Bằng lăng báo hạ

Ảnh minh họa: CTV

Ảnh minh họa: CTV

Tháng năm, nắng rót mật tràn những con đường buổi sớm mới tan sương, lấp loáng trên hàng bằng lăng rần rật đua nhau đâm lá mới. Suối lá mỡ màng, xanh mướt như ào ạt tuôn ra từ những nhánh cành xương xẩu, trụi trơ im lìm qua suốt mùa xuân. Đâm chồi nảy lộc đón… hè, không phải đón xuân, đó là tính cách riêng của bằng lăng.

Tốc độ tuôn lá của bằng lăng cũng thuộc hàng độc nhất vô nhị, nhanh không thể tưởng. Vừa mới nhánh cành trụi trơ, chớp mắt nửa tháng sau đã lừng lững lùm ôm như chiếc dù đổ tán, mướt mát um tùm. Những chiếc lá dài to bản hình mũi mác chồng phủ lên nhau nhiều lớp khiến bóng mát bằng lăng dưới cái nắng đổ lửa trưa hè luôn là một khoảng không gian mát rượi. Tháng năm, nông dân phơi lúa tất bật dọc những con đường có bóng mát của hàng bằng lăng. Bóng cây thành những ốc đảo rười rượi chở che cho nhọc nhằn có chỗ tạm nghỉ, uống nước ăn cơm; hoặc chợp mắt chút cho qua cơn oi nồng giữa trưa hè im phắc gió…

Sân thể dục dụng cụ trong công viên cũng có gốc bằng lăng cổ thụ sừng sững đứng vươn cao một góc. Ngày ngày, tôi quen kết thúc bài vận động sớm của mình bằng cách nằm ngửa uốn lưng trên chiếc “giường” cong bán nguyệt đặt dưới gốc cây. Cuối tháng ba, khi những cành bằng lăng trụi trơ vừa khởi đâm chồi lá, có con chim át le mẹ te tái đi về, mỏ ngậm cọng lá cỏ dài tước được đan đan kết kết nơi một hõm cây còn trống trải. Ngạc nhiên, bởi loài át le chỉ thích kết tổ ở nơi rậm rạp an toàn, trốn khỏi cặp mắt rình mò của những giống săn mồi ưa quần đảo. Lo lắng cho chú chim hiền lành, chắc chưa kinh nghiệm nên mới nhè kết tổ chỗ trống huơ trống hoác.

Nhưng nỗi lo của tôi đã nhanh chóng biến thành… không đâu khi nửa tháng trôi qua, tổ chim đan xong thì cũng vừa vặn lấp chìm trong tán lá bằng lăng mới trổ rậm rì, xanh non mơn mởn! Giờ thì đố có con chim ăn thịt nào bay ngang nhận ra được tí ti dấu vết tổ át le giữa bạt ngàn xanh lá. Hóa ra, nhờ bản năng tự nhiên mách bảo, con át le khôn ngoan đã biết canh quy luật ra lá của bằng lăng để chọn đúng thời điểm kết tổ lý tưởng, tận dụng hết mức tuổi thọ của tán lá bằng lăng mà che kín tổ. Suốt cả mùa hè, mùa thu kéo đến tận đông sau, chiếc tổ nhỏ xinh, ấm áp sẽ được mẹ lá ôm trùm, chở che để những lứa chim non luôn được an toàn tối đa, nắng chẳng đến đầu mưa không đến mặt. Yên tâm, khi tán lá bằng lăng bắt đầu úa rụng thì những lứa chim non đã từ lâu rời tổ. Ngôi nhà hoàn thành xong sứ mệnh, và vợ chồng chim bố - mẹ có thể yên tâm đợi thêm một mùa bằng lăng thay lá để đi xây nhà mới...

*

Lá xanh ấm áp nghĩa tình. Vậy nhưng, gây ấn tượng mạnh nhất nơi những cội bằng lăng vẫn là… hoa. Hoa trổ từng chùm vươn cao, lô nhô hình tháp khi vòm lá xanh đã đạt độ mãn khai, xanh ngút. Những chiếc nụ tròn xám nâu tuần tự nở bung từ chân dần lên đỉnh “tháp”, phô phang sắc tím rực rỡ kiêu sa. Và khi những ngọn đuốc tím kia đến độ mãn khai, con đường có hàng bằng lăng sắc tím chói chang bỗng mang dáng vẻ lạ lẫm như vừa… thay áo mới! Trời trong veo, nắng hạ càng chói chang thì sắc tím bằng lăng càng ngạo nghễ rực lên dưới nắng. Khác với màu phượng vĩ đỏ loang trời tháng sáu, tím bằng lăng tháng năm không phủ định màu xanh của lá. Tím nương nhờ, ôm ấp, quyện hài hòa chấm phá cho nền xanh lá - và ngược lại - sắc lá xanh kia tới phiên mình lại tôn vinh, đỡ đần cho sắc tím thăng hoa. Tháng năm, ve khản giọng kêu ran trên những tán bằng lăng sân trường, hè phố, cơ quan rừng rực mỡ màng sắc xanh, mãn khai sắc tím. Nhìn bằng lăng, biết hạ đã thật sự về…

Y NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/316463/bang-lang-bao-ha.html