Bangladesh 'đi tắt đón đầu' để xây dựng chính phủ thông minh

Công nghệ đám mây sẽ giúp các quốc gia đang phát triển tiếp tục hành trình số hóa dịch vụ công. 'Bằng cách đó, chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa các hoạt động quan trọng của chính phủ như bỏ phiếu điện tử, dịch vụ y tế điện tử, nộp hồ sơ điện tử, tòa án ảo, tư pháp điện tử...', ông Zunaid Ahmed Palak, Bộ trưởng phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) của Bộ Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin Bangladesh cho biết.

Là Bộ trưởng trẻ nhất trong nội các của Bangladesh, ông Zunaid Ahmed Palak đã nhận được nhiều lời khen vì tư duy tiến bộ về chính phủ kỹ thuật số và được liệt kê là một trong “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới trong Chính phủ kỹ thuật số” trong danh sách năm 2018 của Apolitical.

Bộ trưởng Zunaid Ahmed Palak là người gắn bó với hành trình số hóa chính phủ ở Bangladesh hơn 10 năm qua

Bộ trưởng Zunaid Ahmed Palak là người gắn bó với hành trình số hóa chính phủ ở Bangladesh hơn 10 năm qua

Số hóa dịch vụ công

Mười năm trước, trong chuyến thăm Singapore, ông Zunaid Ahmed Palak, lần đầu tiên biết đến kế hoạch của Chính phủ Singapore trong việc thực hiện chiến lược sử dụng công nghệ đám mây trong chính phủ. Phát biểu bên lề Oracle CloudWorld Tour Singapore hồi tháng 4-2024, Bộ trưởng Palak gọi đây là “bài học đầu tiên về công nghệ đám mây trong lĩnh vực công” đối với ông. “Kể từ đó, chúng tôi thấy Chính phủ Singapore đã tạo ra các giải pháp thông minh cho công dân của mình và trở thành hình mẫu cho thế giới như thế nào. Ở Bangladesh, chúng tôi thực sự quan tâm đến việc di chuyển tất cả các dịch vụ chính phủ của mình sang công nghệ đám mây”.

“Chúng tôi đã thiết kế và giới thiệu kiến trúc kỹ thuật số quốc gia Bangladesh rồi Dịch vụ xe buýt điện tử quốc gia rồi lần lượt các dịch vụ chính phủ kỹ thuật số khác. Nhưng tất cả các nền tảng này cần phải được lưu trữ an toàn ở đâu đó và chúng tôi không thể lưu trữ cơ sở dữ liệu quan trọng của công dân cả nước bên ngoài biên giới. Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định có một cơ sở công nghệ đám mây mạnh mẽ và an toàn trong trung tâm dữ liệu của chính phủ”, Bộ trưởng Palak chia sẻ.

Vào ngày 6-5-2024, Công ty TNHH Trung tâm Dữ liệu Bangladesh, nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu và khắc phục thảm họa thuộc sở hữu của chính phủ Bangladesh, đã thông báo về việc triển khai Vùng chuyên dụng Cơ sở hạ tầng đám mây Oracle (OCI) để giúp tăng tốc sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số có tên Tầm nhìn Bangladesh Thông minh 2041.

Tầm nhìn Bangladesh thông minh 2041 là sáng kiến nhằm xóa đói giảm nghèo vào năm 2041 và hướng đến tăng thu nhập bình quân đầu người trên 12.500 USD. Các kế hoạch kỹ thuật số của Tầm nhìn bao gồm việc giới thiệu một bản sắc kỹ thuật số phổ quát, các chương trình kỹ năng kỹ thuật số và một chính phủ không giấy tờ.

Tại sự kiện hôm 6-5, Bộ trưởng Zunaid Ahmed Palak chia sẻ rằng Chính phủ Bangladesh cho đến nay đã số hóa khoảng 2.500 dịch vụ của chính phủ. “Công nghệ đám mây là xương sống cho tầm nhìn chính phủ thông minh của chúng tôi. Bất kỳ dịch vụ nào muốn áp dụng cũng cần lưu trữ, xử lý trong một trung tâm dữ liệu. Nếu không có giải pháp đám mây, chúng tôi không thể mở rộng quy mô, không thể đảm bảo an toàn và đáp ứng tất cả các giải pháp dựa trên công nghệ tiên tiến”.

Phục vụ người dân, giữ vững niềm tin

Số hóa các dịch vụ của chính phủ là một chuyện; thu hút người dân sử dụng các dịch vụ này lại là chuyện khác. Bộ trưởng Palak cho biết, họ đã xác định 3 loại công dân sử dụng các dịch vụ công mà chính phủ sẽ cần thiết kế riêng. Đó là thế hệ cũ - những người thích tiếp cận trực tiếp các dịch vụ, cũng như những người thích có sự kết hợp giữa hình thức trực tiếp và gián tiếp. “Nhóm thứ ba là thế hệ Millennials và Gen Z, họ chỉ muốn các dịch vụ của chính phủ không có khuôn mặt, không tiếp xúc, không hiện diện”, ông Palak nói.

Một vấn đề khác là bảo mật dữ liệu và niềm tin của người dân. Bộ trưởng Palak lưu ý rằng Bangladesh, quốc gia có 170 triệu dân, tạo ra một lượng dữ liệu công dân đáng kể. “Không chỉ ở Bangladesh, mà ở bất cứ nơi nào trên thế giới, công dân thực sự phải đối mặt tính hai mặt khi cung cấp dữ liệu cá nhân của họ cho bất kỳ tổ chức nào, dù đó là chính phủ hay khu vực tư nhân, địa phương hay quốc tế. Bởi vậy, bài toán đặt ra là phải đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng và nền tảng dịch vụ đồng thời bảo vệ dữ liệu riêng tư của công dân”.

Bộ trưởng phụ trách công nghệ thông tin Bangladesh cho biết, hành trình phát triển CNTT của đất nước trong 15 năm qua đã thuyết phục ông rằng quan hệ đối tác công-tư sẽ là con đường phía trước. “Mười năm trước, khi chúng tôi quyết định lắp đặt cáp quang đến các ngôi làng xa xôi, chúng tôi đã có sự hợp tác của khu vực tư nhân, giúp chính quyền phục vụ người dân trên khắp đất nước tốt hơn. Trong thời kỳ Covid-19, chúng tôi thấy thêm lợi ích khi mọi thứ chuyển từ tiếp xúc trực tiếp sang kỹ thuật số”.

Tuy nhiên, Bangladesh vẫn có tư duy phải bắt kịp phần còn lại của thế giới, vì nước này đã “bắt đầu muộn” trong việc số hóa chính phủ. “Trước năm 2009, Bangladesh không có dấu ấn kỹ thuật số trong các thủ tục hoặc cơ chế của chính phủ. Khi đó, vấn đề nan giải là sự miễn cưỡng của chính phủ trong việc tiếp nhận các công nghệ mới và đổi mới. Nhưng bây giờ, chúng tôi muốn có một bước tiến “đi tắt đón đầu” trong 17 năm tới để hoàn thành mục tiêu xây dựng một Bangladesh thông minh”, Bộ trưởng Palak nhấn mạnh.

Theo GovInsider

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bangladesh-di-tat-don-dau-de-xay-dung-chinh-phu-thong-minh-post579870.antd