Bangkok đóng cửa 352 trường học do ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Ngày 24/1, chính quyền thủ đô Bangkok của Thái Lan đã ra lệnh đóng cửa 352 trường học trên toàn thành phố do mức độ ô nhiễm không khí tăng cao, đạt mức nghiêm trọng nhất trong vòng 5 năm qua.
Trước tình trạng không khí độc hại, chính quyền thành phố đã triển khai chương trình miễn phí phương tiện giao thông công cộng trong một tuần, nhằm giảm lượng xe cá nhân lưu thông - một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm.
Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Suriya Juangroongruangkit cho biết từ ngày 25/1 người dân có thể sử dụng miễn phí các phương tiện như tàu điện trên cao (BTS), tàu điện ngầm (MRT), hệ thống tàu nhẹ và xe buýt công cộng.
Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul cũng đã ban hành lệnh cấm đốt rơm rạ, một nguyên nhân chính góp phần vào tình trạng không khí tồi tệ hiện nay. Những người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý.
Theo dữ liệu từ IQAir, vào sáng ngày 24/1, nồng độ bụi mịn PM2.5 đã đạt mức 108 microgram/m³, cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị tối đa 15 microgram/m³ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chỉ số này đã đưa Bangkok trở thành thành phố ô nhiễm thứ bảy trên thế giới vào thời điểm đó.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do sự kết hợp của không khí lạnh, tình trạng đốt rơm rạ từ các vùng nông nghiệp lân cận, khí thải giao thông và hoạt động xây dựng trong thành phố.
Việc đóng cửa trường học đã ảnh hưởng đến hàng ngàn học sinh tại Bangkok. Chính quyền Bangkok trước đó đã khuyến khích người dân làm việc tại nhà trong ba ngày và hạn chế xe tải hạng nặng vào trung tâm thành phố để giảm bớt lượng khí thải.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra hiện đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thụy Sĩ, đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Chính phủ đang xem xét các biện pháp như hạn chế hoạt động xây dựng và tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới.
Theo báo cáo mới của UNICEF công bố ngày 24/1, ô nhiễm không khí là tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến khoảng 242 triệu trẻ em trên toàn thế giới trong năm 2024. Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức cộng đồng và áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả.