Bằng lái ô tô hạng B có được dùng thay cho bằng xe máy A1, A2?
Pháp luật không có quy định nào về việc người lái xe được sử dụng GPLX dành cho các loại xe ô tô để thay cho xe mô tô, xe gắn máy.
Gửi câu hỏi đến Báo Giao thông, bạn đọc Nguyễn Phương Anh (trú huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) băn khoăn: Sau khi thi đỗ kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) ô tô hạng B2, tôi có thể sử dụng bằng lái mới này để thay cho các bằng hạng A1 và A2 khi điều khiển xe máy hay không?
Về nội dung này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, GPLX là một trong các loại giấy tờ bắt buộc người điều khiển phương tiện phải mang theo khi tham gia giao thông.
Tại thời điểm CSGT kiểm tra, người điều khiển xe phải xuất trình được GPXL phù hợp với loại xe điều khiển.
Hiện nay, pháp luật không có quy định nào về việc người lái xe được sử dụng GPLX dành cho các loại xe ô tô để thay cho xe mô tô, xe gắn máy. Do đó, người dân cần sử dụng loại bằng lái được cấp phù hợp với loại xe để lưu thông
Còn theo luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ nêu rõ, hệ thống bằng lái xe tại Việt Nam hiện có 11 loại bằng lái và quy định rõ chức năng, giá trị sử dụng của từng loại bằng.
Cụ thể, bằng lái hạng A1: Cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50cm3 - dưới 175 cm3; người khuyết tật lái xe mô tô ba bánh dành cho người khuyết tật.
Bằng lái hạng A2: Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên, bao gồm các loại xe thuộc phạm vi GPLX hạng A1.
Bằng lái hạng A3: Cấp cho người điều khiển xe mô tô ba bánh, bao gồm các loại xe quy định cho GPLX hạng A1 và xe tương tự, không bao gồm bằng A2. Các loại bằng A1, A2 và A3 không có thời hạn.
Bằng lái hạng A4: Cấp cho người lái các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000kg, có thời hạn sử dụng trong 10 năm kể từ ngày cấp.
Bằng lái xe ô tô hạng B1 (hay B11): Cấp cho người lái xe ô tô nhưng không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe gồm ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải và ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg, ô tô dùng cho người khuyết tật.
Bằng lái xe ô tô hạng B1 (hay B12): Người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe gồm ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, ôtô tải, ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg, máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg. Bằng lái B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi (đối với nữ) và đủ 60 tuổi (đối với nam).
Bằng lái B2: Cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe gồm xe ô tô 4-9 chỗ ngồi, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn, các loại xe quy định cho GPLX hạng B1. Bằng B2 có thời hạn 10 năm.
Bằng lái xe hạng C: Dành cho người lái xe ô tô 4-9 chỗ, ô tô tải kể cả ô tô tải chuyên dùng và ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500kg trở lên, máy kéo kéo một rơmoóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên, gồm cả các loại xe dùng bằng B1, B2.
Bằng lái xe hạng D: Cấp cho tài xế ô tô chở người từ 10 - 30 chỗ, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C.
Bằng lái xe hạng E: Cấp cho người điều khiển ô tô chở người trên 30 chỗ, các loại xe quy định cho GPLX B1, B2, C, D. Đáng chú ý, người có bằng lái B1, B2, C, D và E khi điều khiển các loại xe tương ứng được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750kg.
Các loại GPLX hạng C, D, E được dùng trong 5 năm kể từ ngày cấp.
Riêng bằng lái hạng F cấp cho người đã có bằng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơmoóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750kg, sơmi rơmoóc, ô tô khách nối toa.
Ngoài ra, GPLX hạng F còn phân ra một số hạng cụ thể khác như: FB2 (lái xe ô tô cần bằng B2 có kéo rơmoóc); FC (xe ô tô cần bằng C có kéo rơmoóc, ô tô đầu kéo kéo sơmi rơmoóc, bao gồm B1, B2, C, FB2; FD (lái các loại xe cần bằng D có kéo rơmoóc, gồm cả B1, B2, C, D và FB2; FE...
Giấy phép lái xe các hạng FB2, FC, FD, FE có thời hạn sử dụng trong 5 năm kể từ ngày cấp.