Con người sẽ như thế nào khi trí tuệ nhân tạo phát triển 'như con người'

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đang có mặt trong mọi mặt đời sống hàng ngày, từ các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động đến các hệ thống phức tạp trong sản xuất và quản lý doanh nghiệp. Vậy con người sẽ ra sao khi mà AI đang phát triển như con người? Liệu con người có chỗ đứng trong một thế giới tràn ngập AI không?

Mekong ASEAN đã có cơ hội trao đổi với TS. Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It về những tác động của AI tới cuộc sống của con người trong kỷ nguyên số hóa hiện nay.

Mekong ASEAN: Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển và được ứng dụng phổ biến trong đời sống. Ông có đánh giá gì về bức tranh trí tuệ nhân tạo toàn cầu trong thời gian qua?

Ông Trần Việt Hùng: Chúng ta chưa bao giờ sống trong thời đại đổi mới công nghệ diễn ra nhanh và mạnh mẽ như hiện nay. Dòng chảy công nghệ cứ liên tục thay đổi theo từng ngày, từng giờ, từng phút, thậm chí là từng giây.

Sự phát triển của AI đã vượt xa mọi kỳ vọng, mang lại những khả năng mà chỉ vài năm trước còn được xem là điều không tưởng. Những tiến bộ như chatbot trò chuyện tự nhiên với người dùng hay xe tự lái giờ đây đã trở thành hiện thực. Đặc biệt, sự xuất hiện của các chương trình AI tạo sinh (Generative AI) cho thấy AI có khả năng “sáng tạo” nội dung mới và một ngày không xa có thể cạnh tranh với con người trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2022, ChatGPT – chatbot AI của OpenAI trở thành một hiện tượng toàn cầu và cũng là nhân tố chính tạo ra một cuộc đua mới trong ngành công nghệ. Hầu hết trong chúng ta ai cũng từng sử dụng Google Search để tìm kiếm thông tin và tương đối hài lòng vì sự thông minh của nó, thì ChatGPT được đánh giá là thông minh hơn bởi thông tin nó mang lại ở đa lĩnh vực, giải đáp được các thắc mắc chỉ sau vài giây. Nó hoạt động giống như một cuộc hỏi đáp giữa người với người, thậm chí đưa ra lời khuyên. Chính điều đó giúp người tra cứu nhận được nhiều thông tin hơn trong sự tương tác gần gũi, thân thiện.

Cuộc chạy đua AI ngày một nóng lên, các công ty công nghệ lớn “đứng ngồi không yên” trước sức hút mạnh mẽ của ChatGPT. Theo hãng nghiên cứu thị trường Pitchbook, năm 2023, các nhà đầu tư chi tổng cộng 29,1 tỷ USD vào gần 700 giao dịch về AI tạo sinh, tăng hơn 260% về giá trị so với năm trước đó. Trong đó, một phần đầu tư đáng kể mang tính chiến lược đến từ Big Tech (gồm các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft).

Mekong ASEAN: Vậy trong bối cảnh đó, theo quan sát của ông, Việt Nam đang có những cơ hội tiềm năng cũng như đối mặt với khó khăn, thách thức gì?

Ông Trần Việt Hùng: AI được xem là một “cái mới” đối với cả thế giới. Nó xóa bỏ mọi cái “cũ”. Đó là các phương pháp, công nghệ hoặc quy trình làm việc trước khi AI được áp dụng, đã trở nên lỗi thời và không hiệu quả trong môi trường công nghệ ngày nay. Điều này giúp điểm xuất phát của Việt Nam đi ngang với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

AI mở ra nhiều cơ hội cho lao động trẻ tuổi, từ việc học tập và phát triển kỹ năng mới, tạo dựng sự nghiệp trong các ngành công nghệ tiên tiến, cho đến việc tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn lao động dồi dào, đặc biệt cơ cấu nguồn nhân lực trẻ. Dự kiến đến năm 2025, thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) sẽ chiếm 25% lực lượng lao động quốc gia. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về AI, từ các khóa học cơ bản đến các chương trình đào tạo nghề nghiệp.

Những cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, hầu hết các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM) chưa hỗ trợ tiếng Việt quá tốt. Các mô hình LLM được đào tạo bằng văn bản lấy từ Internet, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ chung – chiếm 75% lượng dữ liệu đào tạo. Đó cũng là một trong những lý do chính mà Việt Nam nên phát triển các bộ dữ liệu tiếng Việt để đào tạo và đánh giá các mô hình AI tạo sinh.

Bản chất của các công cụ AI dựa trên mô hình LLM chính là khả năng phán đoán từ tiếp theo. AI chỉ tốt khi dữ liệu được huấn luyện tốt bởi chúng không thể phân biệt được đâu là một nguồn dữ liệu đáng tin cậy. Dữ liệu đó bị sai dẫn đến kết quả sai lệch và không đáng tin cậy. Chỉ chúng ta mới hiểu rõ những nhu cầu và đặc điểm của người Việt.

Mekong ASEAN: Từ những chia sẻ của ông, có thể tưởng tượng một thế giới mà ranh giới giữa thực và ảo bị xóa nhòa. Vậy con người sẽ như thế nào khi mà AI phát triển như con người, thưa ông?

Ông Trần Việt Hùng: Theo quan sát của tôi, AI đã tương tác với con người như một con người thực sự và có thể tham gia vào công việc sáng tác - điều tưởng chừng chỉ con người mới làm được. Chỉ cần đưa ra yêu cầu trong vài giây là đã có một bài thơ, một tiểu thuyết dài nghìn chữ. Khi khoảng cách giữa người và công nghệ ngày càng thu hẹp như thế thì mọi người có xu hướng lo ngại rằng, con người sẽ bị thay thế bởi AI.

