Băng rừng, vượt suối vào chiến trường

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để vào được các mặt trận, bao lớp chiến sĩ phải đi bộ băng rừng, vượt núi. Những cuộc hành quân ấy có thể kéo dài hàng tháng trời, đối mặt với bao gian nguy từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên đến sự truy kích của kẻ thù.

Ông Cao Quang Tân đã ghi lại cuộc hành quân gian khổ vào chiến trường như một kỷ niệm không bao giờ quên

Ông Cao Quang Tân đã ghi lại cuộc hành quân gian khổ vào chiến trường như một kỷ niệm không bao giờ quên

Trĩu nặng hành trang

Đầu tháng 5.1965, ông Cao Quang Tân ở thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) tạm biệt quê hương gia nhập Sư đoàn 320. "Theo thường lệ, các chiến sĩ mới sẽ được ở lại miền Bắc huấn luyện khoảng 3 tháng, sau đó vào chiến trường chủ yếu bằng các phương tiện cơ giới. Nhưng thời điểm ấy, tình thế ngày càng cam go, lực lượng chiến đấu của ta ở chiến trường đang cần phải bổ sung gấp quân số nên lứa chiến sĩ chúng tôi lúc ấy nhận lệnh vừa huấn luyện vừa tiếp cận chiến trường bằng cách hành quân ngay", ông Tân nhớ lại.

Cuộc hành quân của ông Tân và nhiều đồng đội trong đợt ấy kéo dài hơn 3 tháng, bắt đầu từ Phủ Lý (Hà Nam). Theo lời kể của ông Tân, tàu chở các chiến sĩ từ Hải Phòng, Hải Dương đến Phủ Lý thì dừng lại. Sau đó, mọi người đi bộ vào Ninh Bình tập hợp, điểm danh quân số cùng với nhiều địa phương khác. Chỉnh đốn xong hàng ngũ, mọi người lên đường vào cuộc hành quân lớn. Mỗi chiến sĩ đều phải mang quân trang, vũ khí chiến đấu trên vai. Ông Tân vẫn nhớ như in những thứ mà ông phải mang trong lúc hành quân: "Tôi được phân công vác một càng súng máy 12 ly 7 cùng gạo, cuốc, xẻng, quân tư trang, cộng lại khoảng 45 kg. Chúng tôi đi xuyên đêm, ban ngày nghỉ ngơi kết hợp học chính trị. Thời tiết miền Trung khắc nghiệt, ban ngày nắng rát, có đêm mưa dầm dề, đôi chân tôi bủn rủn tưởng như không thể bước tiếp vì sức nặng trên vai, vì đường rừng trơn trượt như bôi mỡ".

Đại tá Phan Văn Nhật là một người con của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Trong những năm tháng chiến tranh, ông đã gặp bà Vũ Thị Thúy Vinh, người huyện Thanh Miện. Sau này khi đất nước giải phóng, ra quân ông về cùng bà sống tại phường Nhị Châu (TP Hải Dương). Trong chiến tranh, ông Nhật cùng đồng đội từng phải hành quân nhiều ngày liền băng rừng, vượt suối vào chiến trường. Đầu năm 1967, sau khi được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ, đơn vị C4 pháo cao xạ Đoàn 559 do ông Nhật làm Đại đội trưởng được điều động từ Quảng Bình vào mặt trận phía trong. Lúc này, cả đơn vị gồm 180 người hành quân sang tỉnh Khăm Muộn (Lào). Ông Nhật kể: "Vì là đơn vị pháo nên mọi người phải khuân vác rất nhiều vũ khí chiến đấu. Có người phải khênh thân pháo nặng 70-80 kg suốt dọc đường đi. Đi bộ nhiều ngày làm cho đôi chân các chiến sĩ phồng rộp, vai tê dại vì sức nặng quân tư trang. Mỗi lúc nghỉ ngơi, mọi người thường tranh thủ đun nước muối ngâm chân để lấy sức tiếp tục hành quân. Có khi lương thực cạn kiệt, mọi người phải chia nhau kiếm rau rừng ăn đỡ bữa".

Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn huyền thoại (Ảnh tư liệu)

Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn huyền thoại (Ảnh tư liệu)

Máu đổ trên đường hành quân

Hành quân bằng đường bộ, các chiến sĩ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy từ rừng thiêng, nước độc và cả sự truy kích của kẻ thù. Có những người mãi mãi nằm lại trên đường hành quân, chưa kịp đến chiến trường. Trong bài viết "Vào tuyến lửa" (trích trong cuốn Âm vang Trường Sơn của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Hải Dương), tác giả Dương Văn Vấn - người con quê hương Gia Lộc đã kể lại bao mất mát hy sinh của các chiến sĩ trên đường hành quân vào Nam chiến đấu. Ông Vấn miêu tả, trong một lần vượt dãy Trường Sơn, sau mấy ngày hành quân suôn sẻ, đơn vị quyết định dừng chân bên một khe núi, phía trước là một con sông. Sáng sớm, khi đồng đội ra bờ sông nhận hàng tiếp tế thì bị địch phát hiện. Chúng cho máy bay rải bom khắp khu vực. Sau những loạt bom nổ xé trời, xen giữa khói bụi bay mịt mù là tiếng đồng đội bị thương kêu cứu, có người đã hy sinh, một phần thân xác hòa cùng đất đá, cỏ cây. Chỉ huy đơn vị nhận lệnh rút quân nhưng không được đi theo hướng giao liên định sẵn mà phải ngược lên đỉnh núi mở đường thoát. Trong khi leo núi, đá từ trên lăn xuống, có chiến sĩ bị trúng đầu bất tỉnh, phải đưa về tuyến sau điều trị.

Hơn 3 tháng hành quân, ông Tân cũng chứng kiến bao đồng đội hy sinh. "Nhớ một lần vượt sông ở Quảng Bình. Đêm ấy trời mưa như trút, nước sông cuồn cuộn dâng cao, nhiều cây gỗ to lao ầm ầm giữa dòng nước xiết. Vì nhiệm vụ, các chiến sĩ như những con thiêu thân lao vào dòng nước dữ. Một số người không may bị cây gỗ đâm trúng đành buông tay vịn và cuốn theo dòng nước. Có người hy sinh ngay trước mắt tôi", ông Tân không nén nổi xúc động gạt nước mắt khi nhắc về sự hy sinh của đồng đội. Bản thân ông Tân cũng đã có lúc gặp tai nạn trên đường đi. Có những chỗ vách núi thẳng đứng phải trèo bằng thang gỗ, ông Tân không nhớ được vách núi cao bao nhiêu chỉ biết rằng người ta phải nối 4 chiếc thang gỗ dài mới tới đỉnh. Lúc trèo, mồ hôi ai nấy vã ra như tắm. Nhiều người trượt ngã, càng súng máy nặng hàng chục cân đè vào người, vào đầu ngất xỉu.

Nói về những cuộc hành quân bằng đường bộ của các chiến sĩ vào chiến trường, đại tá Phan Văn Nhật khẳng định đó là những cuộc hành quân vô cùng gian khổ bởi địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và kẻ thù luôn rình rập khắp nơi để chặn đường hành quân tiếp tế của quân đội ta. Dù vậy, vượt lên mọi gian khổ, những người lính Cụ Hồ với ý chí kiên cường, quyết chiến vì Tổ quốc, vì nhân dân không hề chùn bước. Họ đã xẻ dọc Trường Sơn đi tới các mặt trận để góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt.

THANH NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/bang-rung-vuot-suoi-vao-chien-truong-165846