ghi trong giấy khen, bảng điểm để phòng tránh nguy cơ mất an toàn cho trẻ", Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết.

Từ 1/6/2017, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/7/2017. Nghị định quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em…

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//bang-diem-giay-khen-thanh-tich-hoc-tap-cua-con-co-nen-dua-len-mang-xa-hoi-169211222082543749.htm