AI tạo sinh hiện đã có khả năng “giả” rất nhiều những hành vi của con người tuy nhiên về mặt bản chất thì các mô hình AI chỉ làm một việc đơn giản là đoán ra từ tiếp theo khi nó nhận được một số từ ở đầu vào chứ nó chưa thể có khả năng tư duy hay tính toán logic như con người.

AI cũng chỉ “giả” những bộc lộ về cảm xúc chứ không thực sự có những khả năng ấy ở thời điểm hiện tại. Dù vậy có rất nhiều công việc cụ thể mà AI đã làm rất tốt và có hiệu quả hơn nhiều so với con người. Do đó trong thời gian tới sẽ có nhiều công việc không cần con người làm nữa.

Mekong ASEAN: Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của AI với nền kinh tế, thị trường lao động. Tuy nhiên, máy móc, công nghệ tiên tiến khiến con người ít nhiều trở nên bị lệ thuộc ở nhiều cấp độ, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Ông nhìn nhận về vấn đề trên như thế nào?

Ông Trần Việt Hùng: AI sẽ cách mạng hóa hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Bởi nó cung cấp cho máy móc khả năng thực hiện nhiệm vụ giống con người như nhìn, viết và nói. Khi khả năng hoạt động thông minh của máy móc ngày càng tốt hơn, AI sẽ xâm nhập vào cuộc sống nhiều hơn.

Bằng cách tự động hóa quy trình, tối ưu sản xuất và khả năng phân tích dữ liệu lớn, AI có thể giảm tối đa sai sót và tiết kiệm thời gian trong công việc. Từ đó đưa ra các thông tin và xu hướng quan trọng giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí.

Tất nhiên, việc làm sẽ bị ảnh hưởng bởi AI khi nhiều công việc hiện tại của con người sẽ không còn tồn tại sau 10-20 năm nữa. Đó là những công việc lặp đi lặp lại, tính chất đơn giản như lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, chăm sóc khách hàng...

Tuy nhiên, nhìn về mặt tích cực, AI sẽ cải tiến công việc của con người và các công việc mới sẽ sinh ra để thay thế các công việc cũ đã mất đi. Giống như trước đây, sự ra đời của máy tính và Internet dẫn đến sự sụp đổ của một số nghề nhưng lại tạo ra nhiều công việc mới hơn như kỹ sư phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu và kỹ thuật AI.

Ngược lại, những ai biết tận dụng AI như một công cụ hỗ trợ sẽ có nhiều lợi thế. Bằng cách kết hợp sự sáng tạo và khả năng độc đáo của con người với sức mạnh của AI, họ có thể tạo ra những đột phá và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực. Thời đại AI bùng nổ không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội to lớn cho những ai biết vươn lên và thích nghi.

Mekong ASEAN: Dưới góc nhìn một startup công nghệ tại thung lũng Silicon (Mỹ), theo ông, những quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần có chiến lược như thế nào để tận dụng lợi thế của AI?

Ông Trần Việt Hùng: Đầu tư vào giáo dục và đào tạo là yếu tố then chốt để Việt Nam tận dụng lợi thế của AI. Nhóm đối tượng đầu tiên chúng ta cần phải chú trọng đào tạo là đội ngũ giáo viên. Bởi họ đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ một tương lai "số hóa".

Giáo viên hiểu biết về các công nghệ tiên tiến như AI có thể đóng góp vào việc phát triển và cập nhật chương trình học để phản ánh những tiến bộ mới nhất trong công nghệ. Khi đó, giáo viên có thể giúp học sinh nhận thức rõ hơn về cả mặt tích cực và tiêu cực của các công nghệ tiên tiến để sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn.

Việc đào tạo AI cho giáo viên cần được triển khai ở mọi cấp độ và địa phương, nhằm giảm thiểu khoảng cách kỹ thuật số giữa các khu vực phát triển và kém phát triển. Điều này đảm bảo rằng tất cả học sinh, bất kể hoàn cảnh, đều có cơ hội tiếp cận với kiến thức và kỹ năng hiện đại.

Hơn nữa, giáo viên có thể ứng dụng AI để tạo ra các phương pháp giảng dạy sáng tạo và hiệu quả như phân tích dữ liệu học tập của học sinh để tùy chỉnh nội dung giảng dạy theo đặc thù.

Khi giáo viên được trang bị đầy đủ kiến thức về AI, chúng ta sẽ có một đội ngũ khai thác, đánh giá đầu ra của các công cụ AI một cách tốt nhất và đáng tin cậy. Từ đó hình thành được "hàng rào" bảo vệ con người trong các rủi ro về dữ liệu như nội dung gây thù hận, phân biệt đối xử cũng như thách thức về quyền riêng tư, bảo mật tiềm ẩn trong AI.

Với giới trẻ là các bạn sinh viên, học sinh THPT, THCS, cần tạo điều kiện cho các bạn trẻ được tiếp cận sớm với những công nghệ tiên tiến. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 7-8 triệu trẻ em từ 8-16 tuổi. Nếu có thể đào tạo tốt 10% trong số này thì sẽ có thêm hàng trăm nghìn kỹ sư công nghệ giỏi trong tương lai.

Không những thế, những kiến thức khoa học máy tính giúp trẻ em học được tư duy logic để giải quyết vấn đề trong nhiều lĩnh vực của đời sống, chứ không nhất thiết phải đi theo con đường công nghệ. Các kỹ năng này tạo lợi thế cạnh tranh trong tương lai khi mà làm ngành nghề gì cũng phải ít nhiều liên quan tới công nghệ.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/con-nguoi-se-nhu-the-nao-khi-tri-tue-nhan-tao-phat-trien-nhu-con-nguoi-post36032.html