Băng tan ở Greenland mở ra 'cơn sốt' khoáng sản
Greenland, một đảo lớn thưa dân giữa Bắc Băng Dương và Bắc Đại Tây Dương, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng khí hậu. Băng tan nhường chỗ cho đất ngập nước, cây bụi và đá cằn, mở ra cơ hội khai thác khoáng sản.
Sự tan chảy của băng ở Greenland không chỉ làm lộ ra các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn khiến nhiều trữ lượng khoáng sản lớn nhất thế giới trở nên dễ tiếp cận hơn.
Greenland, một hòn đảo rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt, nằm giữa Bắc Băng Dương và Bắc Đại Tây Dương, đã trải qua những biến đổi đáng kể do khủng hoảng khí hậu trong vài thập kỷ qua.
Theo một phân tích lớn từ các hình ảnh vệ tinh được công bố bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Leeds, hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã khiến Greenland ngày càng "xanh" hơn.
Sự thay đổi môi trường này làm thay thế băng và sông băng bằng đất ngập nước, bụi cây và đá cằn cỗi. Các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo về nguy cơ băng tan, dẫn đến mực nước biển dâng cao và gia tăng khí thải nhà kính.
Đối với các công ty khai thác, băng tan lại mở ra cơ hội phát triển nguồn tài nguyên. "Các vùng nước quanh Greenland đang mở ra sớm hơn và đóng băng muộn hơn mỗi năm, giúp việc tiếp cận những khu vực xa xôi dễ dàng hơn so với vài thập kỷ trước," Roderick McIllree, giám đốc điều hành công ty khai thác 80 Mile, chia sẻ.
Hiện tại, băng chỉ hình thành khoảng 3-4 tháng ở các vĩ độ cực bắc, trong khi phần lớn hòn đảo chứng kiến sự tan chảy, làm lộ ra các mỏ khoáng sản tiềm năng chưa từng thấy.
Cơn bão địa chính trị
Tony Sage, Tổng giám đốc Critical Metals Corporation, cho biết điều kiện mới giúp công ty dễ dàng vận chuyển tàu lớn từ Bắc Đại Tây Dương tới tận mỏ Tanbreez ở phía nam Greenland, tận dụng các vịnh sâu mà không cần cảng cố định. Ông nhận định Greenland có thể chứng kiến một “cơn sốt” khoáng sản, như ở vùng băng giá Siberia.
Tuy nhiên, Sage nhấn mạnh việc khai thác tại Greenland gặp nhiều thách thức do địa hình xa xôi, dân số thưa thớt và thiếu cơ sở hạ tầng như đường sá, đường sắt, buộc công ty phải dựa vào trực thăng để di chuyển.
Trong bối cảnh này, Greenland trở thành lựa chọn chiến lược cho phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nguyên tố đất hiếm. Gần đây, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện ý định kiểm soát Greenland vì lý do an ninh quốc gia và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.
Dù vậy, Thủ tướng Greenland Mute Egede khẳng định hòn đảo “không phải để bán” nhưng sẵn sàng hợp tác với Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác mỏ, đồng thời kêu gọi quốc tế tôn trọng nguyện vọng độc lập của Greenland.
Rất nhiều khoáng sản quý
Jakob Kløve Keiding, cố vấn cấp cao tại Cục Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS), cho biết khảo sát năm 2023 đã đánh giá 38 nguyên liệu thô trên đảo, trong đó nhiều loại có tiềm năng cao, bao gồm đất hiếm, graphite, niobi, platin, molypden, tantal, titan, cùng trữ lượng đáng kể lithium, hafni, urani và vàng.
Các khoáng sản này được coi là thiết yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng, sử dụng trong pin xe điện, công nghệ lưu trữ năng lượng và an ninh quốc gia.
Keiding nhấn mạnh rằng Greenland là khu vực thăm dò mới với nhiều mỏ tiềm năng chưa có đủ dữ liệu để khai thác, mặc dù đã xác nhận được một số mỏ lớn với nguồn tài nguyên đã biết.
Dù băng tan giúp giảm bớt rào cản hậu cần, Keiding lưu ý rằng việc phát triển khai thác ở Greenland vẫn cần nhiều thời gian, đòi hỏi thêm dữ liệu và cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa tiềm năng này.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bang-tan-o-greenland-mo-ra-con-sot-khoang-san-post330985.html