Bang Kerala của Ấn Độ đóng cửa trường học ngăn virus Nipah

Ngày 13/9, chính quyền bang Kerala ở miền nam Ấn Độ tuyên bố đóng cửa một số trường học, văn phòng và tạm dừng giao thông công cộng trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Nipah hiếm gặp đã khiến 2 người thiệt mạng.

Khu cách ly Nipah tại một bệnh viện ở Kozhikode, Kerala, Ấn Độ, ngày 12/9/2023. Ảnh: Reuters

Khu cách ly Nipah tại một bệnh viện ở Kozhikode, Kerala, Ấn Độ, ngày 12/9/2023. Ảnh: Reuters

Tính tới 30/8, đợt bùng dịch Nipah thứ 4 kể từ năm 2018 tại bang Kerala đã khiến 2 nạn nhân thiệt mạng. Nạn nhân đầu tiên là một chủ đất nhỏ ở làng Marutonkara. Con gái và anh rể của nạn nhân, đều bị nhiễm bệnh và đang nằm trong khu cách ly trong khi các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm đều được xét nghiệm. Nạn nhân thứ 2 tử vong sau khi tiếp xúc với nạn nhân đầu tiên trong bệnh viện, theo cuộc điều tra sơ bộ của các bác sĩ.

Trong bối cảnh đó, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế bang Kerala Veena George ngày 13/9 cho biết: “Chúng tôi đang tập trung truy tìm những người tiếp xúc sớm với những người bị nhiễm bệnh và cách ly bất kỳ ai có triệu chứng”. Hiện chính quyền địa phương đã tiến hành xét nghiệm virus đối với hơn 130 người khác. Các nhân viên y tế cũng buộc phải tuân theo các quy định cách ly nghiêm ngặt sau khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.

Việc di chuyển bằng phương tiện công cộng bị hạn chế tại nhiều nơi trong bang nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng y tế trong khi vùng hạn chế được ban bố tại ít nhất 7 ngôi làng ở quận Kozhikode. Một số trường học và văn phòng buộc phải đóng cửa.

Virus Nipah lần đầu tiên được xác định năm 1999 ở Malaysia và Singapore. Trong đợt bùng phát Nipah đầu tiên ở Kerala, Ấn Độ, 21/23 người nhiễm bệnh qua đời trong khi các đợt bùng phát lần lượt vào năm 2019 và 2021 đã cướp đi sinh mạng của 2 người nữa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết các ca nhiễm bệnh ở người đều do tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc mô bị ô nhiễm của chúng trong đợt bùng phát đầu tiên được ghi nhận ở Malaysia và Singapore. Tới các đợt bùng phát tiếp theo ở Bangladesh và Ấn Độ, việc tiêu thụ trái cây hoặc các sản phẩm từ trái cây (chẳng hạn như nước ép chà là thô) bị nhiễm nước tiểu hoặc nước bọt của dơi ăn quả bị nhiễm bệnh là nguồn lây nhiễm có khả năng nhất.

Việc lây truyền virus Nipah từ người sang người cũng đã được báo cáo trong gia đình và người chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Trong các đợt bùng phát sau đó ở Bangladesh và Ấn Độ, virus Nipah lây lan trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc gần gũi với chất tiết và chất bài tiết của người.

Một người nhiễm bệnh sẽ ghi nhận việc nhiễm trùng không có triệu chứng đến nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (nhẹ, nặng) và viêm não gây tử vong. Những người bị nhiễm bệnh ban đầu xuất hiện các triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, nôn mửa và đau họng.

Người bệnh cũng có thể bị chóng mặt, buồn ngủ, thay đổi ý thức và các dấu hiệu thần kinh cho thấy bệnh viêm não cấp tính. Một số người cũng có thể bị viêm phổi không điển hình và các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, bao gồm cả suy hô hấp cấp tính. Viêm não và co giật xảy ra ở những trường hợp nặng, tiến triển đến hôn mê trong vòng 24 đến 48 giờ.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bang-kerala-cua-an-do-dong-cua-truong-hoc-ngan-virus-nipah-post26822.html