Bằng hữu và địch thủ nghệ thuật

Hiếm có mối quan hệ bằng hữu nào lại khiến công chúng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc hơn giữa Henri Matisse (Pháp) và Pablo Picasso (Tây Ban Nha).

Henri Matisse và Pablo Picasso. Ảnh: Thecollector.com

Henri Matisse và Pablo Picasso. Ảnh: Thecollector.com

Mới hôm trước, họ còn tâng bốc và gọi nhau là tri kỷ, hôm sau đã trở mặt thành thù, thậm chí khi một người gần đất xa trời, người còn lại cố tình tảng lờ như không biết.

Chịu ảnh hưởng lẫn nhau

Trong lịch sử nghệ thuật phương Tây hiện đại, Matisse và Picasso là 2 tên tuổi lừng lẫy nhất. Tuy đối lập nhau từ phong cách hội họa đến tính nết, họ là đôi bạn tuyệt vời.

Nếu Matisse trải qua đào tạo bài bản để từ một luật sư trở thành họa sĩ thì Picasso là thần đồng hội họa. Trước khi gặp nhau vào năm 1906, Picasso thường xuyên chê bai các tác phẩm của Matisse không chút sáng tạo nhưng, sau khi gặp nhau, họ như cá gặp nước, nhanh chóng trở thành đôi bạn tâm giao.

Nguyên nhân chính khiến Matisse và Picasso thân thiết ngay có lẽ là do cùng say mê Paul Cezanne (1839 - 1906), họa sĩ người Pháp khiến giới nghệ thuật phương Tây thời đó phát cuồng. Tiếp theo, cả 2 đều có cùng một người bảo trợ là doanh nhân Shchukin (1854 - 1936, Nga).

Shchukin là một trong những nhà sưu tầm và bảo trợ nghệ thuật hiếm hoi có thái độ tử tế với giới nghệ sĩ. Ông luôn dõi theo thị trường nghệ thuật và sớm bị cuốn hút bởi những tác phẩm mới mẻ, độc đáo. Picasso không chỉ là họa sĩ triển vọng, mà còn là họa sĩ khác biệt nhất.

Trong khi các họa sĩ khác, bao gồm cả Matisse phải đi khắp nơi tìm kiếm cảm hứng sáng tạo, ông chỉ việc ngồi trong phòng và lấy cảm hứng từ trí tưởng tượng. Nguồn cảm hứng lớn nhất của Picasso có lẽ là nghệ thuật châu Phi. Ông có hẳn một bộ sưu tập mặt nạ, tượng châu Phi và sự ảnh hưởng từ chúng thể hiện rõ trong các tác phẩm lập thể của ông.

Ngay khi nhìn thấy những tác phẩm lập thể đầu tiên của Picasso, Shchukin đã muốn mua toàn bộ. Dần dà, ông có được tổng cộng 50 bức tranh của Picasso. Sau Picasso, Shchukin chú ý đến Matisse và mua của họa sĩ này tổng cộng 38 bức tranh.

Cùng chung người bảo trợ khiến Matisse và Picasso có nhiều cơ hội gặp nhau hơn.

Picasso thường dành hàng giờ để ngắm các bức tranh của Matisse, cố gắng lý giải phương pháp vẽ cũng như ý nghĩa của chúng và ngược lại, Matisse cũng vậy. Có lần, Picasso thừa nhận rằng, nếu chưa là họa sĩ Picasso, ông chắc chắn sẽ vẽ giống như Matisse.

Ngoài ra, Picasso và Matisse còn cùng làm việc với vũ đoàn lưu động lừng danh Ballets Russes, trong vai trò người thiết kế trang phục. Cũng chính ở Ballets Russes, Picasso tìm thấy “nàng thơ” và người bạn đời là vũ công Olga Khokhlova, kết thúc sự hợp tác bằng đám cưới với Khokhlova vào năm 1918.

Riêng Matisse thì buồn hơn. Vì quá quan tâm đến việc thiết kế ra chiếc áo choàng lộng lẫy nhất, ông quên mất tính năng chuyển động, cuối cùng gây ra thảm họa là vở kịch múa ba lê mà vũ công lại chỉ có thể đứng yên.

