Bảng xếp hạng đại học 'made in Vietnam': Cần có 1 pháp nhân độc lập?
'Việc so sánh đẳng cấp giữa trường này với trường khác thông qua xếp hạng; phân định thứ hạng trên dưới quá rõ ràng dẫn tới việc các trường đại học chuyển từ 'hợp tác' sang 'cạnh tranh' và 'ganh đua''.
30 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và ASEAN đầu tiên vừa được xếp hạng đối sánh và gắn sao do hệ thống xếp hạng UPM của nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện. Đây là sản phẩm thuộc Chương trình KHCN quốc gia về Khoa học Giáo dục do Bộ GD-ĐT chủ trì.
Gắn 'sao' như khách sạn
Theo GS Nguyễn Hữu Đức – người sáng lập nhóm nghiên cứu UPM – hiện nay trên thế giới có rất nhiều bảng xếp hạng khác nhau, nhưng chủ yếu chỉ quan tâm đến các trường đại học nghiên cứu và nhóm 1.000 trường đại học xuất sắc hàng đầu thế giới, tức khoảng 3% số trường đại học được xếp hạng.
Như vậy, 97% trường còn lại (khoảng 28.000 trường) sẽ không có “sân khấu” nào để tự đánh giá về những đóng góp của mình cho sự phát triển của kinh tế xã hội. Vì thế, bộ tiêu chí UPM ra đời với mục tiêu tiếp cận đến số đông các trường đại học. Điều UPM hướng tới không phải xếp hạng mà là công cụ để các trường đại học đối sánh với chuẩn.
“UPM sẽ cung cấp một bộ công cụ để các trường “tự khám sức khỏe”, tự đánh giá và định vị chính mình. Chúng tôi đã chọn các chỉ số gắn rất cụ thể và sát với các mốc chuẩn của đại học thuộc nhóm 100 của Châu Á; đặc biệt gắn với một số tiêu chí của đại học định hướng nghiên cứu theo quy định tại Nghị định 99.
Như vậy, các trường sẽ phấn đấu để đạt chuẩn và đạt đến chuẩn nào thì có chất lượng đó”, GS Đức thông tin.
GS Nguyễn Hữu Đức
Theo GS Đức, giờ đây các trường ĐH không chỉ là nơi cung cấp nguồn nhân lực, dạy cho sinh viên lập nghiệp, làm thuê, mà còn đào tạo ra những nhà khởi nghiệp sáng tạo, có khả năng tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Từ chỗ chỉ là trung tâm sáng tạo và chuyển giao tri thức, trường đại học trở thành nơi vừa sáng tạo, vừa thực thi, khai thác tri thức mới, vốn hóa tri thức.
“Trong 5-10 năm tới, mục tiêu của số đông các trường đại học Việt Nam hướng tới đạt chuẩn của top 100 ĐH Châu Á. Vì thế, trên cơ sở đảm bảo cái lõi xếp hạng truyền thống, bộ tiêu chuẩn UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0.
Đó là tinh thần khởi nghiệp và hoạt động đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; đào tạo linh hoạt, cá thể hóa và những giá trị đạo đức mới”, GS Đức thông tin.
Các trường được gắn 'sao' nói gì?
Khác với các bảng xếp hạng thế giới chỉ được xếp hạng, đối sánh mỗi năm một lần, UPM giống như một công cụ kiểm định chất lượng.
“UPM có cả phần mềm quản lý các tiêu chí, chỉ số để các trường tự quản lý, đối sánh. Trường nào có nhu cầu, UPM đều có thể hỗ trợ, tư vấn và thẩm định, thông báo kết quả cho các trường. Vấn đề là các trường phải cung cấp dữ liệu và minh chứng đầy đủ”, GS Đức nói.
Là 1 trong 30 trường đầu tiên tham gia, ĐH Dược Hà Nội được đánh giá đạt 4 sao. Phó Hiệu trưởng Đinh Thị Thanh Hải cho rằng, kết quả này như một sự kiểm định tiếp cận đầu ra giúp nhà trường xác định một cách chi tiết những điểm mạnh và điểm yếu của mình.
“Tôi đánh giá các tiêu chí của UPM rất sát với thực tiễn, mặc dù còn có một vài tiêu chí nên quan tâm đến đặc thù của khối ngành Sức khỏe. Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu bộ tiêu chí này, trường đã vận dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí mà hệ thống đối sánh UMP xây dựng để phát triển chiến lược của nhà trường”, PGS Hải nói.
TS Võ Sỹ Mạnh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Ngoại thương cũng cho rằng, bất kỳ bảng xếp hạng nào cũng còn những khiếm khuyết, nhưng không thể phủ nhận UPM đã đem lại giá trị riêng.
“UPM là hệ thống đánh giá khá sát, không chỉ bao gồm những yếu tố cơ bản như những hệ thống xếp hạng đang tồn tại mà còn chú trọng đến sự phát triển của các xu hướng trong tương lai như đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đối số,…”.
Cần có 1 pháp nhân độc lập?
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, hiện nay trên thế giới có rất nhiều bảng xếp hạng với phương pháp luận khác nhau, ví dụ như xếp hạng về học thuật, xếp hạng về đổi mới, về mức ảnh hưởng,…
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Bảng xếp hạng UPM theo phương thức gắn sao hợp lý hơn so với các bảng xếp hạng khác – vốn chỉ tập trung vào việc phân tầng nhóm 500-1000 trường.
“Việc phân tầng của các bảng xếp hạng này sẽ so các trường với những tiêu chuẩn đặt ra. Điều này giúp các trường phấn đấu để đạt chuẩn chứ không phải ganh đua xếp hàng giành vị trí của nhau.
Ngoài ra, UPM đã đi thêm một bước là chia các trường thành hai nhóm định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Đây cũng là một cách thức tiếp cận phù hợp, nhưng cũng sẽ còn khó khăn là làm sao để thuyết minh được phương thức xếp hạng hợp lý, có được số liệu khách quan, đầy đủ và cạnh tranh được với bảng xếp hạng thế giới”, TS Tùng nói.
Ông Tùng cũng cho rằng, khó có bộ tiêu chí xếp hạng nào đánh giá toàn diện tất cả các khía cạnh hoạt động của một trường đại học mà chỉ có thể nhìn nhận trên một lát cắt nhất định; trong khi mỗi trường có định hướng phát triển và đang ở một giai đoạn phát triển riêng.
"Với cùng một tiêu chí, có những trường xếp hạng cao nhưng trường khác lại thấp. Đổi tiêu chí, kết quả có thể cho ngược lại. Do đó, không thể dùng bảng xếp hạng để so sánh trường này tốt hơn trường khác.
Các bảng xếp hạng chỉ nên xem là thông tin mang tính chất tham khảo, khuyến khích các trường nhận biết được ở mỗi khía cạnh mình đang phát triển ở mức độ như thế nào.
UPM có thể xem như kết quả bước đầu của một đề tài nghiên cứu. Việc xếp hạng 30 trường giống như một “phép thử”, trên cơ sở đó giúp nhóm nghiên cứu đánh giá bước đầu phương pháp đưa ra và khả năng đáp ứng dữ liệu".
Tuy nhiên, theo ông Tùng, để xếp hạng một cách chính thức, theo Luật Giáo dục đại học 2018, cần phải do một pháp nhân phi thương mại mang tính độc lập thực hiện. Do đó, nhóm nghiên cứu nên thành lập một pháp nhân độc lập để việc xếp hạng mang tính pháp lý cao hơn.