Bangkok kêu gọi cư dân ở trong nhà

Người dân thành phố Bangkok được yêu cầu làm việc tại nhà để tránh bầu không khí ô nhiễm bao phủ thủ đô Thái Lan hôm 15/2, theo CNA.

 Bangkok là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới hôm 15/2. Ảnh: Pattarapong Chatpattarasill/Bangkok Post.

Bangkok là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới hôm 15/2. Ảnh: Pattarapong Chatpattarasill/Bangkok Post.

Chính quyền thành phố yêu cầu sự hợp tác từ người sử dụng lao động để giúp người lao động ở thành phố khoảng 11 triệu dân tránh tình trạng ô nhiễm, dự kiến kéo dài đến ngày 16/2.

Trang web giám sát không khí IQAir đã xếp hạng Bangkok trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào sáng 15/2. Theo IQAir, mức độ của các hạt bụi mịn PM2.5 - rất nhỏ đến mức có thể xâm nhập vào máu - cao hơn 15 lần so với hướng dẫn hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết vào cuối ngày 14/2 rằng tất cả nhân viên thành phố sẽ làm việc tại nhà trong ngày 15 và 16/2. "Tôi muốn yêu cầu sự hợp tác từ mạng lưới BMA (Chính quyền đô thị Bangkok) gồm khoảng 151 công ty và tổ chức, cả văn phòng chính phủ và khu vực tư nhân", ông nói.

Ông Chadchart cho biết ít nhất 20 trong số 50 quận của Bangkok được dự đoán có mức độ hạt PM2.5 không tốt cho sức khỏe và vấn đề này sẽ kéo dài do thời tiết lặng gió.

Chất lượng không khí ở Thái Lan thường xuyên ở mức báo động trong những tháng đầu năm do khói từ việc nông dân đốt rơm rạ trên đồng, khí thải công nghiệp và khói thải xe cộ.

Bangkok và thành phố phía bắc Chiang Mai được xếp hạng trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong một số ngày vào năm ngoái.

Tuy nhiên, nhiều người dân Bangkok không thể làm việc tại nhà. Jarukit Singkomron, 57 tuổi, tài xế xe ôm trên một trong những con phố đông đúc nhất thủ đô, vẫn đang làm việc dù bị dị ứng với tình trạng ô nhiễm.

"Nếu ở trong nhà, tôi sẽ đói. Những người như tôi phải ra ngoài để kiếm sống", ông nói.

Thủ tướng Srettha Thavisin đã tổ chức cuộc hội đàm hôm 15/2 với các quan chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết mức độ PM2.5.

Ông Srettha nói với các phóng viên: "Hiện tại, chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề về ô nhiễm, vì vậy chúng tôi phải hành động ngay lập tức để giảm thiểu tác động đối với người dân".

Ông nói rằng khoảng 25% ô nhiễm ở Bangkok đến từ các phương tiện giao thông và về lâu dài, việc hạn chế xe chạy bằng dầu diesel gây ô nhiễm cao có thể là một lựa chọn, cùng với các biện pháp thúc đẩy xe điện.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang diễn ra vì vấn đề này, với ít nhất 2 triệu người ở Thái Lan cần được điều trị y tế vì ô nhiễm vào năm 2023.

Năm ngoái, chính phủ Thái Lan hứa sẽ biến việc giải quyết ô nhiễm không khí thành một "chương trình nghị sự quốc gia". Dự thảo Đạo luật Không khí Sạch đã được nội các của ông Srettha thông qua vào tháng trước.

Nhưng vấn đề vẫn tồn tại. Tháng trước, một tòa án ở Chiang Mai đã ra lệnh cho chính phủ đưa ra kế hoạch khẩn cấp để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong vòng 90 ngày.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://znews.vn/bangkok-keu-goi-cu-dan-o-trong-nha-post1460339.html