Phong cách nghệ thuật của Matisse và Picasso hoàn toàn đối lập nhau. Ảnh: Thecollector.com

Phong cách nghệ thuật của Matisse và Picasso hoàn toàn đối lập nhau. Ảnh: Thecollector.com

Cái kết khó lý giải

Mặc dù rất tôn trọng tài năng của nhau, nhưng cách thức cư xử với nhau giữa Matisse và Picasso khiến công chúng khó lòng hiểu được tại sao. Thỉnh thoảng, họ gửi nhau những món quà mà chỉ khiến đối phương cảm thấy bực bội, ví dụ như lần Picasso gửi Matisse một mảnh gốm vỡ mà không giải thích một lời.

Đáp lại, Matisse tặng cho Picasso bức tượng quái gở về thần Polynesia mà ông nhặt được ở đâu đó. Quá tức giận, Picasso vừa không thèm nhận vừa rêu rao khắp nơi rằng đó là thứ xấu xí nhất trần đời.

Mỗi lần đứng trước tranh của nhau, trong tâm khảm của 2 họa sĩ này không chỉ có sự hiếu kỳ, ngưỡng mộ, mà còn tràn ngập thói ghen ghét. Ai nấy cố gắng bóc trần kỹ năng của người kia và ngạo nghễ khi phát hiện được mánh khóe của đối thủ. Chỉ cần không nhìn ra, họ liền mất ăn mất ngủ. Có lần, Matisse còn suýt nữa thì ăn cắp bức tranh phong cảnh của Picasso để mang về soi xét cho đủ kỹ.

Những năm cuối đời, Matisse bị ốm nặng, phải nằm liệt giường. Dù vậy, ông vẫn không thể buông bỏ nỗi ám ảnh trước bức tranh Phong cảnh mùa Đông (Winter Landscape) của Picasso. Sau khi được Picasso cho mượn để “nghiên cứu”, ông đem treo luôn trên tường phòng ngủ và từ chối trả với lý do “chưa phân tích xong”.

Một trong các tác phẩm nổi bật nhất của Matisse lại không phải tranh vẽ mà là bức ghép đầy màu sắc trong Nhà nguyện Mân Côi ở Vence, Riviera (Pháp). Ông nhận công việc trang trí nhà nguyện này thông qua một cựu y tá theo dòng Đa Minh, dù bản thân là tín đồ Công giáo. Picasso vừa là người cộng sản vừa chủ trương vô thần đến mức cực đoan. Biết Matisse nhận làm việc cho nhà nguyện và còn để lại tác phẩm quá xuất sắc, ông nổi cơn thịnh nộ.

Tuy vô cùng tức giận Matisse, nhưng Picasso lại lẳng lặng vẽ bức tranh tường cho nhà nguyện của riêng mình ở Vallauris (Pháp). Đây là bức tranh tường lớn nhất trong sự nghiệp hội họa của ông và có lẽ, để tránh bị chế giễu, ông không vẽ theo chủ đề tôn giáo mà vẽ chiến tranh và hòa bình.

Thời gian phải nằm liệt giường, Matisse luôn trách móc Picasso không chịu đến thăm. Ngày 3/11/1954, ngay sau khi Matisse tạ thế, con gái của ông đã gọi điện báo cho Picasso nhưng Picasso không bắt máy hay gọi lại. Ông cũng không đến dự đám tang của Matisse và hành động này khiến nhiều người chê trách.

Có rất nhiều đồn đoán về nguyên nhân Picasso lạnh nhạt với Matisse cũng như không tiễn đưa người bạn nghệ thuật này. Người thì cho rằng, Picasso bực bội Matisse mượn tranh không trả nên mới đáp lại bằng thái độ thiếu tôn trọng; người lại tin ông chỉ đơn thuần là không chấp nhận được sự ra đi trước của Matisse, người không chỉ là địch thủ nghệ thuật duy nhất, mà còn là bằng hữu tâm giao tâm đắc nhất.

Những năm sau khi Matisse mất, Picasso vẽ 14 bức tranh về phụ nữ Algeria. Ông chia sẻ với bạn bè rằng, chính Matisse là lý do và nguồn cảm hứng để ông bứt phá hơn nữa trên con đường hội họa cũng như điêu khắc.

Theo Thecollector.com

Thi San

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bang-huu-va-dich-thu-nghe-thuat-post662418.html